Chuyện gì đang xảy ra với Tesla?

Tesla đang đối mặt với việc doanh số và thị phần lao dốc, tranh cãi xung quanh CEO Elon Musk, cùng làn sóng phá hoại xe của khách hàng lan rộng.

Không lâu trước đây, mối lo lớn nhất về tương lai của Tesla là 4 dòng sản phẩm cốt lõi đã trở nên lỗi thời, trong khi CEO Elon Musk bị chỉ trích vì dành quá nhiều thời gian cho các công ty khác như X (trước đây là Twitter) hay SpaceX.

Dù vậy, cộng đồng người hâm mộ và khách hàng trung thành của Musk vẫn còn nguyên vẹn, và việc Tesla sở hữu nhà máy tại Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới – dường như là tấm vé đảm bảo cho sự tăng trưởng và dòng tiền dồi dào.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu trở nên xấu hơn với một trong những hãng ô tô điện lớn nhất thế giới. Báo Giao thông lược dịch bài viết của Motortrend về những khó khăn mà Tesla đang phải đối mặt.

Xe Tesla lỗi thời, doanh số sụt giảm

Các dòng ô tô điện Tesla đang trở nên lỗi thời trong một ngành công nghiệp liên tục làm mới mình. Mẫu Model S đã có mặt 13 năm với chỉ vài lần nâng cấp nhỏ, dù có thể sẽ thay đổi trong năm nay.

Tesla vừa phải triệu hồi toàn bộ xe Cybertruck từng bán ra tại Mỹ để sửa lỗi. Ảnh: Ngọc Phan.

Tesla vừa phải triệu hồi toàn bộ xe Cybertruck từng bán ra tại Mỹ để sửa lỗi. Ảnh: Ngọc Phan.

Trong khi đó, mẫu xe mới nổi bật nhất là Tesla Cybertruck lại không bán chạy như kỳ vọng. Chỉ một phần nhỏ trong số hơn 1 triệu người đặt cọc thực sự mua xe. Cybertruck cũng gặp vấn đề về chất lượng và bị triệu hồi, buộc Tesla phải chuyển từ chiến lược tăng giá sang giảm giá.

Trên thị trường xe đã qua sử dụng, giá trị mẫu Cybertruck giảm tới khoảng 58%. Các dòng ô tô còn lại cũng mất giá nhiều gấp đôi so với mức trung bình, theo CarGurus.

Mẫu sedan Model 3, dòng ô tô Tesla có giá dễ tiếp cận nhất, đã được nâng cấp đáng kể vào năm ngoái, nhưng doanh số tại thị trường chủ lực là bang California (Mỹ) lại lao dốc. Model 3 từ vị trí thứ hai tụt xuống thứ tư trong danh sách xe điện bán chạy nhất.

Điểm sáng hiếm hoi là mẫu Tesla Model Y hiện vẫn dẫn đầu và được lên kế hoạch nâng cấp cho năm 2026.

Khủng hoảng tại Trung Quốc

Tesla đang lên kế hoạch sản xuất một phiên bản Model Y rút gọn và rẻ hơn tại Thượng Hải vào năm 2026 để phục vụ thị trường Trung Quốc – nơi doanh số Tesla đã giảm tới 49% trong tháng 2.

Tesla Model S đã bán ra trên thị trường 13 năm, nhưng chỉ có vài lần nâng cấp nhỏ.

Tesla Model S đã bán ra trên thị trường 13 năm, nhưng chỉ có vài lần nâng cấp nhỏ.

Trung Quốc hiện chiếm gần 1/4 tổng doanh số của Tesla, nhưng thành công của hãng tại thị trường này đang bị đặt dấu hỏi lớn, khi các đối thủ trong nước cung cấp xe có công nghệ tiên tiến hơn, với giá thấp hơn.

Hãng vẫn chưa được phê duyệt phần mềm tự lái hoàn toàn (FSD) tại Trung Quốc, dù Elon Musk cho rằng xe tự hành là chìa khóa cho tương lai của Tesla.

Trong khi đó, các hãng nội địa Trung đã có xe đạt cấp độ tự hành 3 đang lưu thông. Zeekr thậm chí còn tuyên bố sẽ cung cấp công nghệ này miễn phí.

Ngay cả về sạc điện, Tesla cũng đang tụt hậu. BYD mới ra mắt hệ thống sạc nhanh cho phép đi thêm 400 km chỉ trong 5 phút – nhanh gấp đôi sạc Tesla hiện tại.

Giới phân tích dự đoán, doanh số Tesla tại Trung Quốc có thể giảm một nửa trong năm nay.

Tình hình kinh doanh trên toàn cầu cũng không mấy khả quan, khi năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên tổng lượng xe Tesla bán ra giảm trong suốt 10 năm qua.

Tại Mỹ, thị phần xe điện vẫn tăng nhưng doanh số Tesla lại đang giảm. Tình hình cũng không sáng sủa hơn tại châu Âu. Dự đoán doanh số toàn cầu của Tesla sẽ tiếp tục đi xuống trong năm nay.

Những tranh cãi xung quanh CEO Elon Musk

Chuỗi sản phẩm yếu kém chỉ là một phần lý do khiến doanh số sụt giảm. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Elon Musk không còn chú tâm đến Tesla, khi đang điều hành nhiều doanh nghiệp khác như SpaceX và X.

Giá trị Tesla phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh cá nhân của CEO Elon Musk. Ảnh: Motortrend.

Giá trị Tesla phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh cá nhân của CEO Elon Musk. Ảnh: Motortrend.

Công ty trong lĩnh vực hàng không - vũ trụ SpaceX gần đây gặp nhiều trục trặc với hàng loạt vụ cháy, trễ tiến độ, thất bại khi hạ cánh và nổ tung.

Trong khi đó, mạng xã hội X mất người dùng, doanh thu và giá trị kể từ khi Musk mua lại và đổi tên từ Twitter.

Việc Musk trở thành cánh tay phải của Donald Trump và đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ, nơi đã gây ra hàng loạt đợt cắt giảm nhân sự và ngân sách, cũng gây phản ứng dữ dội.

Nhiều chủ xe Tesla không đồng tình với quan điểm và hành động của Musk. Một số bán xe vì sợ bị trả đũa, và bất kỳ thứ gì có logo Tesla đều trở thành mục tiêu phá hoại.

Xe Tesla, trạm sạc, đại lý và nhà máy bị phá hoại hoặc phóng hỏa. Tesla cũng đã bị loại khỏi một triển lãm ô tô ở Canada vì lý do an toàn.

Giá cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 50% kể từ tháng 12, xuống chỉ còn khoảng 230 USD/cổ phiếu. Cả người trong nội bộ và thành viên hội đồng quản trị đều đang bán tháo cổ phiếu, và Elon Musk thậm chí còn phải lên tiếng cầu xin mọi người đừng bán cổ phiếu Tesla.

Giá trị của Tesla chủ yếu đến từ những gì công ty có thể làm trong tương lai, cũng như phụ thuộc rất nhiều vào tâm thế và hình ảnh của CEO.

Khi Musk được yêu thích, Tesla từng được định giá tới 1.200 tỷ USD, cao hơn 20 hãng ô tô lớn nhất tiếp theo cộng lại.

Giờ đây, hình ảnh cá nhân của Musk và các mẫu xe Tesla đều bị hoài nghi, khiến giá trị công ty lao dốc và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Đây là vấn đề nghiêm trọng nếu xét tới tình hình tài chính thực tế của Tesla và viễn cảnh chính sách sắp tới, khi Tổng thống Trump đã phát tín hiệu muốn xóa bỏ các khoản hỗ trợ thuế cho xe điện và thay đổi quy định về tiêu chuẩn nhiên liệu – những yếu tố từng giúp Tesla thu hàng trăm triệu USD từ việc bán tín chỉ môi trường cho các hãng có xe mức tiêu thụ nhiên liệu cao.

Chí Vũ

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-tesla-192250327151752395.htm
Zalo