Chuyên gia: ChatGPT Search hữu ích nhưng chưa thể thay thế Google
Ana Altchek, nhà báo công nghệ của trang Insider, thử dùng ChatGPT Search của OpenAI làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt một tuần và cảm thấy nó sẽ không thể thay thế Google Search trong tương lai gần.
ChatGPT Search khả dụng cho bất kỳ ai có tài khoản miễn phí vào ngày 16.12 sau khi OpenAI ra mắt tính năng này hôm 31.10 cho một số người dùng được chọn. ChatGPT Search giúp người dùng nhận được phản hồi nhanh chóng, cập nhật với tùy chọn mở các liên kết liên quan trong một thẻ bên phải giao diện.
"Điều này kết hợp lợi ích giữa giao diện ngôn ngữ tự nhiên với giá trị của các thông tin cập nhật như kết quả thể thao, tin tức, giá cổ phiếu và hơn thế nữa", OpenAI cho biết trong thông báo của mình.
Với extension ChatGPT search cho trình duyệt Chrome, bạn có thể biến công cụ tìm kiếm của OpenAI thành mặc định thay cho Google. Điều này đồng nghĩa khi bạn nhập câu hỏi hoặc từ khóa vào thanh địa chỉ, Chrome sẽ tìm kiếm với ChatGPT Search thay vì Google.
Ana Altchek thường xuyên sử dụng ChatGPT cho một số công việc và thấy tính năng chatbot AI cùng công cụ tìm kiếm này của OpenAI rất hữu ích. Tuy nhiên, việc đặt ChatGPT Search làm công cụ tìm kiếm mặc định khiến Ana Altchek nhận ra Google Search vẫn cần thiết như thế nào với quy trình làm việc hằng ngày của cô và hai nền tảng này khác biệt như thế nào.
Dù thấy các bản tóm tắt do ChatGPT Search tạo ra rất hữu ích, nhưng có những trường hợp Ana Altchek muốn tự mình xem và chọn nguồn tốt hơn. Trải nghiệm mỗi người có thể khác nhau, nhưng theo Ana Altchek, ChatGPT Search thường cung cấp khoảng từ 1 đến 7 liên kết trong văn bản phản hồi và có một thẻ Nguồn ở dưới để mở rộng danh sách nguồn. Thẻ Nguồn gồm các liên kết được trích dẫn ở phía trên và khoảng 8 đến 13 liên kết có liên quan bên dưới.
Trên Google, bạn thường cảm thấy như thể mình có thể cuộn mãi không hết. Ví dụ, nếu muốn mua một chiếc chân đế tivi mới cho phòng khách và tìm kiếm cụm từ "chân đế TV 55 inch" trên Google, bạn có thể thấy vô số lựa chọn chân đế phù hợp với mô tả đó. Nếu muốn tiếp tục tìm kiếm, bạn có thể mở Google Shopping, hiện hoạt động giống chợ điện tử, nhờ cải tiến về trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong khi ChatGPT Search trả lời truy vấn tìm kiếm của Ana Altchek với khoảng 5 sản phẩm và liên kết đến các trang web bổ sung trong thẻ nguồn. Thay vì hiển thị loạt sản phẩm trực quan từ các thương hiệu khác nhau với các bộ lọc để Ana Altchek thiết lập tùy chọn, ChatGPT Search đã chọn ra một số sản phẩm. Ana Altchek thấy thẻ nguồn hiển thị khá hẹp và không trình bày nguồn theo cách trực quan.
Cần lưu ý rằng một số người có thể thích cách tiếp cận của ChatGPT Search hơn công cụ tìm kiếm thông thường như Google. Trong năm qua, Google đã cải thiện trải nghiệm tìm kiếm của người dùng khi tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI).
Có thể lập luận rằng Google hiển thị quá nhiều tùy chọn và ChatGPT đã thu hẹp phạm vi đó lại. Tuy nhiên, nếu cần tìm kiếm thông tin trên chủ đề lớn, người dùng có thể muốn xem nhiều tùy chọn và nguồn thông tin khác nhau để có cái nhìn toàn diện hơn, thay vì chỉ nhận được một số lựa chọn hạn chế.
Khi sử dụng ChatGPT Search, Ana Altchek cảm thấy Google cung cấp trải nghiệm tốt hơn khi hiển thị tóm tắt thông tin ngay lập tức qua tính năng AI Overviews, nhưng vẫn cho phép dễ dàng truy cập các nguồn khác nếu muốn tìm hiểu sâu hơn. Điều này mang lại cảm giác tự do và linh hoạt hơn trong cách người dùng xử lý thông tin.
Google tối ưu hóa cho tìm kiếm từ khóa
Trong quá trình thử nghiệm này, Ana Altchek thường mở một trình duyệt riêng với Google là công cụ tìm kiếm chính, vì ChatGPT Search mất nhiều thời gian hơn để cung cấp câu trả lời mà cô cần.
Google đã thống trị lĩnh vực công cụ tìm kiếm trong nhiều năm, nên nhiều người dùng đã hình thành thói quen sử dụng và tối ưu hóa việc tìm thông tin theo cách mà gã khổng lồ công nghệ Mỹ này cung cấp. Ana Altchek đã quen với việc nhập một từ khóa duy nhất và ngay lập tức tìm thấy hàng loạt liên kết có liên quan.
Liz Reid, Giám đốc tìm kiếm của Google, nói tại hội nghị I/O vào tháng 5 rằng "Google sẽ tự làm việc tìm kiếm cho bạn" và Ana Altchek thường thấy điều đó là đúng. Khi tìm kiếm một công ty, một người hoặc một trang web, bạn có thể xem các tài khoản mạng xã hội, tin tức gần đây và các liên kết liên quan khác. Người dùng cũng có thể chọn các bộ lọc hoặc danh mục như hình ảnh, video, tin tức và mua sắm để thu hẹp phạm vi tìm kiếm của mình.
So với Google, ChatGPT Search hoạt động tốt hơn khi bạn có một câu hỏi cụ thể trong đầu.
Ví dụ, nếu có truy vấn nghiên cứu mở như "Thành tựu đáng chú ý nhất của Tổng thống Gerald Ford là gì?" hoặc "Di sản của Gerald Ford khác với các Tổng thống Mỹ khác như thế nào?", người dùng nên chuyển sang ChatGPT Search vì nó có thể sắp xếp thông tin gọn gàng và giúp bạn tránh phải đọc hàng trăm bài viết liên quan nhưng không giải quyết câu hỏi cụ thể đó.
Google có lợi thế vượt trội trong việc tìm kiếm dựa trên từ khóa, cho phép người dùng dễ dàng truy cập vào lượng lớn thông tin trên web. Dù ChatGPT Search có những điểm hữu ích riêng, Ana Altchek cảm thấy rằng nó chưa thể cạnh tranh hoặc thay thế những gì Google đã phát triển và tối ưu hóa qua nhiều năm, ít nhất là ở giai đoạn này.
Hôm 31.10, Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) cho biết tính năng tìm kiếm trong ChatGPT hoạt động tương tự các công cụ tìm kiếm như Google, Bing và Perplexity.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Sam Altman gọi đây là "tính năng yêu thích nhất mà OpenAI từng triển khai kể từ khi ra mắt ChatGPT". Theo ông, việc tìm kiếm qua ChatGPT sẽ giúp người dùng có được thông tin dễ dàng hơn, đặc biệt là những truy vấn yêu cầu nghiên cứu phức tạp. Doanh nhân 40 tuổi người Mỹ kỳ vọng trong tương lai sẽ có những kết quả tìm kiếm tự động hiển thị thành một trang web tùy chỉnh cho người dùng.
OpenAI đã ký các thỏa thuận nội dung với nhiều nhà xuất bản trong năm nay, gồm cả Condé Nast, Time, Financial Times, Axel Springer, AP, Reuters, Times, News Corp, báo Le Monde (Pháp) và Prisa Media (Tây Ban Nha), để đảm bảo rằng ChatGPT cung cấp thông tin được kiểm duyệt và đáng tin cậy.
Adam Fry, trưởng nhóm phụ trách tìm kiếm của ChatGPT, nói: "Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với các đối tác này để sử dụng nội dung của họ một cách có trách nhiệm và mang lại giá trị cho cả người dùng lẫn đối tác xuất bản". Các nhà xuất bản có thể chọn không cho phép ChatGPT quét nội dung của họ. ChatGPT cũng sẽ không vượt qua các tường phí truy cập nội dung.
Công ty thông báo đã hợp tác sâu rộng với ngành công nghiệp tin tức và thu thập phản hồi từ các đối tác về chức năng tìm kiếm. Điều này cho phép các trang web và nhà xuất bản có thể chủ động tham gia vào hệ thống tìm kiếm của ChatGPT để nội dung được truy vấn và hiển thị khi người dùng tìm thông tin liên quan.
OpenAI cho biết tính năng tìm kiếm sẽ khả dụng trên tất cả nền tảng của ChatGPT, gồm iOS, Android và trên máy tính.