Chuyên gia lý giải nguyên nhân trận mưa lớn nhất từ đầu năm ở TP.HCM
Trận mưa lớn kèm sấm chớp lúc rạng sáng 10/5 khiến TP.HCM ngập sâu, chuyên gia khí tượng nhận định là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Chiều 10/5, trả lời Báo Điện tử VTC News, ông Lê Đình Quyết (Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên) cho biết rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam qua Bắc Bộ và khu vực Nam Biển Đông hoạt động mạnh dần lên đã chi phối thời tiết khu vực Nam Bộ.
Điều này kết hợp với gió Tây Nam tầng thấp cường độ trung bình gây ra trận mưa lớn ở TP.HCM vào sáng nay.
"Áp cao lục địa tiếp tục tăng cường nén rãnh áp thấp qua Bắc Trung Bộ, dịch xuống phía Nam, thiết lập rãnh thấp có trục Tây Bắc – Đông Nam qua khu vực phía Bắc miền Đông Nam Bộ nối với khu vực Nam Biển Đông, tạo nên vùng hội tụ mạnh.
Hệ thống thời tiết này thông thường gây mưa về chiều tối, đêm, nhưng cũng có thể gây mưa vào sáng sớm nếu có nhiễu động quy mô nhỏ và điều kiện nhiệt ẩm đạt ngưỡng bão hòa", ông Quyết phân tích.

Trận mưa sáng 10/5 khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM ngập nặng.
Theo chuyên gia, chính sự tương tác giữa rãnh thấp và gió Tây Nam gây hội tụ ẩm mạnh, tạo ra trận mưa lớn diện rộng vào rạng sáng 10/5.
Cụ thể, từ khoảng 4h50 sáng, nhiều khu vực tại TP.HCM ghi nhận mưa lớn kèm sấm chớp kéo dài đến 7h45. Sau đó, mưa nhỏ đi nhưng vẫn tiếp tục duy trì thêm 1-2 giờ. Lúc 7h, bầu trời thành phố vẫn tối mịt, mưa như trút nước khiến nhiều tuyến đường ngập úng nặng.
Theo số liệu từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên, lượng mưa đo được đến 9h tại một số trạm tự động ở TP.HCM như sau: Củ Chi 223,2mm, An Phú 123,8mm, Thủ Đức 112,4mm, Phạm Văn Cội 111,2mm. Tại sân bay Tân Sơn Nhất và Tân Sơn Hòa, lượng mưa ghi nhận lần lượt là 52,6mm và 48mm.
Một số khu vực khác thuộc Nam Bộ cũng có mưa to như: La Ngà (Đồng Nai) 152,6mm, Đức Hòa (Long An) 124mm, Tân Uyên (Bình Dương) 118,2mm, Sở Sao (Bình Dương) 115,6mm, Bến Cát (Bình Dương) 110,4mm.
Ông Lê Đình Quyết nhận định, trận mưa sáng 10/5 có lượng mưa lớn nhất tại TP.HCM từ đầu năm 2025 đến nay, vượt xa mức trung bình nhiều năm.
Theo thống kê tại trạm Tân Sơn Hòa, từ năm 1978 đến 2024 có 19 năm ghi nhận lượng mưa vượt 100mm/24 giờ, trong đó có 5 năm trên 150mm. Lượng mưa sáng 10/5 tại trạm này dừng ở mức 48mm, trong khi các trạm khác như Củ Chi hay An Phú ghi nhận con số vượt trội – đều trên 120mm, thậm chí có nơi trên 220mm.
Đáng chú ý, trận mưa sáng nay không phải do ảnh hưởng bão như trận mưa kỷ lục ngày 25/11/2018 với 225,7mm tại Tân Sơn Hòa, mà là kết quả hội tụ ẩm mạnh và rãnh thấp hoạt động mạnh - hiện tượng khí tượng không thường xuyên xảy ra vào sáng sớm.
Dự báo trong 2-7 ngày tới, rãnh áp thấp có trục Tây Bắc – Đông Nam tiếp tục chi phối thời tiết Nam Bộ. Gió Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ ổn định, từ ngày 11/5 sẽ có xu hướng hạ trục dần xuống phía Nam và suy yếu, đến ngày 14-15/5 sẽ lấn sang phía Tây, trục ngang qua Nam - Trung Trung Bộ.
Vì vậy, thời tiết Nam Bộ trong từ ngày 10/5 đến 14/5 sẽ có mưa gia tăng cả về diện rộng và lượng mưa, nhiều nơi có mưa rào, dông, có nơi mưa to đến rất to. Sau thời điểm này, mưa có xu hướng giảm, chỉ còn xuất hiện rải rác. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh.