Chuyên gia luận bàn tăng tỷ lệ nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh

Hiện, thành phố Hồ Chí Minh mới hoàn thành 20% chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2020-2025.

Ngày 21-11, Báo Người lao động tổ chức tọa đàm chủ đề “Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới”. Mục tiêu bàn hướng tháo gỡ những điểm vướng để nhà ở xã hội sẽ là mảng đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp, giúp gia tăng nguồn cung trong thời gian tới.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Lê

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Lê

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển từ 26.200 đến 35.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tính từ năm 2021 đến tháng 9-2024, thành phố mới hoàn thành 6 dự án (5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân) với quy mô 2.745 căn hộ và đang thi công 4 dự án với gần 3.000 căn hộ. Như vậy, thành phố mới hoàn thành được 20% chỉ tiêu của giai đoạn 2021-2025. Đây là kết quả rất khiêm tốn.

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn khó hơn nhà ở thương mại, lại hậu kiểm gắt gao. Trong khi đó, thời gian xây dựng dự án nhà ở xã hội trung bình tới 7 năm, chi phí đầu tư lớn, lại khống chế lợi nhuận khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cho rằng, giá nhà ở cao, số lượng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân khan hiếm khiến khả năng tiếp cận nhà ở của công nhân không khả thi. Doanh nghiệp lại e ngại đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân bởi chi phí đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận thu lại thấp.

Góp ý về giải pháp, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần có các chính sách như bổ sung các gói hỗ trợ cho nhà đầu tư, cho người thuê, mua; rút gọn quy trình xét duyệt dự án; đơn giản hóa hơn thủ tục thuê, mua; tăng cường quỹ đất sạch, quỹ đất rẻ, địa điểm xây dựng gần các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Triều

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Triều

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh đề xuất phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm thành phố Hồ Chí Minh nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, tạo thêm cơ hội cho người thu nhập thấp.

Thông tin về chính sách mới, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, với các quy định hiện hành, chính quyền địa phương được chủ động trong việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Trong quá trình xem xét chủ trương đầu tư, chính quyền địa phương có thể xác định xây dựng nhà ở xã hội nằm trong hay ngoài dự án nhà ở thương mại, hoặc yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền thay thế.

Các ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được luật hóa, mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Cụ thể, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất và không cần thực hiện thủ tục xác định giá đất. Chủ đầu tư còn được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% trên diện tích xây dựng nhà ở xã hội và ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất hoặc sàn xây dựng để phát triển công trình thương mại. Những thay đổi này được kỳ vọng thu hút doanh nghiệp tham gia, tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân Group phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân Group phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Quân Group (doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị, thành phố Hồ Chí Minh cần có thêm cơ chế đặc thù, mở rộng cơ hội cho chủ đầu tư được sở hữu quỹ đất sạch. Nếu giá đất đã được tính thuế, cần đưa phần chi phí này vào giá thành căn hộ để bảo đảm giá bán hợp lý cho người mua nhà ở xã hội và lợi nhuận cho chủ đầu tư.

Đơn cử, đối với dự án nhà ở xã hội cao tầng từ 18-25 tầng, chi phí bổ sung khoảng 2-3 triệu đồng/m² vào giá thành sẽ bảo đảm doanh nghiệp duy trì lợi nhuận định mức 10%, trong khi giá bán căn hộ không vượt quá 30 triệu đồng/m². Điều này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của thành phố Hồ Chí Minh và có thể triển khai ngay.

Một dự án nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Quân

Một dự án nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Quân

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11-2024 là thành phố sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060. Sau khi được phê duyệt Quy hoạch, thành phố sẽ khẩn trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để mở rộng quỹ đất cho nhà ở xã hội.

Về tài chính, thành phố đã phê duyệt khoảng 3.700 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để đầu tư nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025. Thành phố cũng triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, bao gồm gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, giúp người mua nhà tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, thành phố cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư từ trong và ngoài nước tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Về pháp lý, UBND thành phố đã thành lập tổ công tác đặc biệt. Tổ công tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và lấy ý kiến liên ngành.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuyen-gia-luan-ban-tang-ty-le-nha-o-xa-hoi-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-685133.html
Zalo