Chuyên gia: 'Túi Hermès của nhà máy Trung Quốc là hàng nhái'

Koyaana Redstar (Mỹ), chuyên gia thẩm định túi hiệu 20 năm kinh nghiệm, cảnh báo người mua cẩn trọng với 'Birkin giá rẻ' được quảng cáo trên TikTok, đặc biệt từ Trung Quốc.

Theo chia sẻ của Koyaana Redstar (36 tuổi), trưởng bộ phận mua hàng cao cấp tại Luxe Du Jour, boutique trực tuyến chuyên bán túi xách hàng hiệu đã qua sử dụng, trên TikTok ngày càng xuất hiện nhiều tài khoản Trung Quốc quảng cáo sản phẩm "Hermès sản xuất tại xưởng gốc", Business Insider đưa tin.

Giữa lúc căng thẳng thương mại leo thang và nguy cơ áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất nước này đang ồ ạt đẩy mạnh tiếp cận người tiêu dùng Mỹ qua TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác.

 Redstar khuyên người tiêu dùng nên thận trọng với những lời quảng cáo "hàng chính hãng từ xưởng" đang lan tràn trên mạng xã hội. Ảnh: @k_redstar/IG.

Redstar khuyên người tiêu dùng nên thận trọng với những lời quảng cáo "hàng chính hãng từ xưởng" đang lan tràn trên mạng xã hội. Ảnh: @k_redstar/IG.

Các video kêu gọi người mua Mỹ đặt hàng trực tiếp từ nhà máy, quảng bá sản phẩm như legging, túi xách tương tự các thương hiệu nổi tiếng như Lululemon, Hermès và Birkenstock với giá chỉ bằng một phần nhỏ.

Trào lưu này nhanh chóng được các influencer Mỹ hưởng ứng, thúc đẩy lượt tải về của các ứng dụng mua sắm Trung Quốc như DHGate và Taobao. Theo thống kê, DHGate đã lọt vào top 10 ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store và Google Play chỉ trong 1 tuần, theo The New York Times.

"Nhiều người tiêu dùng Mỹ bị thuyết phục bởi lời mời gọi mua trực tiếp từ 'nhà máy' với giá rẻ, nhưng không nhận ra những sản phẩm này thực chất là hàng giả", Redstar nhấn mạnh. Bà cho biết thêm rằng một số thương hiệu thời trang lớn có nhà máy đặt tại Trung Quốc, riêng Hermès thì không.

Sự thật về túi hiệu 'xưởng gốc'

Theo chuyên gia, thương hiệu xa xỉ này đã đầu tư rất nhiều vào các xưởng chế tác tại Pháp và châu Âu. Các sản phẩm của hãng đều được thực hiện thủ công bởi những nghệ nhân được đào tạo bài bản.

Mặc dù trên TikTok, nhiều nhà bán hàng tuyên bố mình sở hữu nguồn hàng trực tiếp từ xưởng sản xuất cho nhà mốt từ Pháp hay Louis Vuitton, thực tế những lời khẳng định này hoàn toàn sai sự thật. Được biết, Hermès cũng đã nhiều lần phủ nhận thông tin này.

 Những chiếc túi quảng bá trên TikTok thường có lỗi nhận diện rõ ràng về tỉ lệ, chất liệu và chi tiết chế tác. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.

Những chiếc túi quảng bá trên TikTok thường có lỗi nhận diện rõ ràng về tỉ lệ, chất liệu và chi tiết chế tác. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.

Với kinh nghiệm từng làm việc tại các đơn vị lớn như Rebag, The RealReal, Redstar nhận ra sự khác biệt giữa túi chính hãng và hàng nhái chỉ qua vài chi tiết.

Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất nằm ở quai xách, như quai của túi giả thường quá cao, quá tròn hoặc sai tỉ lệ. Thân túi cũng dễ bị bóp méo, nhiều chiếc túi quá rộng ở đáy, hoặc lại quá hẹp so với thiết kế chuẩn.

"Tôi từng xem một video cô gái khoe chiếc mini Kelly mà cô ấy nói lấy từ nhà máy gốc của Hermès. Nhưng chỉ cần nhìn qua tôi đã biết đó là hàng giả. Quai túi được làm phẳng thay vì tròn như chuẩn, bề mặt da cũng hoàn toàn xa lạ với các dòng da từng được nhà mốt sử dụng", Redstar kể.

Cân nhắc khi mua túi giá rẻ

Theo chuyên gia, lựa chọn mua túi hiệu đã qua sử dụng hoặc sản phẩm mới chính hãng luôn là phương án an toàn hơn rất nhiều so với việc mua hàng trôi nổi từ các nguồn không xác thực.

"Khi bạn mua một chiếc túi cũ chính hãng, bạn vẫn có thể bán lại nếu cần thiết. Nhưng với một sản phẩm giả, bạn hoàn toàn không có cơ hội đó", Redstar giải thích.

Trong bối cảnh các cửa hàng xa xỉ đang có xu hướng tăng giá do ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu, nhiều người lo ngại túi hiệu sẽ vượt khỏi khả năng chi trả. Tuy nhiên, Redstar cho biết thị trường thứ cấp hiện rất sôi động, với nhiều lựa chọn từ túi đã qua sử dụng còn mới tinh đến những chiếc túi gần như chưa dùng lần nào, mà giá vẫn mềm hơn so với giá niêm yết.

 Các influencer Mỹ giúp lan tỏa làn sóng tiêu thụ hàng "xưởng gốc" Trung Quốc trên TikTok. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.

Các influencer Mỹ giúp lan tỏa làn sóng tiêu thụ hàng "xưởng gốc" Trung Quốc trên TikTok. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.

Redstar cũng gửi gắm một lời nhắn thẳng thắn đến những người vẫn cân nhắc mua những chiếc túi được rao bán trên TikTok với danh xưng "hàng từ xưởng gốc".

"Hãy tự hỏi bản thân: 'Vì sao bạn muốn mua chiếc túi đó?'. Nếu bạn thực sự yêu thích kiểu dáng của một chiếc túi, nhưng không đủ khả năng chi trả 10.000 USD cho một chiếc Birkin, và bạn chọn một phiên bản rẻ tiền hơn, điều đó hoàn toàn hợp lý. Hãy đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh của mình", bà nói.

Tuy nhiên, chuyên gia thẩm định túi nhấn mạnh điều khiến bà trăn trở nhất không phải việc ai đó chọn mua một chiếc túi nhái vì tài chính. Bà kể, điều bà thực sự lo ngại là khi người mua tin vào những lời quảng cáo trên TikTok, tin rằng mình đang sở hữu một chiếc Hermès chính hiệu, trong khi thực tế không phải vậy.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chuyen-gia-tui-hermes-cua-nha-may-trung-quoc-la-hang-nhai-post1549498.html
Zalo