Chuyên gia Nga đánh giá cao đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc 'cây tre Việt Nam'

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), trên số mới nhất Báo 'Sự thật' của Đảng Cộng sản Liên bang Nga xuất bản ngày 30/8, tác giả Peter Tsvetov, chuyên gia về Việt Nam đã có bài viết đánh giá cao về đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc 'cây tre Việt Nam'.

Bài viết của tác giả Peter Tsvetov trên Báo "Sự thật" của Đảng Cộng sản Liên bang Nga. (Ảnh chụp màn hình)

Bài viết của tác giả Peter Tsvetov trên Báo "Sự thật" của Đảng Cộng sản Liên bang Nga. (Ảnh chụp màn hình)

Ở đầu bài viết, ông Peter Tsvetov khẳng định, 79 năm trước, tại thủ đô Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời điểm đó, chưa một quốc gia nào trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc gia non trẻ này.

Ngày nay, Việt Nam trở thành quốc gia có các quan hệ quốc tế sâu rộng, có uy tín và tin cậy trên trường quốc tế. Việt Nam đang duy trì quan hệ ngoại giao với 193 nước trên thế giới, trong đó với 7 nước ở mức quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Quốc hội Việt Nam thiết lập quan hệ làm việc với 140 cơ quan lập pháp nước ngoài. Các tổ chức xã hội của Việt Nam hợp tác với 1.200 tổ chức ngoại giao nhân dân. Việt Nam có tư cách thành viên trong 70 tổ chức quốc tế.

Theo tác giả Peter Tsvetov, ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tác giả của đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" được hiểu như sau:

Cây tre Việt Nam có gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển. Gốc vững là quan điểm nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập, tự chủ, tham gia tiến trình hội nhập, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thân chắc là sự quản lý chặt chẽ theo chiều dọc các hoạt động chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản, là sự thống nhất hành động của tất cả những người tham gia vào thực hiện chính sách đối ngoại.

Cành uyển chuyển là các phương pháp và kỹ thuật ngoại giao khéo léo, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, tính đến những thay đổi trên trường quốc tế và trong nước, đồng thời đưa ra các biện pháp hiệp thương chiến thuật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn và biến động của chính trị thế giới hiện nay, ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tác giả Peter Tsvetov trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga về Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: XUÂN HƯNG)

Tác giả Peter Tsvetov trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga về Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: XUÂN HƯNG)

Ông Peter Tsvetov nhấn mạnh, trong suốt lịch sử nước Việt Nam độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam coi mặt trận đối ngoại là bộ phận quan trọng nhất của cuộc đấu tranh cách mạng không chỉ vì độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam, mà còn là bảo đảm cho sự phát triển tiến bộ và hướng tới tương lai xã hội chủ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Theo đó, công tác ngoại giao đang có vai trò tiên phong trong việc bảo vệ lợi ích của nhân dân Việt Nam.

Các văn kiện nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nền ngoại giao Việt Nam với ba trụ cột là: ngoại giao đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Trong khuôn khổ ngoại giao đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 253 đảng phái chính trị từ 115 quốc gia, không chỉ với các đảng cộng sản và công nhân, mà còn với các đảng cầm quyền thuộc nhiều đảng phái khác nhau.

Ngoại giao đảng là cơ sở phát triển quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Hai Đảng Cộng sản không chỉ là những người cùng chí hướng, mà còn hợp tác chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, qua đó duy trì các cuộc tiếp xúc làm việc thường xuyên giữa các ban ngành Trung ương và cấp tỉnh. Việc đồng chí Tô Lâm quyết định đến thăm Trung Quốc ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư là điều hết sức tự nhiên.

Với tinh thần ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Nhà nước Việt Nam duy trì quan hệ với tất cả các quốc gia sẵn sàng hợp tác với mình trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.

Nhờ tham gia các khối kinh tế và thương mại đa phương, kể từ khi bắt đầu thực hiện chính sách Đổi mới (1986), kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng gấp 130 lần, đạt 800 tỷ USD và kim ngạch đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nền kinh tế tăng 22 lần, lên tới 440 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất quan tâm tới lĩnh vực ngoại giao nhân dân.

Cuối bài viết, tác giả kết luận, tại Hội nghị Trung ương ngày 3/8 vừa qua, đồng chí Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư, tuyên bố tiếp tục đường lối chính trị của người tiền nhiệm, trong đó có lĩnh vực ngoại giao.

Tại cuộc họp báo sau Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định tiếp tục kiên định đường lối độc lập, tự chủ. Trong chính sách đối ngoại, lợi ích quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu và phải được bảo vệ, tôn trọng. Đây là quy chuẩn của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Việt Nam không phụ thuộc vào ai và là bạn với các nước trên thế giới.

XUÂN HƯNG Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-gia-nga-danh-gia-cao-duong-loi-doi-ngoai-mang-dam-ban-sac-cay-tre-viet-nam-post827977.html
Zalo