Chuyên gia giải mã công thức đưa 'rốn' lũ thành làng du lịch xanh nổi tiếng thế giới
Du lịch xanh là hành trình dài hơi, đòi hỏi quy hoạch bài bản, sự gắn kết giữa chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và chuyên gia.
Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM 2025, Talkshow "Du lịch xanh để phát triển bền vững" đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Trong bối cảnh ngành du lịch tìm kiếm hướng đi mới, trách nhiệm và lâu dài, những chia sẻ từ các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã mang đến nhiều góc nhìn sâu sắc.
Hành trình từ vùng lũ thành biểu tượng du lịch bền vững
Nhìn từ thành công của làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình), có thể thấy rõ tiềm năng to lớn nếu địa phương dám nghĩ, dám làm và biết đặt cộng đồng làm trung tâm.
Ông Nguyễn Châu Á, nhà sáng lập Oxalis Adventure, đơn vị đồng hành cùng Tân Hóa trong quá trình chuyển đổi, chia sẻ: “Ban đầu, Tân Hóa chỉ là một làng quê nghèo, bị cô lập mỗi mùa lũ, với 86% hộ dân nghèo. Từ năm 2011, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến một hướng đi khác, dựa trên chính đặc trưng lũ lụt của địa phương”.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia, sự đồng hành của chính quyền và quyết tâm của người dân, mô hình nhà phao chống lũ được triển khai. Không chỉ là giải pháp an cư, nhà phao trở thành điểm nhấn du lịch độc đáo. Vào mùa nước lên, du khách được trải nghiệm sống giữa mênh mông sông nước, chèo kayak giữa làng, thưởng thức ẩm thực địa phương.

Du khách trải nghiệm làng du lịch Tân Hóa. Ảnh: Oxalis Adventure
Chỉ riêng năm 2024, Tân Hóa đón 11.000 lượt khách, doanh thu hơn 10 tỉ đồng. Quý I-2025 đã có hơn 5.000 lượt khách với doanh thu 5,5 tỉ đồng, một con số ấn tượng đối với một làng từng là “rốn lũ” miền Trung. Thành quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận: Tân Hóa được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Không dừng lại ở Tân Hóa, Oxalis còn biến Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới thành sản phẩm du lịch mạo hiểm cao cấp.
“Khi công bố tour giá 3.000 USD, nhiều người bảo bất khả thi, nhưng với quy trình khai thác chặt chẽ, giới hạn số lượng khách, đào tạo porter là người địa phương và đảm bảo bảo tồn hệ sinh thái, chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu được quốc tế công nhận” - ông Á nói.
Du lịch xanh không thể làm đại trà
Theo các chuyên gia, để du lịch xanh thực sự phát triển bền vững cần vượt qua nhiều rào cản từ nhận thức, quy hoạch, đầu tư đến sự gắn kết giữa các bên liên quan.
TS. Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TP.HCM, nhận định: “Du lịch xanh là xu thế tất yếu nhưng không thể làm ồ ạt. Mỗi điểm đến cần được quy hoạch theo năng lực chịu tải, đặc điểm sinh thái, văn hóa bản địa. Cộng đồng phải là chủ thể, không thể đứng ngoài cuộc”.
Ông Minh cho rằng muốn phát triển du lịch xanh thành công phải có sự phối hợp giữa bốn nhà: Nhà nước định hướng và hỗ trợ chính sách; doanh nghiệp đầu tư, xây dựng sản phẩm; nhà khoa học tư vấn giải pháp; và người dân cùng tham gia vận hành.

Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM 2025 (từ 3-4 đến 6-4), Talkshow "Du lịch xanh để phát triển bền vững" nhận được sự quan tâm, góp ý từ chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Ảnh: MINH TRÍ
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, lấy ví dụ thực tế từ tour du lịch cộng đồng tại xã đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ). “Chúng tôi khai thác nghề làm muối, hệ sinh thái rừng ngập mặn, đời sống sinh hoạt đặc trưng. Nhưng nếu sao chép mô hình này lên các xã đảo khác mà không căn cứ vào điều kiện thực tế thì sẽ thất bại” - bà Hiếu nói.
Theo bà Hiếu, TP.HCM tuy là đô thị lớn nhưng vẫn có tiềm năng phát triển du lịch xanh như tuyến đường thủy, không gian sinh thái Cần Giờ – Củ Chi, hay các nông trại ven đô. “Chúng tôi đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cơ sở du lịch xanh, đồng thời thúc đẩy đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp và cộng đồng” - bà Hiếu chia sẻ.
Từ góc nhìn của người trẻ, Helly Tống, Nhà sáng lập dự án cộng đồng về phát triển bền vững, nhấn mạnh du lịch xanh cần gắn với yếu tố văn hóa, tri thức và trách nhiệm. “Giới trẻ không chỉ tìm nơi chụp ảnh đẹp, mà còn muốn hiểu câu chuyện của nơi mình đến, từ lịch sử, thổ nhưỡng, con người đến giá trị tinh thần” - bà Tống nói.
Helly Tống cũng giới thiệu nền tảng “Mấp Mé”, một bản đồ dữ liệu mở tích hợp thông tin địa lý, văn hóa, môi trường của từng địa phương giúp du khách có cái nhìn sâu sắc, từ đó lựa chọn điểm đến phù hợp với giá trị cá nhân và trách nhiệm xã hội.
“Du lịch xanh không phải là gắn thêm màu xanh vào sản phẩm cũ. Nó là một tư duy phát triển mới, trong đó lợi ích cộng đồng và giá trị bền vững đặt lên hàng đầu” - Helly Tống chia sẻ.
Du lịch xanh không chỉ ở rừng, biển mà thành phố cũng làm được
Chúng ta thường nghĩ du lịch xanh là phải về rừng sâu, biển xa nhưng ngay giữa đô thị như TP.HCM, cơ hội phát triển du lịch xanh vẫn rất lớn. Bài học thành công từ Tân Hóa, nơi từng là “rốn lũ” của Quảng Bình đã cho thấy giá trị của việc tạo ra sản phẩm du lịch thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, thay vì ngừng hoạt động mỗi mùa mưa bão. Biến mùa lũ thành trải nghiệm độc đáo là cách để du lịch tồn tại quanh năm.
Tuy nhiên, tôi cũng cảnh báo nguy cơ từ việc phát triển du lịch quá nhanh, quá ồ ạt. Nếu không có lộ trình rõ ràng, việc này có thể phá vỡ cấu trúc văn hóa – xã hội của cộng đồng địa phương.
Riêng với đô thị lớn như TP.HCM, theo tôi hoàn toàn có thể xây dựng mô hình du lịch xanh đô thị. Khuyến khích du khách đi bộ, đi xe đạp, xe điện thay vì dùng xe cá nhân để khám phá thành phố và đó cũng là du lịch xanh. Điểm mấu chốt là phải tạo ra sản phẩm hấp dẫn, tiện lợi và thân thiện với môi trường. Du lịch xanh chỉ bền vững khi vừa bảo vệ thiên nhiên, vừa mang lại trải nghiệm thật sự thú vị cho du khách.
Ông Nguyễn Châu Á, nhà sáng lập Oxalis Adventure