Chuyên gia hướng dẫn sinh viên cách ăn đủ dinh dưỡng, tiết kiệm tiền

Ăn đủ dinh dưỡng nhưng tiết kiệm tiền là chủ đề được nhiều bạn sinh viên quan tâm khi trao đổi trực tiếp với các chuyên gia.

Tại hội thảo Cân bằng dinh dưỡng cho sinh viên do Báo điện tử VTC News phối hợp cùng Trường Đại học Công thương TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Công ty Acecook, các chuyên gia đã hiến kế để sinh viên có thể ăn đủ dinh dưỡng nhưng tiết kiệm tiền bạc.

Các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cho sinh viên cách ăn đủ chất, tiết kiệm tiền. (Ảnh: Lương Ý)

Các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cho sinh viên cách ăn đủ chất, tiết kiệm tiền. (Ảnh: Lương Ý)

Phạm Đức Tuấn, sinh viên Trường Đại học Công thương TP.HCM cho biết, sinh viên rất quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Tuy nhiên, mức chi tiêu hạn hẹp cũng khiến sinh viên phải chấp nhận ăn không đủ dinh dưỡng. Sinh viên này mong muốn có sự tư vấn để ăn đủ dinh dưỡng nhưng vẫn tiết kiệm tiền. Đây là ý kiến được nhiều bạn sinh viên quan tâm, bàn luận sôi nổi.

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ, không phải cứ có nhiều tiền mới ăn đủ chất dinh dưỡng. Nhiều món ăn dân dã, giá thành rẻ nhưng cũng chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe con người.

Bác sĩ Tường lấy dẫn chứng, lượng canxi trong cua, tôm cũng tương tự như thịt heo, thịt bò. Như vậy, sinh viên có thể chọn mua thịt heo để ăn nhằm kéo giảm chi phí nhưng vẫn đủ các chất dinh dưỡng quan trọng.

Các loại đậu như: đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ hay món đậu hũ (làm từ đậu nành) cũng cung cấp nhiều chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Giá thành của các loại đậu cũng rẻ, phù hợp với các bạn sinh viên.

“Mỗi bữa ăn, sinh viên cần ăn khoảng 100g thịt heo, nếu không dùng thịt heo thì các bạn có thể thay thế bằng 120 – 150g đậu để bổ sung đạm. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên ăn nhiều loại rau có lá để bổ sung vitamin và chất xơ”, bác sĩ Tường nói.

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược TP.HCM. (Ảnh: Lương Ý)

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược TP.HCM. (Ảnh: Lương Ý)

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, nguyên bác sĩ chuyên khoa 2 – Bệnh viện Quân y 175, sinh viên hoàn toàn có thể ăn đủ chất dinh dưỡng nhưng tiết kiệm tiền. Điển hình như việc sinh viên ở cùng nhau thì góp tiền nấu ăn chung để giảm chi phí. Trong mỗi bữa ăn, sinh viên cần lưu ý có đầy đủ tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin… Những chất dinh dưỡng này tồn tại trong rất nhiều loại thực phẩm có giá cả phải chăng.

Bác sĩ Phong cho rằng, ngoài việc ăn đủ chất dinh dưỡng thì sinh viên cần thay đổi thói quen sinh hoạt. Điển hình như uống nước đều đặn, tập thể dục thường xuyên và chậm chí là đi vệ sinh cũng cần có giờ giấc để tránh bệnh đại tràng...

“Đầu tiên, sinh viên cần phải thay đổi tư duy nhận thức về dinh dưỡng và hành động. Khi tư duy thay đổi thì sức khỏe, thể chất của các bạn cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Sinh viên có thể tham khảo cách lựa chọn thực phẩm, cách chế biến trên mạng internet với vô số thông tin bổ ích”, bác sĩ Phong nói.

Theo các chuyên gia, hiện nay, tỷ lệ thừa cân, béo phì của người trưởng thành ở TP.HCM là gần 40%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở cấp tiểu học lên tới hơn 50%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt nam là 18% (thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 20%). Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi vẫn còn cao ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên

Đây là những con số rất đáng báo động nếu không biết cách cân bằng dinh dưỡng. Chính vì vậy, sinh viên là những người trẻ, cần tiên phong trong việc hiểu về dinh dưỡng và sử dụng dinh dưỡng một cách khoa học.

BS.CKII Nguyễn Hồng Phong trả lời thắc mắc về chế độ dinh dưỡng của sinh viên trường ĐH Công Thương TP.HCM. (Ảnh: Lương Ý)

BS.CKII Nguyễn Hồng Phong trả lời thắc mắc về chế độ dinh dưỡng của sinh viên trường ĐH Công Thương TP.HCM. (Ảnh: Lương Ý)

Ăn nhiều cá hơn thịt, ăn nhiều rau và trái cây, ít sử dụng đường và chất béo bão hòa cũng như uống nhiều nước là những khuyến cáo hàng đầu của các chuyên gia trong việc sử dụng thực phẩm mỗi ngày. Việc cân bằng, sử dụng dinh dưỡng đúng cách sẽ góp phần cải thiện tầm vóc của người Việt, và Nhật Bản là một ví dụ điển hình cho sự thành công này. Nhật Bản xây dựng chương trình bữa ăn học đường từ rất sớm để nỗ lực cải thiện tầm vóc người dân.

Vào năm 1954, Nhật Bản ban hành Luật Bữa trưa học đường. Bộ luật này ra đời và có sự thay đổi theo từng giai đoạn để phù hợp với tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội.

Kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố năm 2023, chiều cao trung bình của nam giới tại Nhật Bản đã là 1,72 m và nữ là 1,58 m. Trong khi đó, cách đây 50 năm, nam giới tại Nhật Bản chỉ cao trung bình 1,5 m và nữ giới là 1,49 m. Hiện nay, chiều cao trung bình của người Nhật thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

ĐẠI VIỆT

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chuyen-gia-huong-dan-sinh-vien-cach-an-du-dinh-duong-tiet-kiem-tien-ar916807.html
Zalo