Chuyên gia quốc tế góp ý gì để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam?
Tại Hội thảo về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, các tổ chức, chuyên gia quốc tế đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Việt Nam.
Tập trung vào ba trụ cột chiến lược
Ông Andy Khoo - đại diện Tập đoàn Terne Holdings - nhấn mạnh, khi định vị Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng trên bản đồ tài chính toàn cầu, việc học hỏi từ các mô hình thành công như Singapore, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC) và các trung tâm mới nổi như GIFT City hay Labuan là điều vô cùng quan trọng.
Vị chuyên gia cho rằng, bằng cách tận dụng thế mạnh của Việt Nam và các cơ hội trong khu vực, Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể tự khác biệt hóa trong khi áp dụng những chiến lược đã được chứng minh. Theo ông, tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số sẽ giúp Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt rõ nét. Khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ) và Cảng Tự do (Le Freeport) sẽ cung cấp các lợi thế về thuế và giải pháp lưu trữ cho các tài sản có giá trị cao. “Vận hành bằng tiếng Anh là bắt buộc để đảm bảo sự tin cậy từ các nhà đầu tư quốc tế” - ông nói.
Đồng thời, ông Andy Khoo cho biết, Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể áp dụng tính độc lập của Dubai, khả năng lãnh đạo về phát triển bền vững của Singapore và sự tập trung vào Fintech của GIFT City.
Để định vị Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính tiếp theo của Đông Nam Á, đại diện Tập đoàn Terne Holdings khẳng định, cần tập trung vào ba trụ cột chiến lược, phù hợp với những thế mạnh và cơ hội độc đáo của thành phố là: Tài chính xanh, đổi mới FinTech, và tài chính thương mại.
Theo đó, tài chính xanh chính là cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng với nhu cầu tài chính xanh trị giá 1 nghìn tỷ USD của ASEAN vào năm 2030 mang đến một cơ hội lớn. Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này bằng cách phát hành trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững. “Những bước đi này sẽ giúp Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính xanh của ASEAN” - ông Andy Khoo nhấn mạnh.
Còn đổi mới FinTech, theo vị chuyên gia, FinTech đang cách mạng hóa tài chính toàn cầu, và Việt Nam đã là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về việc áp dụng tiền điện tử, nằm trong top 10 toàn cầu. Đà Nẵng có thể trở thành một sandbox cho các startup trong các lĩnh vực: Blockchain, thanh toán kỹ thuật số, các giải pháp tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (Gen AI). “Với các chính sách khuyến khích đổi mới, Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể thu hút các nhà đầu tư và các công ty công nghệ tài chính toàn cầu, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới FinTech trong khu vực” - ông nói.
Cuối cùng là tài chính thương mại, theo vị chuyên gia, vị trí địa lý của Đà Nẵng, gần các tuyến thương mại quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng với sự gần gũi với các cảng lớn như Tiên Sa và Liên Chiểu, khiến thành phố trở thành một trung tâm tự nhiên cho tài chính thương mại.
Một trong những thị trường chưa được phục vụ đầy đủ nhất ở ASEAN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đang đối mặt với nhu cầu tài chính thương mại chưa được đáp ứng trị giá 200 tỷ USD mỗi năm. Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới và tạo điều kiện cho dòng vốn di chuyển xuyên biên giới một cách liền mạch.
“Tất cả các yếu tố này kết hợp với nhau để tạo ra một hệ sinh thái tài chính sáng tạo, bền vững và kết nối toàn cầu, đảm bảo rằng Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng sẽ nổi bật không chỉ trong khu vực mà còn trên trường quốc tế” - ông Andy Khoo khẳng định.
Cần môi trường quản trị và pháp lý minh bạch, đáng tin cậy, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu
Trong bối cảnh Việt Nam không chỉ chuẩn bị thành lập một mà là hai trung tâm tài chính quốc tế, nhằm tạo nên hệ sinh thái liên kết phục vụ các nhóm đối tượng và mục đích khác nhau nhưng lại có sự kết nối chặt chẽ, TS. Andreas Baumgartner - Tổng Giám đốc, kiêm nhà Sáng lập The Metis Institute - cho rằng, dựa trên kinh nghiệm về thành công của các trung tâm tài chính quốc tế, cần tập trung 5 yếu tố cốt lõi: Định vị rõ ràng và đề xuất giá trị cụ thể; môi trường quản trị và pháp lý mạnh mẽ, minh bạch, đáng tin cậy; môi trường vật chất hấp dẫn; cộng đồng năng động, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự kiên trì và xuất sắc trong thực thi.
Phân tích kỹ hơn về từng yếu tố, ông Andreas Baumgartner cho rằng: Thứ nhất và quan trọng nhất, chính là định vị rõ ràng và đề xuất giá trị cụ thể. “Các trung tâm tài chính quốc tế thành công đều mang đến một giá trị độc đáo cho thị trường. Không một trung tâm nào chỉ thành công bằng cách đơn thuần gắn nhãn trung tâm tài chính quốc tế cho mình” - ông nói.
Vị chuyên gia dẫn chứng ví dụ từ Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai, khi trung tâm này luôn tự định vị là một nhà đổi mới mạnh mẽ khi ban đầu là trung tâm khu vực thực thụ và sau đó phát triển để có tầm ảnh hưởng toàn cầu. “Hiện nay, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai tập trung rất mạnh vào lĩnh vực FinTech” - vị chuyên gia cho hay; đồng thời đưa ra khuyến nghị, khi Việt Nam thành lập không chỉ một mà là hai trung tâm tài chính quốc tế, ở cả Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, việc phân biệt rõ ràng hai trung tâm này là rất quan trọng. Mỗi trung tâm cần có một đề xuất giá trị cụ thể, rõ ràng, nhằm tránh sự nhầm lẫn hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Điều này sẽ đảm bảo rằng, mỗi trung tâm có thể khai thác tốt nhất tiềm năng riêng và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của thị trường.
Thứ hai, các trung tâm tài chính quốc tế thành công cần có một môi trường quản trị và pháp lý mạnh mẽ, minh bạch, đáng tin cậy và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. Điều này mang lại cho các doanh nghiệp sự tự tin để thiết lập và mở rộng hoạt động, vì họ biết rằng các khoản đầu tư của họ được bảo vệ và các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách công bằng và đáng tin cậy. “Đây là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư quốc tế và đảm bảo sự ổn định trong hoạt động của các trung tâm tài chính quốc tế” - ông Andreas Baumgartner nhấn. mạnh.
Thứ ba, một trung tâm tài chính quốc tế tốt cần mang lại môi trường vật chất hấp dẫn. Môi trường vật chất là “tấm danh thiếp” đầu tiên được chú ý, nó cần gửi đi một thông điệp rõ ràng. Không chỉ là nơi tạo ra cơ hội kinh doanh, môi trường tổng thể của trung tâm tài chính quốc tế còn phải thu hút nhân tài, những người bị hấp dẫn không chỉ bởi các cơ hội nghề nghiệp mà còn bởi phong cách sống mà trung tâm mang lại.
Thứ tư, một trung tâm tài chính quốc tế thành công cần xây dựng và phát triển một cộng đồng sôi động, nơi thúc đẩy các hoạt động và sự tương tác bổ sung. Điều này liên quan đến việc tạo ra một hệ sinh thái khuyến khích sự hợp tác và đổi mới sáng tạo. “Đây không chỉ là một nơi làm việc, mà còn là một nơi để sống, mang lại một môi trường kết nối mạnh mẽ. Bằng cách nuôi dưỡng ý thức cộng đồng vững chắc, các trung tâm tài chính quốc tế không chỉ đơn thuần là địa điểm để kinh doanh, mà còn trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực phát triển bền vững và đa dạng” - ông nói.
Cuối cùng, sự thành công đòi hỏi sự kiên trì và xuất sắc trong thực thi. Sự khác biệt giữa các khu vực thành công và trung bình thường nằm ở khả năng thực thi và cải thiện liên tục - ngày qua ngày. “Một khung pháp lý tuyệt vời, nhưng sẽ trở nên vô ích nếu nó không được thực thi một cách xuất sắc” - vị chuyên gia khuyến nghị.
Hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” giới thiệu chủ trương, định hướng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng. Đồng thời, quảng bá tiềm năng và điều kiện thuận lợi để các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam; tham vấn ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, tổ chức định chế tài chính, công ty tư vấn... về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.