Chuyên gia quân sự Liên Xô và hành trình 10 năm hỗ trợ Việt Nam chống Mỹ, cứu nước

Từ tháng 7/1965, Chính phủ Liên Xô đã thành lập Đoàn chuyên gia quân sự và cử sang giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam trong 2 lĩnh vực chủ yếu là phòng không và không quân.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của Thiếu tá, ThS Lê Minh Nam về việc chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tá Anatoly Nazarov, Phó chủ tịch Chi hội St. Petersburg của Hội liên khu vực cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (MOOVVV) Liên bang Nga chụp ảnh chung với sỹ quan Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đại tá Anatoly Nazarov, Phó chủ tịch Chi hội St. Petersburg của Hội liên khu vực cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (MOOVVV) Liên bang Nga chụp ảnh chung với sỹ quan Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngay khi tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “Phải tranh thủ sự giúp đỡ về mặt quân sự của các nước anh em tới mức cao nhất, trên cơ sở có lợi cho công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tăng cường đoàn kết quốc tế trong phe xã hội chủ nghĩa, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc”[1].

Đáp lại những nỗ lực vận động quốc tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, từ tháng 7/1965, Chính phủ Liên Xô đã thành lập Đoàn chuyên gia quân sự và cử sang giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam trong 2 lĩnh vực chủ yếu là phòng không và không quân.

Cùng với việc viện trợ những loại khí tài phòng không, Liên Xô cử các chuyên gia quân sự sang giúp Quân đội nhân dân Việt Nam nâng cao trình độ sử dụng vũ khí, khí tài, để tiến dần đến tự chủ hoàn toàn. Trong thời gian đầu, chuyên gia quân sự Liên Xô vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện vừa trực tiếp tham gia chiến đấu.

Dưới sự chứng kiến của bộ đội phòng không Việt Nam, ngày 24/7/1965, kíp chiến đấu của chuyên gia Liên Xô đã trực tiếp vận hành bộ khí tài tên lửa SAM-2 tiêu diệt 1 chiếc máy bay F-4C của Mỹ. Trận đánh giúp cho lực lượng phòng không Việt Nam nhanh chóng nắm bắt các tính năng kỹ thuật của vũ khí, khí tài, tiến lên trực tiếp chiến đấu độc lập. Tính đến tháng 5/1966, Liên Xô đã cử 2.266 chuyên gia phòng không sang giúp Việt Nam đào tạo tại chỗ 10 trung đoàn tên lửa phòng không[2].

Trước sự phát triển của lực lượng phòng không Việt Nam, không quân Mỹ liên tục thay đổi thủ đoạn chiến thuật, tăng cường các biện pháp khống chế mạnh mẽ bộ khí tài tên lửa SAM-2, khiến cho phần lớn đạn tên lửa mất điều khiển hoặc tự hủy. Trong bối cảnh đó, từ cuối năm 1966, Liên Xô cử sang Việt Nam 3 nhóm chuyên gia quân sự về khoa học tên lửa, công nghiệp quốc phòng và gây nhiễu, tác chiến điện tử sang giúp Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chuyên gia quân sự Liên Xô, lực lượng phòng không Việt Nam có những bước tiến mới trong cải tiến kỹ thuật cũng như nghệ thuật tác chiến, góp phần bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên ở miền Bắc (17/9/1967).

Đại tá Anatoly Nazarov trong buồng điều khiển tên lửa. Ảnh: TTXVN

Đại tá Anatoly Nazarov trong buồng điều khiển tên lửa. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đội ngũ trực tiếp huấn luyện và tác chiến, chuyên gia quân sự Liên Xô còn phụ trách việc lắp ráp, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của các khí tài phòng không; đồng thời hướng dẫn bộ đội phòng không sử dụng thiết bị công nghệ tiếp nhiên liệu, lắp ráp, vận hành tên lửa, xe vận chuyển nạp tên lửa và hiệu chỉnh máy móc.

Chuyên gia quân sự Liên Xô phối hợp cùng cán bộ, kỹ sư Việt Nam tổ chức biên soạn điều lệnh, giáo lệnh, biên dịch, soạn thảo giáo trình và giảng dạy về bộ khí tài tên lửa phòng không, công tác bảo trì máy kiểm tra - đo đạc, những nguyên lý về kỹ thuật vô tuyến điện và điện tử.

Trong giai đoạn từ năm 1965 đến cuối năm 1972, chuyên gia quân sự Liên Xô đã cùng các cán bộ kỹ thuật Việt Nam tiến hành 4 giai đoạn hiệu chỉnh lớn đối với bộ khí tài tên lửa SAM-2, gồm 40 nội dung cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả tác chiến của lực lượng phòng không Việt Nam trong điều kiện không quân Mỹ thường xuyên thay đổi thủ đoạn đánh phá.

Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của chuyên gia quân sự Liên Xô, vào cuối năm 1972, lực lượng phòng không Việt Nam phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần độc lập, sáng tạo và bắn rơi 36 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 7 máy bay chiến thuật[3], làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ.

Trong điều kiện lực lượng phòng không Việt Nam độc lập tác chiến hoàn toàn và cơ bản đảm bảo được công tác kỹ thuật, chuyên gia quân sự Liên Xô được rút dần về nước.

Trong lĩnh vực không quân, chuyên gia quân sự Liên Xô đã giúp Quân đội nhân dân Việt Nam khai thác, sử dụng, bảo trì các loại vũ khí, trang thiết bị không quân, lắp ráp, sửa chữa, sử dụng các loại máy bay vận tải, chiến đấu… nhất là đào tạo, huấn luyện đội ngũ phi công quân sự.

Trước thực trạng lực lượng phi công Việt Nam đã được đào tạo tại Liên Xô, Trung Quốc thường chỉ trải qua các chương trình đào tạo ngắn, chưa có điều kiện tham gia trực tiếp chiến đấu, chuyên gia quân sự Liên Xô vừa hướng dẫn nâng cao trình độ bay của phi công MiG-17, vừa huấn luyện chuyển loại cho các phi công từ máy bay MiG-17 sang MiG-21 theo phương châm “hãy làm theo tôi”.

Bên cạnh đó, chuyên gia quân sự Liên Xô thực hiện nhiệm vụ bay thử sau khi lắp ráp, bàn giao máy bay cho Việt Nam và hướng dẫn, huấn luyện cho phi công Việt Nam sử dụng các loại máy bay vận tải, ném bom với thời lượng ngắn. Chuyên gia quân sự Liên Xô vừa đảm nhiệm vai trò giáo viên trên lớp, vừa giúp nhà trường xây dựng kế hoạch, chương trình và các bài nghiên cứu về không chiến tại Việt Nam. Những tài liệu này góp phần bổ sung kinh nghiệm chiến đấu cho các phi công trực tiếp tham gia chiến đấu cũng như cán bộ dẫn đường, chỉ huy không quân.

Chuyên gia Liên Xô đứng trên bệ phóng tên lửa. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia Liên Xô đứng trên bệ phóng tên lửa. Ảnh: TTXVN

Cùng với các chuyên gia quân sự Liên Xô, lực lượng không quân Việt Nam đã phát huy tinh thần thông minh, sáng tạo, nỗ lực nghiên cứu, từng bước định hình và hoàn thiện cách đánh “nửa đánh chặn” cho máy bay MiG-21 trong điều kiện chiến tranh Việt Nam với phương châm “Đánh nhanh, thọc sâu, đồng thời công kích, rút nhanh”.

Nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia quân sự Liên Xô, trong gần 4 năm (7/2/1965-1/11/1968), không quân nhân dân Việt Nam đã xuất kích chiến đấu 4.602 lần, đánh 251 trận, bắn rơi 218 máy bay Mỹ các loại[4]. Kết quả này cùng với thắng lợi chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường miền Nam góp phần buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

Tranh thủ thời gian đế quốc Mỹ xuống thang chiến tranh, lực lượng không quân nhân dân Việt Nam vừa kiện toàn tổ chức, lực lượng, vừa tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện bay, thực hiện quyết tâm bắn rơi máy bay B-52 được đề ra từ năm 1966. Cùng với sự giúp đỡ tận của của chuyên gia quân sự Liên Xô, sự nỗ lực của mỗi phi công, trong trận không chiến ngày 20/11/1971, máy bay MiG-21 do phi công Vũ Đình Rạng điều khiển đã sử dụng 2 quả tên lửa bắn "bị thương" máy bay B-52 của không quân Mỹ.

Thông qua trận đánh, lực lượng không quân nhân dân Việt Nam được bổ sung nhiều kinh nghiệm không chiến, đồng thời củng cố quyết tâm bắn rơi máy bay B-52. Đáp lại đề nghị của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Liên Xô tiếp tục cử các chuyên gia quân sự sang giúp Việt Nam với quan điểm “bất cứ loại chuyên gia gì, trình độ, số lượng bao nhiêu, chúng tôi sẽ sẵn sàng thỏa mãn”[5].

Dù thường xuyên đối diện với nhiều khó khăn, nguy hiểm, các chuyên gia quân sự Liên Xô vẫn luôn nỗ lực hướng dẫn, huấn luyện phi công Việt Nam. Riêng năm 1972, chuyên gia quân sự tham gia bay 3.850 lần/chuyến với 1.265 giờ bay, huấn luyện bổ túc, bay đêm, chuyển loại từ máy bay MiG-17 sang MiG-21 cho các phi công Việt Nam.

Ngày 27/12/1972, lần đầu tiên trong lịch sử không chiến thế giới, máy bay MiG-21 do phi công Phạm Tuân điều khiển đã bắn rơi máy bay B-52, pháo đài bất khả xâm phạm của không quân Mỹ, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm (xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) vào 20h13 ngày 18/12/1972. Ảnh tư liệu

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm (xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) vào 20h13 ngày 18/12/1972. Ảnh tư liệu

Từ năm 1973, số lượng chuyên gia quân sự Liên Xô sang Việt Nam giảm dần. Đến cuối năm 1974, Liên Xô quyết định chuyển chế độ chuyên gia quân sự sang chế độ cố vấn quân sự, tập trung chủ yếu vào công tác hướng dẫn biên soạn các giáo trình, điều lệnh huấn luyện chiến đấu cho lực lượng phòng không, không quân Việt Nam.

Sự giúp đỡ của chuyên gia quân sự Liên Xô đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là kết quả của quá trình nỗ lực vận động, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Theo thống kê của Tổng cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Xô, từ ngày 11/7/1965 đến ngày 31/12/1974, có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan Liên Xô đã tham gia chiến đấu, trong đó, có 13 chuyên gia đã hy sinh do bom đạn Mỹ, 3 chuyên gia mất tại Việt Nam vì bệnh tật[6].

Vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tích cực hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng phòng không, không quân Việt Nam. Từ trực tiếp tham gia hỗ trợ chiến đấu, chuyên gia quân sự Liên Xô nhanh chóng huấn luyện, đào tạo lực lượng phòng không, không quân Việt Nam độc lập tác chiến hoàn toàn. Từ việc phát huy hình thức chuyên gia đến tư vấn và cao nhất là cố vấn, chuyên gia quân sự Liên Xô đã góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt cùng hệ thống nhà trường cơ bản đảm bảo cho sự phát triển bền vững của lực lượng phòng không, không quân Việt Nam.

Trong quá trình đó, “Bằng công lao chiến đấu của mình, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tạo cơ hội và mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[7]. Tri ân những đóng góp to lớn đó đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng hàng nghìn huân chương, huy chương cho các tập thể, cá nhân chuyên gia quân sự Liên Xô.

Tài liệu tham khảo
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 26 (1965), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.112.
[2] Nguyễn Thị Mai Hoa, Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.300.
[3] Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân chủng Phòng không - Không quân, Tổng kết Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12 năm 1972, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019, tr.160.
[4] Nguyễn Sỹ Hưng - Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả, Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr.46.
[5] Nội dung buổi làm việc của Nguyên soái Batitxki với đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hà Nội (25/3/1972), Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Bộ Tổng Tham mưu.
[6] Nguyễn Thị Mai Hoa, Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.308.
[7] Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

Thiếu tá Lê Minh Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-quan-su-lien-xo-va-10-nam-ho-tro-viet-nam-chong-my-cuu-nuoc-2389949.html
Zalo