Chuyên gia lên tiếng về tăng mức phạt vi phạm giao thông

Theo chuyên gia, ngoài việc tăng mức phạt vi phạm giao thông, Hà Nội cần cải thiện hạ tầng, đặc biệt, đảm bảo tính công bằng trong thực thi Nghị định 168.

Đề xuất phạt đến 120 triệu đồng

Sau khi thực hiện Nghị định 168/2021/NĐ-CP, giao thông đã có những cải thiện rõ rệt. Việc áp dụng công nghệ giám sát và xử lý vi phạm tự động giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm tình trạng vi phạm như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ. Mức xử phạt nghiêm khắc hơn cũng tạo ra sự răn đe, đồng thời giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168 (từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/1/2025), tình hình tai nạn giao thông đường bộ đã có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề. Cùng thời gian, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 70.426 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 589 trường hợp dương tính với ma túy, ý thức thượng tôn pháp luật được hình thành qua việc tham gia giao thông văn minh, an toàn.

Đơn cử, tại các nút giao, người dân đã tuân thủ nghiêm chỉnh hiệu lệnh đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng điều khiển phương tiện dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường… Qua đó, tình trạng ùn tắc giao thông không kéo dài, chỉ xuất hiện cục bộ, sau từ 2 đến 3 nhịp đèn tín hiệu có thể lưu thông, khách quốc tế đánh giá cao việc chấp hành của người dân.

 Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168. Ảnh:N.H

Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168. Ảnh:N.H

Tại Hà Nội - thủ đô với hơn 8 triệu dân, kéo theo mật độ giao thông rất cao, luôn là một trong những thành phố có tình hình giao thông phức tạp nhất cả nước. Mặc dù hạ tầng giao thông được cải thiện qua các dự án lớn, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Theo đó, với sự phát triển nhanh chóng và đặc thù giao thông phức tạp, Hà Nội đang đối mặt với không ít thách thức trong việc duy trì an toàn giao thông và giảm thiểu các vi phạm. Để ứng phó với tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội vừa đưa ra đề xuất nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông lên gấp 1,5 - 2 lần so với quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Đáng chú ý, một số hành vi có thể bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng. Đây là một trong những biện pháp mạnh mẽ nhằm thay đổi thói quen tham gia giao thông của người dân, giảm thiểu tai nạn và cải thiện tình trạng ùn tắc.

Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống xử phạt vi phạm giao thông hiện nay đã có những bước tiến đáng kể, nhưng mức phạt theo Nghị định 168 vẫn chưa thực sự đủ mạnh để tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong hành vi của người tham gia giao thông. Những hành vi như vi phạm đèn đỏ, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, hay dừng đỗ sai quy định vẫn diễn ra hàng ngày và trở thành thói quen khó thay đổi.

Hơn nữa, sự thiếu kiểm soát và việc xử lý vi phạm không kịp thời cũng khiến nhiều người coi nhẹ việc tuân thủ luật lệ giao thông. Với tình hình trên, đề xuất nâng mức phạt của Hà Nội là một giải pháp quyết liệt để thay đổi thói quen của người dân và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với Báo Công Thương về việc có nên tăng mức phạt, vì dư luận cho rằng, với mức phạt hiện hành đã quá cao so với thu nhập của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp, chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình - Trưởng đại diện văn phòng OCG Nhật Bản nhận định, từ khi bắt đầu triển khai Nghị định 168, mức độ trật tự giao thông đã được đưa về tình trạng "đáng ra phải có" trong một thời gian rất ngắn.

Cụ thể, tình hình giao thông được cải thiện đáng kể, tạo ra những chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân bao gồm cả ở Hà Nội đã được nâng cao, tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng chức năng.

Theo đó, TS Phan Lê Bình cho rằng, đề xuất tăng mức phạt cần một cơ sở đánh giá thuyết phục và mục tiêu rõ ràng cho đề xuất, đặc biệt, cần tính toán đến cả sự đồng thuận của người dân. Ngoài ra, việc chỉ tăng mức phạt sẽ chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề giao thông.

Theo đó, để nâng cao ý thức tham gia giao thông cần tăng cường tuyên truyền. Việc giáo dục ý thức tham gia giao thông cần phải được triển khai mạnh mẽ và liên tục, đặc biệt, các chiến dịch nhắm vào các đối tượng thanh niên và học sinh.

Đồng quan điểm, TS. Trần Hữu Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ giao thông cho rằng, việc tăng mức phạt phải được áp dụng cùng với các biện pháp phòng ngừa, như nâng cao hạ tầng giao thông, cải thiện các tuyến đường, hệ thống tín hiệu giao thông và triển khai các chiến dịch tuyên truyền về an toàn giao thông. Thêm đó, ông cũng nhấn mạnh, xây dựng các làn đường an toàn và tăng cường biển báo giao thông có vai trò quan trọng trong hạn chế vi phạm ngay từ đầu.

Mặc dù việc nâng mức phạt giao thông là một giải pháp quan trọng để duy trì trật tự và an toàn, nhưng để đạt được hiệu quả lâu dài, điều cần thiết là đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình thực thi các biện pháp xử lý vi phạm. Nếu mức phạt cao nhưng không được thực hiện công bằng, hoặc có sự phân biệt trong cách xử lý, thì các nỗ lực xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh chỉ có thể mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn và sẽ không bền vững.

Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, để góp phần tạo ra một cộng đồng giao thông an toàn, văn minh và phát triển bền vững, người dân cần nhận thức được rằng hệ thống giao thông hoạt động công bằng và hiệu quả. Một môi trường giao thông không có sự phân biệt, nơi mọi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội văn minh, nơi pháp luật được tôn trọng và thực thi nghiêm chỉnh.

Dự kiến có 107 hành vi vi phạm giao thông sẽ được Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 của Chính phủ. Trong 107 lỗi vi phạm được đề xuất tăng mức phạt, UBND Hà Nội cho rằng có 3 nhóm hành vi chính: Có tính chất phổ biến, diễn ra hằng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen của người dân và mỹ quan đô thị; là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.

Thiên Kim

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-gia-len-tieng-ve-tang-muc-phat-vi-pham-giao-thong-373051.html
Zalo