Chuyển giao chính thức hai ngân hàng 0 đồng

Chiều 17/10, lễ chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, Ngân hàng TMCP Xây dựng (CBBank) được chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ngân hàng TMCP Đại dương (OceanBank) được chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).

Đây là thông tin được đại diện NHNN cho biết tại cuộc họp báo chiều ngày 17/10 về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3.

Vốn cho nền kinh tế luôn dồi dào

Tại cuộc họp báo, thông tin về tình hình hoạt động ngân hàng quý III, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay thời gian qua, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều thuận lợi, qua đó giảm bớt áp lực chính sách tiền tệ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Với tình hình này, năm 2024, mục tiêu đặt ra về GDP, lạm phát “hoàn toàn có thể thực hiện được”. Qua lăng kính đánh giá, khảo sát của ngành Ngân hàng, tình hình sản xuất kinh doanh đã có những khởi sắc, các đơn hàng đã tăng mạnh trở lại, khắc phục cơ bản được những khó khăn từ sau đại dịch.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo

Dù vậy, Phó Thống đốc NHNN cũng đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, một số dự án gặp vướng mắc. Đặc biệt là thiệt hại do cơn bão Yagi đã làm chững lại, ảnh hưởng phần nào đến tình hình phát triển kinh tế. Đối với ngành ngân hàng, ước tính có khoảng 165.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở 2 tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh.

Về tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Phó Thống đốc khẳng định vốn cho nền kinh tế luôn dồi dào, các ngân hàng thương mại thừa thanh khoản, đảm bảo vốn, “không có nhu cầu vay vốn nào đảm bảo điều kiện vay mà không được vay”. Điều hành hạn mức tín dụng năm 2024 “hết sức trôi chảy”, thông thoáng, không vướng mắc gì, Phó Thống đốc cho hay.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp, mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có TCTD tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu, ngày 28/8/2024, NHNN đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD đảm bảo công khai, minh bạch.

Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Xu hướng nợ xấu đang tăng lên

Đối với điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

Cùng với đó, tình hình tỷ giá, ngoại tệ quý 3 cũng có nhiều điểm tích cực, xu hướng tỷ giá dịu và giảm dần. Trước đây có lúc mức mất giá cao nhất khoảng 5 - 6%, giờ chỉ còn 1 – 2%, tạo niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư nước ngoài, không còn tâm lý găm giữ tỷ giá. Hầu hết các nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng đầy đủ, Phó Thống đốc thông tin thêm.

Đối với tình hình tăng trưởng tín dụng, theo NHNN, đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023. Với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế. Đặc biệt vào thời điểm quý cuối năm, nhiều dự án có tiến độ giải ngân tăng nhanh hơn.

Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc cũng giải thích về thông tin tổng số vốn huy động của nền kinh tế hiện là 14,5 triệu tỷ đồng (tiền gửi), trong khi tổng dư nợ cho vay là hơn 14,7 triệu tỷ đồng. Mức chênh lệch giữa hai con số này chính là vốn của các ngân hàng thương mại đưa vào cho vay trong nền kinh tế, bên cạnh vốn huy động được trong nền kinh tế.

Bên cạnh những triển vọng tích cực, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay cần theo dõi sát xu hướng nợ xấu đang tăng lên, nhất là sau ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Hiện nay, nhiều khoản nợ đang trong diện được cơ cấu lại theo các quy định, thông tư có hiệu lực đến hết năm 2024. Số lượng nợ xấu nằm trong số nợ đang cơ cấu lại không phải con số nhỏ, cộng với tác động từ cơn bão. Đây là vấn đề đòi hỏi phải có phương án xử lý trong thời gian tới, đại điện NHNN nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN trao đổi tại cuộc họp

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN trao đổi tại cuộc họp

Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đức Long, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho hay, wchiều cùng ngày sẽ diễn lễ chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng.

Mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là nhằm giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật. Trước, trong và sau quá trình chuyển giao, tiền gửi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo, đại diện NHNN khẳng định.

Về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được biện pháp hỗ trợ theo quy định. Còn 1 ngân hàng 0 đồng còn lại và ngân hàng TMCP Đông Á sẽ chuyển giao cho trong thời gian sớm nhất. Hiện các công việc đang tích cực triển khai theo đề án đã được phê duyệt.

Về chính sách điều hành thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu rõ quan điểm là chính sách tiền tệ cởi mở để hỗ trợ được nhiều vốn hơn, hỗ trợ lãi suất, tỷ giá, đảm bảo ngoại tệ cho nền kinh tế.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-giao-chinh-thuc-hai-ngan-hang-0-dong-161955.html
Zalo