Chuyên gia Thái Lan 'bật mí' cách Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường Halal quốc tế

Ngày 22/10, ông Surapon Kukabi, chuyên gia từ Hội đồng Hồi giáo Trung ương Thái Lan trả lời phỏng vấn Thế giới & Việt Nam về vai trò quan trọng của việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal, đồng thời đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này.

Ông Surapon Kukabi, chuyên gia từ Hội đồng Hồi giáo Trung ương Thái Lan cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn để đẩy mạnh tiếp cận thị trường Halal. (Ảnh: Anh Tuấn)

Ông Surapon Kukabi, chuyên gia từ Hội đồng Hồi giáo Trung ương Thái Lan cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn để đẩy mạnh tiếp cận thị trường Halal. (Ảnh: Anh Tuấn)

Xin ông chia sẻ thêm về xu hướng phát triển của thị trường Halal tại Thái Lan, vốn được xem là một trung tâm xuất khẩu lớn trong khu vực, cũng như xu hướng phát triển trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về sản phẩm Halal ngày càng tăng cao.

Tôi cho rằng, trên thực tế, Thái Lan có lẽ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới quan tâm đến việc cấp chứng nhận cho tất cả các sản phẩm. Tại Thái Lan, Hội đồng Hồi giáo Trung ương là tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm cấp chứng nhận Halal cho các sản phẩm. Ngoài ra, các lãnh đạo của những quốc gia có đa số dân số theo đạo Hồi luôn hợp tác và hỗ trợ tổ chức của chúng tôi. Vì vậy, khi tiến hành kiểm tra và chứng nhận sản phẩm, chúng tôi luôn tham vấn với các giáo sĩ Hồi giáo để đảm bảo quy trình luôn được diễn ra một cách tiêu chuẩn và nghiêm ngặt nhất.

Hiện tại, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu lớn, nhiều sản phẩm của Thái Lan từ lâu đã hiện diện vô cùng rộng rãi ở Việt Nam, cũng như nhiều nước châu Á, châu Âu và cả Trung Đông. Chúng tôi đã cấp hơn 180.000 chứng nhận Halal cho các sản phẩm “made in Thailand” và có gần 10.000 công ty Thái Lan đang sản xuất các sản phẩm Halal. Đặc biệt, sản phẩm Halal Thái Lan của chúng tôi xuất khẩu đi nhiều nơi trên khắp thế giới, trong khi các sản phẩm Halal từ các quốc gia Hồi giáo lại có số lượng ít hơn.

Ông đánh giá như thế nào về những thách thức và cơ hội mà Việt Nam phải đối mặt khi tiến sâu vào thị trường Halal toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và yêu cầu cao về tiêu chuẩn Halal đang trở thành xu hướng tất yếu ở nhiều khu vực như Trung Đông, châu Á và châu Âu?

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia láng giềng. Tôi cho rằng, Việt Nam có năng lực sản xuất và tiềm năng xuất khẩu lớn. Các doanh nghiệp cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ các cơ quan quản lý và chính quyền về mở rộng thị trường Halal. Chính phủ Việt Nam cũng ngày càng ý thức được vai trò quan trọng của các sản phẩm Halal. Việt Nam có thể mở rộng thị trường không chỉ với người Hồi giáo mà còn với những người không theo đạo Hồi.

Theo tôi, tiêu chuẩn Halal không chỉ dành cho người Hồi giáo mà là cho tất cả mọi người. Sản phẩm Halal luôn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GMP và nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt khác, phù hợp với tất cả mọi người dân trên thế giới, ngay cả tại châu Âu hay các nước Arab với hầu hết dân số theo đạo Hồi. Đặc biệt, tại các quốc gia Arab, người dân đều tiêu thụ sản phẩm từ Thái Lan.

Tôi nghĩ Việt Nam nên bắt đầu đẩy mạnh tiếp cận thị trường Halal, tham khảo và nắm vững những kinh nghiệm từ các quốc gia khác, nhất là những nước đã “đứng vững chân” trong thị trường Halal toàn cầu. Những sự kiện như hội nghị này cũng là cơ hội quý báu để chúng ta chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về Halal.

Qua Hội nghị này, tôi đã thấy được nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp cận để tiến sâu hơn vào thị trường Halal đầy tiềm năng này.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-thai-lan-bat-mi-cach-viet-nam-tien-sau-hon-vao-thi-truong-halal-quoc-te-291195.html
Zalo