Chuyên gia đề xuất giải pháp xây dựng đô thị thông minh

Ngày 8/11, Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT - ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề Thành phố thông minh: Trải nghiệm và Sáng tạo.

Phiên thảo luận chuyên đề về thành phố thông minh. Ảnh: Thanh Nhã

Phiên thảo luận chuyên đề về thành phố thông minh. Ảnh: Thanh Nhã

Phiên Hội thảo Thành phố thông minh: Trải nghiệm và Sáng tạo (ISSCEI - 2024) thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ các đại học, trường ĐH, tổ chức quốc tế, hiệp hội trong và ngoài nước...

Theo GS.TSKH Lê Thành Nhân, Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT - ĐH Đà Nẵng, ISSCEI-2024 là diễn đàn kết nối mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong nước, quốc tế liên quan đến chủ đề phát triển thành phố thông minh.

Các nội dung trọng tâm được báo cáo khoa học và thảo luận gợi mở, nhận diện và đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp phù hợp với thực tiễn, bắt kịp Cách mạng 4.0 với những đột phá về Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT và nền tảng Mạng LoRa, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh để đóng góp giải quyết những thách thức phát sinh bằng các giải pháp bền vững cho các đô thị của Việt Nam, trước hết là thành phố Đà Nẵng năng động, đáng sống và đáng đến.

 Lãnh đạo Viện DNIIT, Đại học Đà Nẵng tặng hoa cám ơn các chuyên gia. Ảnh: Thanh Nhã.

Lãnh đạo Viện DNIIT, Đại học Đà Nẵng tặng hoa cám ơn các chuyên gia. Ảnh: Thanh Nhã.

Phiên Hội thảo ISSCEI - 2024 có2 chuyên đề chính.

Trong đó, chuyên đề “Cơ hội và thách thức cho Thành phố thông minh bền vững” chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu, nhận diện ứng phó với những thách thức và khai thác tiềm năng của các thành phố trên lộ trình xây dựng đô thị thông minh, bền vững với các giải pháp như ứng dụng, phát triển năng lượng sạch, quản lý tài nguyên hiệu quả, thông minh với sự tham gia của cộng đồng.

Chuyên đề “LoRa và ứng dụng IoT cho thành phố thông minh bền vững” tập trung vào các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và nền tảng LoRaWAN để nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

 Các đội SV thuyết trình dự án tại Vòng Chung kết Cuộc thi Smart Campus Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. Ảnh: Thanh Nhã

Các đội SV thuyết trình dự án tại Vòng Chung kết Cuộc thi Smart Campus Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. Ảnh: Thanh Nhã

Điểm nhấn của Hội thảo là sự kiện ra mắt nền tảng LoRa của thành phố Đà Nẵng do Viện DNIIT - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng chủ trì triển khai phục vụ cộng đồng trong nhiều lĩnh vực, hướng đến đô thị thông minh, bền vững.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu những nét tổng quan, nổi bật về nền tảng FreeLoRa. Qua video trình chiếu, đại diện thành phố Montpellier (Cộng hòa Pháp) đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển Hệ thống LoRaWan tại Montpellier.

Các gian “Triển lãm công nghệ và giao lưu với doanh nghiệp về ứng dụng LoRa và IoT” thu hút sự quan tâm và trao đổi tích cực của các đại biểu, học viên, sinh viên, nhất là các đơn vị đối tác có liên quan của Viện DNIIT - Đại học Đà Nẵng.

Cùng ngày, Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT đã tổ chức Vòng Chung kết Cuộc thi Smart Campus Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (SCAPA - 2024). Cuộc thi có 12 đội là sinh viên đến từ các trường đại học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Đại học Quốc gia Lào; Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế; Viện Quốc tế Pháp ngữ; Trường Đại học Thăng Long và 6 đội thi đến từ các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật.

Với chủ đề “Giải pháp Đổi mới cho Phát triển bền vững”, các đội thi đã trình bày các giải pháp ứng dụng công nghệ sáng tạo như AI, IoT và Robotics nhằm đem lại các giá trị, tiện ích phát triển đô thị thông minh hơn.

Nhóm SV Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng với Dự án Thiết bị đo chất lượng đất 7in1 không dây LoRaWan được trao giải Nhất. 2 giải Nhì thuộc về nhóm SV đến từ Đại học Quốc gia Lào và Viện Nghiên cứu và Phát triển với Dự án về LoRaWAN để giám sát đất, nước và môi trường và nhóm SV đến từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội với Dự án “Hệ thống phát hiện lũ và cảnh báo sớm dựa trên công nghệ LoRaWAN và IoT”.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-de-xuat-giai-phap-xay-dung-do-thi-thong-minh-post707814.html
Zalo