Chuyên gia nói về phát hiện hổ ở Sơn La
Cả chục năm nay, các nhà khoa học đã điều tra, khảo sát, đặt máy ảnh trong rừng mà không phát hiện cá thể hổ nào. Khả năng con hổ người dân Sơn La nhìn thấy là hổ nuôi bị xổng chuồng.
Dấu vết chân không phải của hổ?
Ngày 9/6, trong lúc đi làm nương, người dân ở xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) bất ngờ nhìn thấy hai con hổ xuất hiện ở gần nương rau. Ông Vì Xuân Hiệp, phó chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu), xác nhận hôm qua, chính quyền địa phương nhận được thông tin từ người dân về việc phát hiện hai con hổ.
Theo ông Hiệp, trong quá trình đi làm nương, người dân phát hiện hai con hổ tại khu vực rừng thuộc bản Pú Phang 1, bản Tát Ngoãng, Piềng Lán. Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, UBND xã đã thông báo tới kiểm lâm huyện Mộc Châu và có văn bản chỉ đạo ban quản lý các bản và khu vực lân cận tuyên truyền người dân không được di chuyển, qua lại, xua đuổi, sử dụng vũ khí, tác động đến hai con hổ. Đồng thời, tuyên truyền người dân di dời gia súc, gia cầm đến nơi an toàn, tránh tác động xấu từ hai con hổ nói trên. Theo ông Hiệp, hai con hổ này có thể ở xã Chiềng Khừa vì còn nhiều rừng sâu hoặc từ bên Lào sang.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết, khu bảo tồn Nam Et – Phou Louey (Lào) cách xã Chiềng Hắc hơn 70km theo đường chim bay. Cho đến thời điểm 2010, khu bảo tồn này vẫn được xem là nơi khả dĩ nhất cho quần thể hổ hoang dã cuối cùng có thể tồn tại trong cả khu vực 3 quốc gia Cambodia, Lào, Việt Nam. Tuy nhiên đến năm 2019, Lào đã chính thức công bố loài hổ tuyệt chủng trong tự nhiên.
Con hổ cuối cùng ở Lào được cho là đã chết tại Khu bảo tồn Nam Et – Phou Louey vào năm 2013 hoặc 2014. Cả chục năm nay người ta điều tra, khảo sát, đặt máy ảnh trong rừng mà không thấy con nào nữa. Bẫy ảnh là công cụ nghiên cứu và giám sát động vật hoang dã, là công cụ quan trọng trong chiến dịch bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Bẫy ảnh sẽ thu thập, lưu lại được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.
"Mặc kệ những nỗ lực của các nhà bảo tồn hổ, những cá thể hổ trong tự nhiên đã không xuất hiện từ rất lâu kể cả ở Việt Nam hay Lào. Nếu những con hổ người dân Sơn La vừa nhìn thấy là hổ trong tự nhiên thì đây phải là tin chấn động toàn khu vực Đông Dương.", ông Nguyên nhận định.
Theo một chuyên gia về bảo tồn, dấu chân trong các bài báo đăng tải cho rằng người dân Mộc Châu phát hiện hổ, không phải là dấu chân hổ mà có thể là một loài chó rừng nào đó. Hiện tại ở ngoài tự nhiên Việt Nam, khả năng tồn tại hổ gần như không có.
Theo số liệu của tổ chức Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên WWF vào năm 2016, Việt Nam có khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất dự đoán, bởi tại thời điểm đó đã không còn ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào về loài hổ xuất hiện trong tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1998, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).
Nỗ lực tìm kiếm vô vọng
Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn. Tuy nhiên đến năm 2015, theo thống kê của IUCN, tại Việt Nam số lượng hổ ngoài tự nhiên chỉ còn dưới 5 cá thể.
Trên trang thông tin của Sách Đỏ IUCN, hổ thậm chí còn được nhận định có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Những thông tin này cho thấy tình trạng của loài hổ hiện nay là vô cùng nguy cấp. Nếu không hành động kịp thời, hổ có thể sẽ nối gót tê giác, vĩnh viễn biến mất khỏi Việt Nam.
Hổ Việt Nam đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hai nguyên nhân chính đó là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống. Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép hổ và con mồi của hổ diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Đây từng là nguyên nhân chính làm suy giảm quần thể hổ và cũng là mối de dọa nghiêm trọng đối với hổ ở Việt Nam.
Việc mất sinh cảnh sống, trong đó có sự suy giảm con mồi của hổ do các hoạt động phát rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, chuyển đổi đất rừng thiếu quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính tác động đến quá trình tuyệt chủng loài hổ. Bên cạnh đó, các hoạt động tác động đến rừng như khai thác gỗ, mở rộng nương rẫy, cháy rừng, phá rừng trồng cây công nghiệp, xây dựng thủy điện... đe dọa trực tiếp đến khả năng phục hồi quần thể hổ, con mồi của hổ. Diện tích rừng tự nhiên giảm đẩy nhiều loài thú lớn như voi, hổ, tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng do thiếu thức ăn và nơi cư ngụ.
Để bảo vệ các cá thể hổ hoang dã còn sót lại tránh khỏi nạn săn bắn, buôn bán trái phép, Việt nam đã đưa Hổ vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mọi hành vi vi phạm đối với cá thể, bộ phận cơ thể không tách rời sự sống và sản phẩm của hổ đều có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 Bộ luật Hình sư về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Mức phạt tối đa lên tới 15 năm tù giam với số tiền phạt lên tới 15 tỷ đồng.
Như vậy tính đến nay, loài hổ đã biến mất trong 24 năm. Các nhà khoa học thiên về khả năng loài hổ đã thực sự tuyệt chủng, và không còn sinh sống ở môi trường hoang dã ở Việt Nam. Nhiều tài liệu cho rằng từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở về trước, hổ phân bố trải rộng ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và hải đảo. Những nơi nổi tiếng nhiều hổ như Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Lai Châu), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa, K'Bang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum)... Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, đốt rừng để phát triển nông nghiệp, kết hợp với săn bắn trái phép đã khiến hổ mất môi trường sống nghiêm trọng.