Chuyên gia Việt bàn về văn hóa dữ liệu cho doanh nghiệp
Để tận dụng tốt nhất khoa học dữ liệu, AI trong doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng cần xây dựng 'văn hóa dữ liệu', trong đó người đứng đầu phải có tư duy đúng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, thành viên Hiệp hội Dữ liệu quốc gia cùng các khách mời trao đổi về văn hóa dữ liệu tại doanh nghiệp, tại tọa đàm do hiệp hội tổ chức sáng 28/5. Ảnh: M.Sơn.
Nhiều năm qua, dữ liệu được ví như "dầu mỏ mới" hoặc "vàng mới", thể hiện tầm quan trọng trong những chiến lược chuyển đổi số. Do đó, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng chạy theo các bài toán ứng dụng công nghệ, dữ liệu để tăng trưởng doanh thu và tối ưu lợi nhuận.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của một chuyên gia từng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, bà Phạm Khắc Hồng Hạnh, Giám đốc dữ liệu người dùng tại Pinterest cho rằng không nên vội vàng tìm cách giải quyết vấn đề, nhất là khi chưa hiểu rõ lĩnh vực và những nhu cầu của doanh nghiệp.
Bà Hạnh cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn có suy nghĩ thuê một đối tác, hoặc nhân viên làm về dữ liệu để giải quyết bài toán dữ liệu của mình. Với kinh nghiệm hơn 15 năm làm trong lĩnh vực ở nhiều tập đoàn công nghệ lớn, chuyên gia cho rằng cần coi người làm dữ liệu là một "đối tác tư duy", người đồng hành hiểu được nhu cầu, định nghĩa được chi tiết, đúng bài toán của doanh nghiệp.

Bà Phạm Khắc Hồng Hạnh, Giám đốc dữ liệu người dùng tại Pinterest chia sẻ những kinh nghiệm sau 15 năm làm chuyên gia dữ liệu tại nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Ảnh: Anh Lê.
Nếu có tư duy đúng với dữ liệu từ đầu, doanh nghiệp có thể xử lý, định hình dữ liệu sát với nhu cầu của mình và tránh được tình trạng dữ liệu quá phức tạp, chồng chéo, khó truy xuất, hoặc tệ hơn là có dữ liệu nhưng không thể sử dụng hoặc hiểu sai.
"Chúng ta hay nhắc nhau rằng 'không có gì tệ hơn là không có dữ liệu'. Thực ra có một điều tệ hơn, đó là dữ liệu không chuẩn hoặc bị hiểu, sử dụng sai", bà Phạm Khắc Hồng Hạnh chia sẻ tại tọa đàm “Xử lý và phân tích dữ liệu - Động lực cho chuyển đổi số quốc gia”, do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tổ chức sáng 28/5.
"Dữ liệu có nhiều giá trị thặng dư. Nếu khai thác dữ liệu tốt, có tính kết nối thì chúng có thể mang lại giá trị lâu bền. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thảo luận làm sao quản lý dữ liệu hiệu quả để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân," Thiếu tá Đào Đức Triệu, Tổng thư ký Hiệp hội Dữ liệu quốc gia chia sẻ tại tọa đàm. Đại diện hiệp hội cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức chuyên sâu về phân tích, xử lý dữ liệu, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ dữ liệu hiện đại vào tiến trình phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Trong phần trình bày của mình, bà Đặng Thị Ánh Tuyết, nhà sáng lập startup MedCat, chia sẻ trải nghiệm cá nhân về việc phải tự ghi chép lại bệnh án của người thân sau mỗi ngày khám, nhằm tiết kiệm thời gian cho bác sĩ. Từ trải nghiệm đó, qua thống kê từ các nguồn uy tín, bà Tuyết cho rằng vấn đề với nhiều doanh nghiệp là 80% dữ liệu tồn tại dưới dạng không có cấu trúc.
Ví von dữ liệu chưa có cấu trúc như "đấu thóc của Tấm", bà Tuyết cho rằng điều đầu tiên cần làm là làm sạch dữ liệu để vừa số hóa, vừa tái cấu trúc dữ liệu nhằm tạo ra trường dữ liệu sạch cho truy xuất, xử lý.
Bà Tuyết lấy ví dụ từ chính dịch vụ do MedCat cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm. Với khâu bồi thường bảo hiểm sức khỏe hiện tại, những nhân viên xử lý trực tiếp vẫn phải gõ dữ liệu ra, tính toán lại để có thể ra được con số bồi thường chính xác nhất. Do đó, những trường hợp bảo lãnh hoặc bồi thường nhanh trong 30 phút thường chỉ áp dụng cho các trường hợp cơ bản, với mức rủi ro sai sót mà công ty bảo hiểm sẵn sàng chấp nhận.

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Tổng thư ký Hiệp hội Dữ liệu quốc gia khẳng định đơn vị sẽ có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy ứng dụng công nghệ dữ liệu hiện đại. Ảnh: M.Sơn.
Khi ứng dụng công nghệ để trích xuất dữ liệu, tái cấu trúc và xử lý, mỗi trường hợp bảo hiểm có thể xử lý được tới 200 trường dữ liệu thay vì 20 trường như hiện tại, trong đó có nhiều dữ liệu chi tiết về bệnh tình, cách chữa trị của người bệnh. Từ đó, ngoài việc tối ưu về xử lý bồi thường, đại diện MedCat còn đặt mục tiêu đưa ra những phương pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người bệnh, tất cả bắt đầu từ khâu dữ liệu.
Trao đổi với các khách mời, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT VietJet Air, thành viên Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, cho rằng cách tiếp cận đúng là đi từ dữ liệu để định hình vấn đề, tìm ra giải pháp cho doanh nghiệp. Nếu tiếp cận theo hướng ngược lại, đó là nhìn ra vấn đề nào thì tìm cách giải quyết ngay, sẽ rất khó để dùng công nghệ để áp dụng cho các sản phẩm phức tạp như bảo hiểm.
Với kinh nghiệm làm việc từ tập đoàn trăm tỷ USD như AirBnB đến startup như SkinAI, bà Phạm Khắc Hồng Hạnh nhận định công ty ở mọi lĩnh vực và ở quy mô nào cũng có thể ứng dụng dữ liệu để gia tăng hiệu quả. Chuyên gia đề xuất doanh nghiệp nên có "văn hóa dữ liệu". Đây là cách tiếp cận lấy dữ liệu làm căn bản, trong đó lãnh đạo, người đứng đầu ít nhất cần hiểu biết cơ bản về khoa học dữ liệu, qua đó có cách xử lý đúng từ khâu tìm kiếm nhân sự tới áp dụng.
"Lãnh đạo nếu không hiểu về dữ liệu thì có thể bỏ cuộc sớm, hoặc không đầu tư một cách đúng đắn", bà Hạnh nhận định.