Chuyên gia chỉ cách phòng dịch khi trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp

Từ ngày 13/4, trẻ mầm non trên cả nước được trở lại trường học trực tiếp đã mang đến niềm vui và hạnh phúc cho nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, không ít các bậc cha mẹ lo lắng khi lứa tuổi này còn quá nhỏ để có thể chấp hành hướng dẫn phòng dịch COVID-19.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không chờ đợi việc tiêm vaccine cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm... Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.

Ngoài ra, ông Phu cho rằng, vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.

Giáo viên Trường mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tất bật dọn dẹp sẵn sàng cho "ngày hội đón trẻ" vào ngày 13/4. Ảnh: Công Trình

Giáo viên Trường mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tất bật dọn dẹp sẵn sàng cho "ngày hội đón trẻ" vào ngày 13/4. Ảnh: Công Trình

Để phòng bệnh cho trẻ mầm non khi trở lại trường, PGS.TS. Trần Đắc Phu có những lưu ý đối với cha mẹ của trẻ:

- Không đến trường, không đưa trẻ đến trường nếu bản thân đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Cần đeo khẩu trang cho mình và cho trẻ.

- Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay tại các thời điểm: Trước khi đến trường; Sau khi trở về nhà; Khi thấy tay bẩn; Khi cần thiết.

- Tại nhà, cha mẹ cần đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe cho trẻ. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì chủ động cho trẻ nghỉ học đồng thời thông báo cho nhà trường, cơ sở y tế.

Ngoài ra, sau thời gian quá dài phải nghỉ ở nhà, khi được đi học trực tiếp, trẻ sẽ có những rụt rè và lo lắng, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường; hỗ trợ con chuẩn bị tốt về thể lực và tâm lý để sẵn sàng nhập cuộc.

Đối với nhà trường, PGS.TS. Trần Đắc Phu lưu ý, nhà trường nên bố trí các em theo nhóm, lớp và cho ăn riêng, ngủ riêng để hạn chế tối đa tiếp xúc với nhau. Như vậy, khi có trẻ dương tính SARS-CoV-2, việc xử lý, khoanh vùng sẽ dễ dàng, gói gọn trong phạm vi hẹp và không ảnh hưởng tới nhóm khác. Đặc biệt, khi trẻ tới trường học trực tiếp, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu.

Hà Nội là địa phương cuối cùng trên cả nước đồng ý cho trẻ mầm non đi học trực tiếp vào ngày 13/4. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ mầm non đi học trực tiếp cho thấy, khoảng gần 90% phụ huynh đồng ý cho con đến trường. Đây là con số rất đáng mừng, thể hiện tinh thần đồng thuận cao và cũng là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh về việc con em mình được đến trường vui chơi, học tập.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chuyen-gia-chi-cach-phong-dich-khi-tre-mam-non-tro-lai-truong-hoc-truc-tiep-169220412111607843.htm
Zalo