Chuyên gia VPBankS: 'Có thể chốt lời vàng, chuyển dần sang chứng khoán vốn đang rẻ hơn'
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, việc 'đu' theo giá vàng trong giai đoạn này cũng khá rủi ro, bởi sóng tăng mạnh thường sẽ đi kèm với một sóng giảm rất mạnh.

Vàng đang trong sóng tăng mạnh. Ảnh minh họa: Dũng Minh
Trong chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” tổ chức ngày 21/04/2025, ông Đức phân tích: “Trong những chương trình gần đây, tôi từng chia sẻ rằng phải phân bổ khoảng 10% vào vàng. Và thực tế, trong năm nay, 10% đó đã giúp gỡ lại phần còn lại của danh mục. Tôi cho rằng, giá vàng trong giai đoạn này lên bởi nhiều yếu tố. Goldman Sachs cũng đưa kịch bản rằng giá vàng lên 3.400 USD/ounce và có thể lên 4.000 USD/ounce vào năm 2026. Có thể khẳng định, giá vàng đang trong sóng tăng rất mạnh. Tuy nhiên, sóng tăng thường sẽ đi kèm với một sóng giảm rất mạnh, tương tự với diễn biến cổ phiếu VIC vừa qua. Bitcoin, vàng và chứng khoán cũng đều như vậy. Cho nên, việc “đu” theo giá vàng trong giai đoạn này cũng khá rủi ro”.
Thay vào đó, theo ông Đức, nhà đầu tư có thể tập trung chốt lời vàng và chuyển dần sang chứng khoán, vốn đang rẻ hơn. Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý rằng không phải cứ suy thoái, khủng hoảng thì giá vàng sẽ tăng. Chỉ có giai đoạn đầu của cuộc suy thoái thì giá vàng tăng. Còn khi chứng khoán xuống, tiền tệ xuống thì nhà đầu tư sẽ bán vàng để bù vào thanh khoản cho những kênh khác.
Thông thường, đáy thị trường là khi chứng khoán giảm và vàng cũng giảm. Khi đó, nên mua chứng khoán chứ không phải vàng. Ông Đức dự đoán rằng, giá vàng sắp đạt đỉnh trong khoảng 3.400 - 3.500 USD/ounce và thời điểm này sẽ không quá xa.

Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Đức cho rằng, trong tuần trước nữa (7-11/4), thị trường đã có nhịp phục hồi rất mạnh, tăng 12% kể từ đáy, đó là nhịp phục hồi B. Với diễn biến phiên sáng 21/4, khả năng đã kết thúc nhịp phục hồi B, hoặc ít nhất đã trải qua nhịp đầu tiên.
Khi nhìn lại các đợt suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán, một khi VN-Index đã giảm qua đường MA200 thì tất cả các đợt phục hồi đều bị kháng cự rất mạnh bởi đường MA200, từ vùng 1.260 - 1.280 điểm. Thực tế, lực bán đã trở lại ở ngưỡng 1.242 điểm, khi VN-Index còn chưa chạm đến đường MA200.
Ngoài ra, khi chỉ số đã thủng qua MA200 thì thường sẽ phải kiểm nghiệm lại đáy. Do đó, đã có khuyến nghị nhà đầu tư nên bán ra trong nhịp phục hồi vừa rồi. Theo kịch bản, nhà đầu tư có thể chờ những vùng hỗ trợ mạnh, chẳng hạn như 1.140 điểm, để có cơ hội mua mới nếu chưa có tỷ trọng tốt.
Khi thị trường giảm, những cổ phiếu dẫn dắt thường có dòng tiền bắt đáy. Có thể những cổ phiếu dẫn đầu giảm 10 – 15% nhưng sau đó sẽ xuất hiện dòng tiền sẽ mua vào, tạo đà phục hồi. Đó là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ cổ phiếu VIC giảm. Và khi cổ phiếu này giảm, sóng bắt đáy sẽ tham gia, thúc đẩy đà phục hồi.
VIC đã từng liên tiếp chạm mốc 74.000 đồng/cp. Tuy nhiên, trong năm nay, kỳ vọng mã VPL (Vinpearl) niêm yết, trong khi đường MA50 của VIC rất sâu, chưa đến 52.000 đồng/cp. Do đó, khi đường giá của VIC chưa thủng đường MA50, thì tất cả những đợt kiểm nghiệm lại đường MA50 đều là cơ hội mua vào. Khi sự kiện thuế quan xảy ra, phần lớn thị trường giảm 20 – 30% thì VIC chỉ giảm 10 - 15% và sau đó lại quay đầu tăng. Do vậy, nhịp giảm lần này của VIC chỉ là nhịp giảm cân bằng lại việc tăng mạnh trong thời gian trước đó. Nhà đầu tư có thể chờ điểm mua trong khoảng 52.000 – 60.000 đồng/cp đối với cổ phiếu VIC.
Đối với nhóm ngành chứng khoán, ông Đức phân tích, trong quý I, ngành chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh rất phân hóa. Những công ty có thị phần lớn nhất như SSI, TCBS… thì cơ bản vẫn đều đặn tăng trưởng 8 - 9%, mảng kinh doanh này hỗ trợ mảng khác.
Tuy nhiên, lợi nhuận của những công ty chứng khoán liên quan đến ngân hàng tăng mạnh, chẳng hạn như VPBankS, MBS, HDS… Cơ bản, những công ty cho vay được margin, có huy động được hệ thống ngân hàng để bán trái phiếu thì kết quả kinh doanh khá tốt.
Có hai nhóm đạt kết quả khá tiêu cực. Thứ nhất, nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ thua lỗ. Nguyên nhân là bởi các công ty chứng khoán nhỏ dựa nhiều vào phí môi giới và cho vay với nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, trong quý I vừa qua, phí môi giới mặt bằng chung đã giảm do cạnh tranh khốc liệt, trong khi cho vay nhà đầu tư cá nhân không phục hồi quá nhiều.
Thứ hai, những công ty chứng khoán phụ thuộc nhiều vào tự doanh cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do thị trường trong quý I vừa qua vẫn tăng, nhưng những cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao như FPT lại giảm. Những công ty có tỷ trọng FPT cao, chẳng hạn như HSC (HCM), SHS… cũng bị ảnh hưởng một phần.
Cho tháng 5, thị trường hy vọng nhiều vào KRX, giúp doanh nghiệp chứng khoán tích cực hơn. Tuy nhiên, ông Đức đánh giá rằng, tác động của KRX cũng sẽ ở mức vừa phải, bởi vĩ mô vẫn là yếu tố quan trọng. Trong năm nay, KRX chưa thể tác động nhiều đến thanh khoản của thị trường.
Bình luận về sự kiện, từ tháng 5, VN30 phải giảm trọng số cổ phiếu ngân hàng từ 60% về 40%, nhà đầu tư có lo ngại cổ phiếu bị bán ra? Ông Nguyễn Việt Đức nhận định, ngày cơ cấu sẽ diễn ra trong tuần này (25/4) để tháng 5 chuyển danh mục. Với các ETF, tình trạng này đã xảy ra nhiều và không phải bán ra tại thời điểm chuyển danh mục. Thực tế, trong thời điểm tái cơ cấu thì lại chẳng có chuyện gì xảy ra.
Câu chuyện giảm tỷ trọng này tất nhiên có ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng, nhưng là chuyện đã ảnh hưởng rồi. Thực tế cho thấy, phần lớn ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực trong quý I, nhưng giá cổ phiếu không vượt trội so với thị trường.
Ngày 25/4, phần lớn nhà đầu tư sẽ cần cẩn trọng một chút, nhưng với những người cầm cổ phiếu ngân hàng, không cần quá lo sợ mà nên chú ý đến câu truyện lớn hơn là diễn biến thị trường. Cổ phiếu ngân hàng sẽ không có diễn biến xấu hơn so với diễn biến chung của thị trường