Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quản trị công hiệu quả sau sáp nhập tỉnh
Sau sáp nhập tỉnh, quy mô diện tích, dân số của một số địa phương sẽ tăng mạnh, làm sao để quản trị hành chính công hiệu năng - hiệu quả là vấn đề cần tính đến.
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng và trình Trung ương, Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian tới.
Theo đó, dự kiến, sắp tới cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sáp nhập từ 63 địa phương hiện nay. Mô hình tổ chức bộ máy hành chính sẽ gồm ba cấp: Trung ương, tỉnh/thành phố và xã/phường. Cơ cấu này nhằm đảm bảo cán bộ chính quyền gần dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Vấn đề sáp nhập tỉnh, thành phố đang nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp trong xã hội. Một câu hỏi đặt ra là sau sáp nhập, quy mô diện tích, dân số của một số tỉnh, thành tăng đáng kể, làm thế nào để thực hiện các thủ tục hành chính hay quản trị hành chính công hiệu quả, trong bối cảnh nhân sự trong bộ máy cũng được tinh gọn?
Kinh nghiệm quan trọng từ các nước Bắc Âu
Tại tọa đàm “Lãnh đạo và quản trị công hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Kinh nghiệm Bắc Âu và Việt Nam” do Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán một số nước Bắc Âu diễn ra gần đây, bà Katju Holkeri đến từ Bộ Tài chính Phần Lan - chia sẻ kinh nghiệm, để đảm bảo quản trị hành chính công hiệu quả, Phần Lan rất chú trọng vào quan hệ và xây dựng niềm tin với đối tác, bao gồm cả đối tác nội bộ và đối tác khu vực ngoài.

Sau sáp nhập, diện tích, dân số của một tỉnh sẽ tăng mạnh. Ảnh minh họa
Đối tác nội bộ của Phần Lan được chia ra các cấp. Trong đó, chính quyền trung ương, bao gồm các bộ, ngành chuyên trách từng nhiệm vụ và làm việc cùng nhau. “Chúng tôi cùng thực hiện công tác dự báo và chuẩn bị cho tương lai. Khi đó, các bộ, ngành làm việc với nhau trong cùng một mạng lưới vô cùng chặt chẽ”, bà Katju Holkeri ví dụ.
Cùng đó, còn có trung ương và các địa phương; tổ chức lao động và nhân sự. Ở mỗi cấp, đều có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ về trách nhiệm trong xây dựng chiến lược.
Với đối tác khu vực bên ngoài, bà Katju Holkeri khẳng định, đây cũng là mối quan hệ đối tác rất quan trọng. Đó là các tổ chức dân sự, nhà khoa học, tổ chức quốc tế và đặc biệt là với toàn xã hội.
Thông qua các quan hệ đối tác này, khu vực hành chính công của Phần Lan xây dựng được các dữ liệu mở, có sự tham gia của toàn xã hội vào hoạch định chính sách và tương lai của đất nước. Cùng với đó là sự hỗ trợ về tài chính khi tham gia các dự án của EU trong đổi mới sáng tạo.
Với Đan Mạch, ngay từ năm 1849, hiến pháp đã có quy định cụ thể về tính tự chủ của chính quyền địa phương mà không có sự can thiệp từ chính quyền trung ương. Năm 2007, khi thực hiện cải cách, Đan Mạch xây dựng mỗi cơ quan là một cơ chế một cửa và dịch vụ công cụ thể, tránh chồng chéo.
Theo chuyên gia tới từ Đan Mạch, ở đất nước này, hệ thống phân cấp, phân quyền khá sâu sắc. Lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm với những dịch vụ được cung cấp.
Về việc điều phối trong khối hành chính công, Đan Mạch có hệ thống thỏa thuận giữa trung ương và địa phương. Tức là, khối trung ương đưa ra hoạch định chung nhưng không phải là điều luật mà là đề xuất để hai bên trao đổi, thảo luận. Khi có cơ chế thỏa thuận, cả 2 bên đều phải chịu trách nhiệm với công việc, từ đó giúp khối hành chính công vận hành hiệu quả hơn.
Một điểm quan trọng khác, khi nhiệm vụ cấp trung ương giao về cấp địa phương, đồng thời phải giao cả nguồn lực để triển khai thực hiện. Đó cũng là công cụ hữu hiệu để đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả.
Vai trò không thể thiếu của chuyển đổi số
Cũng theo chuyên gia đến từ Đan Mạch, một trong những “bí quyết” giúp Đan Mạch vận hành và quản trị hành chính công hiệu quả là thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ thông qua sự hợp tác giữa chính quyền trung ương và địa phương với những chiến lược kéo dài khoảng 4 năm.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đồng tình với quan điểm, công nghệ số là giải pháp giúp quản trị hành chính công hiệu quả. Ảnh: ĐSQ Bắc Âu
Nhờ đó, trong nhiều năm liền, Đan Mạch giữ vị trí hàng đầu thế giới về Chính phủ điện tử. Thành công của Đan Mạch cho thấy, chuyển đổi số không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cộng đồng dân cư, nâng cao hiệu quả dịch vụ công, mà còn tăng cường lòng tin vào thể chế và thúc đẩy sự tham gia của công dân. Các công cụ số cũng giúp chia sẻ dữ liệu tốt hơn, hỗ trợ ra quyết định hiệu quả, giúp Chính phủ giải quyết hiệu quả những thách thức xã hội và duy trì phát triển bền vững.
Với Na Uy, ông Halvor Walla - chuyên gia ngành Quản lý công của Na Uy - cũng nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong mô hình quản trị công trơn tru hiệu quả. Trong đó, nguyên tắc sử dụng chung một công cụ số hóa để lập kế hoạch và quản lý công việc - giúp quá trình lên kế hoạch và quản lý dễ dàng hơn.
Công cụ này được phát triển dựa trên một hợp đồng đổi mới sáng tạo mà chính quyền trung ương ký với các chính quyền địa phương dẫn đầu. Các kiến thức và thực hành tốt nhất trong quá trình lập kế hoạch và quản lý công việc sẽ được chuyển đổi thành một quy trình chuẩn được số hóa. Hiện có 80% khu vực và chính quyền địa phương đang sử dụng công cụ này.
“Công cụ số sẽ tạo ra tính kỷ luật, hợp tác, minh bạch, hiệu quả, triển vọng và quyết định tốt hơn”, ông Halvor Walla cho hay.
Ông cũng đồng thời cho biết, quản trị linh hoạt bằng quyền tự chủ trong chính quyền địa phương và khu vực là chìa khóa đảm bảo tính hiệu quả cao của các dịch vụ công ở Na Uy. Chính quyền trung ương kiểm soát, có thể thúc đẩy sự thay đổi và cải thiện ở địa phương.
Tại Việt Nam, áp dụng chuyển đổi số trong quản trị hành chính công sau sáp nhập tỉnh, thành phố đã được các chuyên gia, nhà quản lý trong nước nhắc tới như một giải pháp tốt nhằm giảm tải và nâng cao hiệu suất công việc trong triển khai thủ tục hành chính.
PGS. TS. Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, công nghệ số là một trong những công cụ tuyệt vời để thực hiện quản lý và tinh gọn bộ máy, giúp giảm chi cho bộ máy hành chính. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, đòi hỏi bộ máy nhà nước kiến tạo phát triển phải tinh gọn - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Đây chính là mục tiêu của lần cải cách này và sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi và cơ hội phát triển.
Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý được nhận định là giải pháp hữu hiệu giúp quản trị và vận hành hệ thống hành chính công hiệu quả hơn sau khi sáp nhập tỉnh, thành phố.