Chuyện giữ nghề ở Hà Nội

Hà Nội từ lâu được biết đến là mảnh đất có nhiều nghề, phố nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng. Tuy nhiên, qua những biến thiên của thời gian, nhiều nghề đã và đang bị mai một hoặc đang tồn tại một cách lay lắt. Sự mai một của nghề truyền thống, không chỉ làm mất đi kế sinh nhai của người dân, mà còn mất đi một chiều cạnh văn hóa đã từng gắn bó với một vùng đất…

Để phục vụ khách du lịch, các cơ sở kinh doanh tại làng lụa Vạn Phúc đã sản xuất đa dạng các sản phẩm làm quà tặng nhằm giới thiệu, quảng bá với du khách các sản phẩm làng nghề. (Ảnh: ĐH)

Để phục vụ khách du lịch, các cơ sở kinh doanh tại làng lụa Vạn Phúc đã sản xuất đa dạng các sản phẩm làm quà tặng nhằm giới thiệu, quảng bá với du khách các sản phẩm làng nghề. (Ảnh: ĐH)

Đôi điều ở Ngũ Xã…

Trong một sáng thu Hà Nội, bước chân đưa người viết đến với Ngũ Xã - làng nghề đúc đồng nổi tiếng của chốn kinh thành xưa, nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Tại số nhà 42 Nguyễn Khắc Hiếu, dáng vẻ chăm chú của người đàn ông trước bức tượng dở dang, trong một không gian tràn ngập đồ vật, tượng được tạo tác từ đồng, rất thu hút sự chú ý.

Người đàn ông ấy là ông Đỗ Phi Hùng, sinh năm 1964. Quê gốc Nam Định, nhưng ông Hùng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và là con rể của một gia đình trong làng đúc đồng Ngũ Xã. “Vợ tôi là con của gia đình làm nghề trong làng, tôi là con rể nhưng vì mê nghề nên đã tự học, tự mày mò, học qua sách vở, bạn nghề… để theo nghề. Công việc của tôi là kinh doanh nguyên liệu kim loại nên tôi có dịp đi rất nhiều làng nghề đúc trên cả nước để tìm tòi, học hỏi về nghề. Nghề đúc đồng truyền thống thì ai cũng rõ rồi, rất vất vả và công phu.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người làm nghề xưa bị cạnh tranh rất mạnh. Ví dụ như bức tượng tôi đang làm đây, để tạo được khuôn mặt có hồn, với đầy đủ cơ khối, trông như người thật đang hiển hiện thì người làm phải mất đến hơn tháng tỉ mỉ từng nét một. Nhưng với công nghệ, chỉ trong vài cú nhấp chuột sẽ có ngay một khuôn 3D khuôn mặt. Sản phẩm từ bàn tay nghệ nhân và máy móc thoạt nhìn có vẻ không khác gì nhau nhưng nếu quan sát kỹ sẽ là sự vô hồn, bèn bẹt của tượng…”.

Vừa trò chuyện, ông Hùng vừa tỉ mẩn sửa từng đường nét, chi tiết khóe mắt, gò má… trên phôi tượng. Được biết, đây là bức tượng của cố PGS.TS.BS Bùi Văn Lệnh - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chuyên gia đầu ngành của Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh và là anh em đồng hao với ông Hùng. Từng nét sửa chăm chú, kỹ lưỡng, tinh tế của ông Hùng trên phôi tượng đã lý giải vì sao những tác phẩm tượng đồng đang bày quanh ông như tượng Thần Huyền Thiên Trấn Vũ, Long thần… lại có hồn đến vậy.

Câu chuyện làm nghề, theo nghề của ông Đỗ Phi Hùng cũng là câu chuyện đau đáu lâu nay của làng đúc đồng truyền thống Ngũ Xã. Tương truyền, làng đúc đồng truyền thống Ngũ Xã được hình thành từ thế kỷ 17. Ở thời kỳ đỉnh cao, nơi đây là trường đúc lớn nhất kinh thành và lưu giữ tinh hoa của một trong bốn làng nghề truyền thống gồm “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đã đóng góp được nhiều công trình, tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, trong đó có thể kể đến tác phẩm tiêu biểu như Pho tượng Đức Phật A Di Đà nặng 14 tấn tại chùa Ngũ Xã được Nhà nước công nhận là Tác phẩm văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đặt tại đền Quán Thánh một trong Tứ trấn của đất Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, còn rất nhiều pho tượng được đặt ở các địa danh quan trọng trải dài khắp đất nước, như quả chuông đồng 6 tấn tại Ngã ba Đồng Lộc, pho tượng đồng đặt tại chùa Ngọa Vân Yên Tử linh thiêng…

Sự khác biệt sản phẩm đồng của Ngũ Xã chính là kỹ thuật đúc liền khối. Đúc liền khối đối với các sản phẩm nhỏ đã không đơn giản, đối với các sản phẩm có kích thước cực lớn lại càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi người nghệ nhân phải có kỹ năng cao trong tất cả các công đoạn. Được biết, kỹ thuật đúc liền khối này vẫn là bí quyết riêng của làng Ngũ Xã.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cái tên Ngũ Xã vẫn còn đó, các tác phẩm nghệ thuật của những người thợ đúc đồng vẫn đang được lưu giữ tại các đền, chùa nhưng sự phồn vinh của một làng nghề ngày nào chỉ còn vang vọng trong quá khứ và ký ức của lớp người ở tuổi xưa nay hiếm của làng. Ngôi làng xưa nổi tiếng với nghề đúc đồng nhưng giờ đây thay thế cho những xưởng đúc đồng xưa là nhà cửa san sát, hàng quán, cửa tiệm…

 Mê nghề đúc đồng nên ông Đỗ Phi Hùng đã tự học, tự mày mò, học qua sách vở, bạn nghề… để theo nghề. (Ảnh: PV)

Mê nghề đúc đồng nên ông Đỗ Phi Hùng đã tự học, tự mày mò, học qua sách vở, bạn nghề… để theo nghề. (Ảnh: PV)

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng của làng đúc đồng Ngũ Xã là nhân vật thường được truyền thông nhắc đến khi đề cập đến làng nghề. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề Ngũ Xã, trong một gia đình có nghề truyền thống, ngay từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng đã được cha ông bồi đắp niềm đam mê với nghề đúc đồng. Tuy nhiều gian nan, vất vả nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng không bao giờ nản lòng, bỏ cuộc. Để nghề tổ của làng Ngũ Xã không bị mai một, ông Ứng đã dạy hai người con trai đúc đồng ngay từ khi còn đang đi học.

Luật xưa quy định chỉ truyền lại những bí kíp về nghề đúc đồng cho con cháu trong làng. Nhưng ngày nay với xã hội phát triển đã không còn mấy người muốn gắn bó với nghề, để có thể tiếp thêm sức sống cũng như duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng sẵn sàng truyền dạy cho những người có nhu cầu theo học, ông ấp ủ mở một trường đào tạo chuyên về đúc đồng. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn (con trai ông Ứng) cũng khẳng định, gia đình anh muốn động viên, khuyến khích những người trẻ yêu nghề đúc đồng có thể đến học hỏi để trở thành những nghệ nhân tương lai.

Giữ gìn những chiều cạnh văn hóa

Hà Nội từ lâu được biết đến là mảnh đất có nhiều nghề, phố nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng, với tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Làng nghề Hà Nội hội tụ đủ các nhóm nghề: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây, tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh… góp phần lưu giữ, kiến tạo nên những giá trị văn hóa, nghệ thuật, nét đặc trưng riêng của mảnh đất kinh đô ngàn năm văn hiến.

Tuy nhiên, qua những biến thiên của thời gian, nhiều nghề, làng nghề đang bị mai một hoặc đang tồn tại một cách lay lắt. Sự mai một của làng nghề truyền thống, không chỉ làm mất đi một nghề gắn liền với kế sinh nhai của người dân, mà quan trọng hơn đó là mất đi nét văn hóa của cả vùng miền.

Tháng 11/2023, tại hội thảo trong khuôn khổ Festival “Bảo tồn và phát triển làng nghề” do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức từ 9 - 12/11/2023, nhiều ý kiến thiết thực, tâm huyết đã được đưa ra để hướng tới việc giữ gìn và vươn xa của làng nghề.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Thủ đô Hà Nội là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hà Nội hiện có 303 nghệ nhân, bao gồm 13 Nghệ nhân nhân dân, 42 Nghệ nhân ưu tú... Đây là những “đầu tàu” gìn giữ bản sắc, văn hóa truyền thống của các làng nghề.

Thành phố phấn đấu đến 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với công nghiệp văn hóa và phát triển văn hóa. Đồng thời phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.

Tuy nhiên, các làng nghề ở Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn như: khó thu hút được lực lượng lao động, chưa đem lại thu nhập cao, có nguy cơ mai một, chưa áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật; thiếu lao động trẻ có trình độ; không có sự liên kết giữa các làng nghề; thiếu kiến thức về thị trường tiêu thụ, thậm chí một số kỹ thuật truyền thống tinh xảo có nguy cơ bị mai một và thất truyền... Trước thực tế này, đòi hỏi những giải pháp nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển làng nghề là rất cần thiết.

“Hiện nay, khi công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ việc gắn kết "không biên giới" về mặt không gian giữa khu vực này với khu vực khác, giữa các nước này với các nước khác vô cùng thuận tiện và nhanh chóng thì các làng nghề cũng phải xem hình thức giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm trực tuyến là không thể thiếu. Thực tế cũng đã chứng minh nhiều mặt hàng trong nước được biết đến rộng rãi, được tiêu thụ nhiều và được đến với thị trường quốc tế là thông qua internet”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay.

Bàn thêm về câu chuyện của làng nghề và hướng đi sắp tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, phát triển làng nghề không chỉ là câu chuyện bán sản phẩm mà làm sao để người tạo ra sản phẩm thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Do đó, rất cần mở ra không gian mới cho làng nghề. Điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để người dân trong làng, người trong nghề có thể kết nối với thế giới, vượt ra khỏi khuôn mẫu vốn có.

Nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là một trong những nghề truyền thống của Hà Nội gắn với làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Hiện làng nghề dệt lụa Vạn Phúc là điểm đến khám phá, trải nghiệm lý tưởng đối với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Làng lụa Vạn Phúc có khoảng 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Để phục vụ khách du lịch, các cơ sở kinh doanh tại làng lụa Vạn Phúc đã sản xuất đa dạng các sản phẩm làm quà tặng nhằm giới thiệu, quảng bá với du khách các sản phẩm làng nghề.

Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây cũng đang có sự phát triển sôi động với hàng chục cơ sở sản xuất bánh tẻ thường xuyên với số lượng lớn. Năm 2007, Phú Nhi được công nhận làng nghề sản xuất bánh tẻ truyền thống, danh hiệu làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Bằng công nhận thương hiệu Bánh tẻ Phú Nhi cho làng nghề.

Được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế thị xã, các hộ sản xuất bánh tẻ đã được đăng ký sử dụng tem nhãn của làng nghề Phú Nhi trên sản phẩm. Qua đó góp phần đưa sản phẩm Bánh tẻ Phú Nhi trở thành thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề bánh tẻ ngày càng phát triển.

Từ câu chuyện của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi… có thể thấy sự chuyển mình để thích ứng là rất quan trọng. Bởi, giữ nghề không chỉ đơn thuần là gìn giữ giá trị văn hóa, tinh thần, góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân, khi nhịp sống đô thị hiện đại đang dần lấn át những giá trị xưa…

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-giu-nghe-o-ha-noi-post528411.html
Zalo