Chuyên gia tâm lý nói về trend 'vì tôi là người thư giãn'
Trend 'vì tôi là người thư giãn' lan tỏa lối sống thảnh thơi, được người trẻ Việt hưởng ứng nồng nhiệt. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý, trào lưu này cũng đi kèm những lưu ý quan trọng.
Trào lưu "vì tôi là người thư giãn" trên mạng xã hội bắt nguồn từ thuật ngữ "chill guy/chill girl" đang thu hút sự chú ý của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Điểm nhấn của trào lưu này là sự hài hước, nhẹ nhàng và khuyến khích sống tích cực, giúp giảm căng thẳng trong học tập và công việc.
Nên nhìn nhận nhẹ nhàng và thấu hiểu
Một bạn trẻ theo trend "vì tôi là người thư giãn" trên mạng xã hội, Ngọc Hoa (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết trend này rất dễ thương, dễ thực hiện.
Trên trang Facebook cá nhân, Ngọc Hoa đăng tải những tình huống hài hước gắn liền với hình ảnh "cô nàng thư giãn", với nội dung: “Mặc dù 7 giờ vào học nhưng 7 giờ 30 chúng tôi vẫn vui vẻ với cờ tỷ phú vì chúng tôi là những cô nàng thư giãn”; “Còn đúng 500 nghìn đồng trong túi nhưng tôi vẫn bỏ 470 nghìn đồng ra mua hộp Baby Three bởi tôi là một cô nàng thư giãn”...
Theo mình, "cô nàng thư giãn" cũng là một trào lưu lan tỏa tinh thần lạc quan, giúp chúng ta không để áp lực chi phối cuộc sống. Quan trọng là nên nhìn nhận nó một cách nhẹ nhàng và thấu hiểu hơn” - Ngọc Hoa nói.
Tương tự, Yến Linh (24 tuổi, ngụ Tân Bình) là một trong những bạn trẻ tích cực hưởng ứng trào lưu này. Trên nền tảng TikTok, cô đăng tải clip theo trend "vì tôi là người thư giãn” kèm nội dung: “Mặc kệ deadline chất đống nhưng tôi vẫn uống trà và làm đẹp vì tôi là một cô nàng thư giãn”.
“Theo mình, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều người bị cuốn vào nhịp sống gấp gáp và áp lực công việc, trào lưu "vì tôi là người thư giãn" là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Chúng ta nên dành thời gian yêu thương và chăm sóc bản thân, qua đó cải thiện sức khỏe tinh thần” - Linh bày tỏ quan điểm.
Ngược lại, Hoàng Kiệt (23 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) nhận thấy trào lưu này tiềm ẩn một số hệ lụy nếu không được sử dụng đúng cách.
"Tôi quan ngại rằng các bạn theo trend này có phần thờ ơ với thực tế, không đối diện với các vấn đề quan trọng trong công việc hay trách nhiệm gia đình. Ngoài ra, người trẻ lạm dụng trào lưu để trốn tránh áp lực, biện minh để trì hoãn nhiệm vụ quan trọng, thay vì thực sự tìm cách giải quyết" - Hoàng Kiệt nói.
Thư giãn có kế hoạch
Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Thu Hà cho rằng xu hướng "Vì tôi là người thư giãn - Chill guy/Chill girl” đang trở thành một phần trong hành trình trưởng thành và khám phá bản thân của giới trẻ hiện đại.
Đây được xem như một hiện tượng đa chiều, mang đến cả những giá trị tích cực lẫn các tác động tiêu cực. Từ góc độ tích cực, trào lưu này phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc, học tập và cuộc sống cá nhân.
“Trào lưu này khuyến khích một lối sống thoải mái, giảm bớt căng thẳng trong một xã hội đầy cạnh tranh và áp lực. Việc giữ cho mình tâm thế nhẹ nhàng, không bị chi phối bởi những áp lực bên ngoài là một thông điệp đáng khích lệ.
Những người tự nhận mình là "chill" thường thể hiện sự tự tin vào bản thân, biết cách tận hưởng cuộc sống và ít để tâm đến những đánh giá từ người khác. Điều này giúp họ xây dựng một tinh thần lạc quan và cách tiếp cận cuộc sống tích cực hơn, góp phần tạo nên xu hướng sống hiện đại” - ThS Hà cho hay.
Tuy nhiên, ThS Hà cho rằng trào lưu này cũng đi kèm với những lưu ý quan trọng. Việc duy trì một lối sống thư giãn cần được hiểu đúng, tránh dẫn đến các hệ quả không mong muốn trong nhận thức và hành động.
“Một trong những ranh giới cần chú ý là ranh giới giữa sự thư giãn và tính thụ động. Nếu luôn đặt mình trong trạng thái "chill", một số bạn trẻ có thể trở nên thụ động, thiếu động lực cố gắng và không còn muốn nỗ lực để đạt được những mục tiêu lớn hơn trong cuộc sống.
Ngoài ra, xu hướng này đôi khi có thể tạo ra áp lực ngược đối với giới trẻ. Thay vì giúp họ thư giãn, việc cố gắng thể hiện bản thân như một “anh chàng thư giãn” hay “cô nàng thư giãn” để phù hợp với xã hội có thể trở thành gánh nặng vô hình” - ThS Hà nhận định.
Một vấn đề khác là việc thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Có một số trường hợp, quá chú trọng đến việc duy trì tâm thế thoải mái có thể khiến người trẻ lơ là những vấn đề cần được giải quyết, ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với thử thách.
Cũng theo ThS Hà, thay vì thư giãn một cách tùy hứng, hãy dành thời gian để lên kế hoạch cụ thể. Điều này không chỉ giúp bạn tận hưởng thời gian thư giãn mà còn tránh được cảm giác lo lắng khi công việc bị trì hoãn.
“Thư giãn không có nghĩa là dừng lại. Hãy xem việc nghỉ ngơi như một cách để tái tạo năng lượng, từ đó tiếp tục nỗ lực học tập và phát triển kỹ năng. Luôn tìm kiếm cơ hội mới sẽ giúp bạn không chỉ tiến bộ mà còn cảm thấy tự tin hơn trong hành trình trưởng thành.
Đừng quên tầm quan trọng của giao tiếp và chia sẻ với những người xung quanh. Các mối quan hệ tích cực sẽ mang đến sự hỗ trợ, động viên và cảm giác được yêu thương, giúp bạn vượt qua những áp lực trong cuộc sống” - ThS Hà bày tỏ.