Chuyên gia dự báo gì về đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thụy Sĩ?
Bộ trưởng Bessent nói rằng hai bên sẽ gặp nhau vào cuối tuần tại Geneva và ông tin hai nước có ''lợi ích chung' trong việc đàm phán vì mức thuế quan cao 'không mang tới bền vững.'

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Trong tuần này, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc đàm phán thương mại đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế quan mới nhằm vào Trung Quốc, dẫn tới những xáo trộn trên thị trường tài chính và làm dấy lên quan ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các nguồn tin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ gặp những người đồng cấp Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), với khả năng cao là Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu đoàn đại biểu tới từ châu Á. Cuộc gặp sẽ là lần tương tác cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Washington thông báo kế hoạch thuế quan mới.
Trên truyền hình, Bộ trưởng Bessent nói rằng hai bên sẽ gặp nhau vào cuối tuần tại Geneva và ông tin hai nước có “"lợi ích chung" trong việc đàm phán vì mức thuế quan cao "không mang tới bền vững."
Tuy nhiên, quan chức này cũng cảnh báo cuộc thảo luận sẽ nhằm nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng, thay vì đàm phán về thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn.
Ông khẳng định: “Tôi cảm thấy rằng sự kiện sẽ tập trung vào hạ nhiệt, không phải về thỏa thuận thương mại lớn. Chúng ta phải hạ nhiệt trước khi có thể tiến lên phía trước."
Sự kiện sắp tới đánh dấu nỗ lực thực sự đầu tiên nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại mà Washington đã áp đặt mức thuế 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh áp đặt mức thuế trả đũa là 125% đối với hàng hóa của Mỹ.
Đây cũng là dấu hiệu tích cực đầu tiên cho các doanh nghiệp, vốn lo ngại về mức thuế quan kỷ lục mà cả hai bên áp đặt lên nhau.
Bà Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại Mỹ và hiện là phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận xét: “Chúng ta đều biết rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cần phải thảo luận, nhưng thông báo mới về cuộc họp trực tiếp tại Geneva ở cấp cao như vậy còn lớn hơn mong đợi. Tuy vậy, điều quan trọng là không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào lúc này, và tôi cho rằng việc áp đặt thuế quan nhằm vào nhau dễ hơn nhiều so với việc cùng nhau lập ra một kế hoạch chung để tái hợp và ổn định quan hệ."
Trong khi đó, các nhà phân tích Trung Quốc cũng cảnh báo một thỏa thuận cuối cùng có thể mất nhiều tháng và lý tưởng nhất là cần phải được ký kết thông qua cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Wang Chong, một thành viên cấp cao tại Viện Charhar, nhận định: “Cuộc đàm phán tuần này chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài 1.000 dặm.”
Thời gian qua, Washington và Bắc Kinh không có nhiều động thái hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh quyết định đàm phán sau khi giới chức Mỹ gần đây nhiều lần ám chỉ về khả năng giảm thuế quan và gửi thông điệp về mong muốn đàm phán.
Thông báo của bộ này nêu rõ: “Dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng về kỳ vọng toàn cầu, lợi ích riêng của Trung Quốc và lời kêu gọi từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, Trung Quốc đã quyết định đồng ý thảo luận với Mỹ.”
Và theo ông Wang Chong, bước đầu tiên sẽ là cố gắng hạ nhiệt thuế quan để cả hai bên có thể đàm phán một cách thiện chí. Một khả năng là cam kết từ Trung Quốc sẽ hạn chế việc bán tiền chất fentanyl, mặc dù trên thực tế điều này rất khó khăn vì Bắc Kinh không thể kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng hóa chất./.