Chuyên gia Ấn Độ đánh giá cao di sản ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự phát triển của Việt Nam, với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả trong đường lối đối ngoại tự chủ của đất nước đã mang lại những lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Điều này sẽ mãi được người dân ghi nhớ, biết ơn.

Đây là nhận định của Giáo sư Srikanth Kondapalli, nhà nghiên cứu cao cấp, trưởng khoa của trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ trong cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV:

PV: Xin chào Giáo sư Srikanth Kondapalli, như ông đã biết, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã từ trần. Đây là mất mát lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam. Theo quan sát của ông, đóng góp nổi bật nhất của nhà lãnh đạo này với sự phát triển của đất nước, quá trình chỉnh đốn, xây dựng Đảng là gì?

Giáo sư Srikanth Kondapalli: Trước tiên, hãy cho phép tôi được gửi lời chia buồn chân thành nhất trước sự ra đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình, tới Đảng Cộng sản Việt Nam, tới các đồng nghiệp và tới nhân dân Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, những đóng góp của ông là vô cùng to lớn. Và người dân Việt Nam sẽ vô cùng nhớ ông về sự lãnh đạo, về tầm nhìn và tư duy chiến lược mà ông đã thể hiện trong 13 năm làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như làm Chủ tịch nước Việt Nam trong 2,5 năm. Ông cũng từng là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trong 5 năm, trong thời gian đó ông đã dẫn dắt, điều hành rất nhiều cuộc thảo luận, chất vấn tại Quốc hội.

Giáo sư Srikhanth Kondapalli, nhà nghiên cứu cao cấp, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ

Giáo sư Srikhanth Kondapalli, nhà nghiên cứu cao cấp, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ

Ông cũng là Bí thư Thành ủy Hà Nội trong sáu năm, trong đó, ông đã thể hiện năng lực lãnh đạo và đóng góp vào sự phát triển của thành phố về mặt tăng trưởng, về mặt hiện đại hóa, công nghiệp hóa và các khía cạnh phát triển khác. Tôi nghĩ rằng, đóng góp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nằm ở việc không ngừng xây dựng bộ máy tổ chức của đất nước. Điều này được phản ánh trong Nghị quyết số 12; trong đó, ông đã giới thiệu khái niệm tự phê bình trong bộ máy của Đảng, đồng thời, đưa vào khái niệm trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng. Ông cũng từng chỉ trích sự lãng phí trong việc tổ chức các buổi lễ, sự kiện. Ông từng ví công cuộc phòng chống tham nhũng như việc "đốt lò” và rất nhiều quan chức lãnh đạo đã phải nhận kỷ luật trong chiến dịch chống tham nhũng này.

Đóng góp lớn thứ hai của ông là giúp cho quá trình chuyển giao quyền lực, kế thừa trong Đảng được diễn ra suôn sẻ. Với quyết định 244 (Quyết định 244-QĐ/TW 2014 Quy chế bầu cử trong Đảng), ông đã đưa ra nhiều phương pháp khác nhau để lựa chọn các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng dựa trên thành tích của họ đi kèm nhiều điều kiện khác. Việc lựa chọn này mà không chịu bất kỳ đặc quyền nào từ các thành viên Bộ Chính trị. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là một đóng góp lớn, về mặt kế thừa chính trị trong đảng.

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được biết tới trong và ngoài nước với chính sách đối ngoại của mình mà người ta vẫn gọi là Đường lối “Ngoại giao cây tre”. Ông nghĩ sao về di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại với ngoại giao Việt Nam hiện đại?

Giáo sư Srikhanth Kondapalli: Tôi nghĩ một trong những di sản quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là trong lĩnh vực ngoại giao, cụ thể là đường lối đối ngoại của Việt Nam. Những thành tựu, bước tiến đối ngoại đa phương và song phương của Việt Nam với các cường quốc như: Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ là kết quả của đường lối đối ngoại mà ông đề ra. Tôi nghĩ ông đã tuân thủ các yêu cầu của Hiến pháp là không cho phép đặt bất kỳ cơ sở quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ Việt Nam. Thứ hai, không cho phép Việt Nam gia nhập liên minh quân sự nào. Điều đó thực sự rất khó khăn.

Với các vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà Việt Nam đang phải giải quyết, tôi nghĩ rằng việc không tham gia các liên minh quân sự và theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập đã phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, di sản này sẽ được tất cả người dân Việt Nam ghi nhớ trong tương lai. Vì đây là một chính sách rất cân bằng; không cho phép bất kỳ quốc gia lớn nào có thể gây ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã theo đuổi chính sách quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Ví dụ, ông đã đến thăm Hoa Kỳ và gặp Tổng thống Obama vào tháng 7/2015, động thái cao nhất của nỗ lực bình thường hóa quan hệ. Đây không phải là vấn đề nhỏ. Ngoài ra, ông còn đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ vào năm 2019.

Trong những năm qua, Việt Nam cũng nâng cấp quan hệ tốt đẹp với Nga. Ví dụ, Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2012. Và trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước, cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp; cho phép củng cố vững chắc lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam rất sâu rộng và quan trọng là nó đã bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam vào thời điểm thế giới xảy ra rất nhiều những xáo trộn, đứt gãy, khủng hoảng tài chính toàn cầu, bất ổn chính trị, kinh tế và các gián đoạn về công nghệ. Nhưng Việt Nam đã vượt qua tất cả chính bằng đường lối đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-gia-an-do-danh-gia-cao-di-san-ngoai-giao-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post1110015.vov
Zalo