Chuyện gì đang xảy ra ở Trung Âu?

Biến đổi khí hậu đang dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt ở 6 quốc gia châu Âu, khiến hàng nghìn người phải sơ tán trong khi mực nước tiếp tục dâng cao.

 Đường phố ngập lụt ở Kłodzko, Ba Lan. Ảnh: Action Press/Rex/Shutterstock.

Đường phố ngập lụt ở Kłodzko, Ba Lan. Ảnh: Action Press/Rex/Shutterstock.

Nước lũ đã tràn qua khắp Trung Âu trong tuần này, nhấn chìm nhiều thị trấn và hệ thống giao thông dưới lớp nước màu nâu đục, theo New York Times.

Hơn 20 người đã thiệt mạng do lũ lụt tại Romania, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Áo, trong khi nhiều người mất tích kể từ khi mưa lớn bắt đầu hôm 12/9.

Hàng nghìn người khác, bao gồm người dân ở Hungary và Slovakia, đã phải sơ tán. Vào đêm 16/9, thị trưởng một thị trấn ở Ba Lan đã yêu cầu khoảng 42.000 cư dân sơ tán trước khi khu vực tiếp tục hứng chịu cơn mưa lớn.

Trong khi đó, tại Áo, bang Niederosterreich có diện tích lớn thứ 2 nước này chịu thiệt hại nặng nề nhất vì địa hình nhiều đồi núi nằm trong dãy Alp.

"Tôi sống ở đây đã 25 năm mà chưa từng thấy ngập lụt kinh hoàng thế này", Thomas Hofbauer (57 tuổi), cư dân Vienna, tả cảnh nước dâng cao và chảy siết tại các con sông vốn êm đềm ở thủ đô nước Áo.

Lũ lụt đã làm vỡ 12 con đập, khiến các dòng sông đầy bùn chảy xiết, trong khi hàng nghìn hộ gia đình không có điện và nước. Một số khu vực bị cô lập và hàng trăm người được sơ tán bởi trực thăng cứu hộ. Chính phủ Áo đã phải chi khoảng 330 triệu USD để khắc phục thảm họa lũ lụt này.

Hồi chuông cảnh tỉnh

“Những trận lũ này là lời nhắc nhở về mối đe dọa ngày càng rõ ràng từ hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu”, Sissi Knispel de Acosta - tổng thư ký của Liên minh Nghiên cứu Khí hậu châu Âu, tổ chức nghiên cứu về sự ấm lên toàn cầu - nói.

 Lũ lụt ở thị trấn Jesenik của Czech. Ảnh: RTE.ie.

Lũ lụt ở thị trấn Jesenik của Czech. Ảnh: RTE.ie.

Lượng mưa kỷ lục trên là một phần của hệ thống áp thấp di chuyển chậm có tên bão Boris.

Chỉ trong 4 ngày, cơn bão đã mang theo mưa lớn với lượng mưa gấp 5 lần lượng mưa trung bình cả tháng 9 trút xuống khu vực.

Hệ thống thời tiết này được thúc đẩy bởi luồng không khí Bắc Cực thổi vào từ phương bắc, khiến nhiệt độ giảm mạnh trong vòng 24 giờ.

Việc có luồng khí lạnh từ cực tràn tới châu Âu vào cuối mùa hè không phải là điều chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, theo Richard Rood - nhà khí hậu học tại Đại học Michigan.

Khối không khí lạnh va chạm với luồng không khí ấm hơn từ phía nam, chứa đầy hơi nước, tạo ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Lượng hơi nước lớn này xuất phát từ vùng Địa Trung Hải - nơi ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 8.

“Khí hậu hiện nay quá nóng đến mức cơn bão hoặc hiện tượng thời tiết nào cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”, tiến sĩ Rood nói. “Không có một sự kiện nào, đặc biệt là sự kiện cực đoan, mà không có sự liên quan đến biến đổi khí hậu”.

Dù lũ lụt là hiện tượng tự nhiên, lượng mưa nặng hạt xuất hiện thường xuyên hơn khi lượng khí thải nhà kính gia tăng, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nhiệt độ cao hơn cả trên đất liền và đại dương cũng đồng nghĩa với việc có nhiều hơi nước hơn trong bầu khí quyển.

Và một hành tinh nóng hơn sẽ dễ dàng tạo ra nhiều năng lượng hơn để các cơn bão giải phóng lượng hơi nước này, dẫn đến những cơn bão dữ dội hơn.

Tìm cách thích ứng

“Để ngăn chặn kết cục thảm khốc như vậy trong tương lai, châu Âu phải tăng tốc độ thích ứng với lũ lụt”, tiến sĩ Knispel de Acosta nói.

Những biện pháp thích ứng có thể bao gồm cải thiện hệ thống quản lý nước mưa, quy hoạch đô thị tốt hơn, hệ thống cảnh báo sớm dễ tiếp cận hơn, và tăng cường đầu tư vào hạ tầng xanh như thay thế bề mặt bê tông bằng vật liệu thấm nước hoặc trồng thêm cây.

“Hạ tầng của chúng ta được xây dựng cho điều kiện khí hậu không còn tồn tại nữa”, Diana Urge-Vorsatz, giáo sư tại Đại học Trung Âu, đồng thời là phó chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), cho biết. Bà ám chỉ sự cần thiết của việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ứng phó trước bão lũ.

 Lũ lụt ở phía tây nam Ba Lan. Ảnh: RTE.ie.

Lũ lụt ở phía tây nam Ba Lan. Ảnh: RTE.ie.

Dù những cơn bão ngày càng trở nên phổ biến hơn, ngay cả một số chuyên gia cũng có thể quên mất mức độ lan rộng của chúng.

Trước khi bão Boris tấn công Trung Âu, tiến sĩ Urge-Vorsatz đã được cảnh báo bởi một nhà khoa học khí hậu khác về việc dự trữ đủ thực phẩm và vật dụng khẩn cấp trong ít nhất 3 ngày.

"Nó sẽ rất tồi tệ", người này nói với bà. Nhưng bà không nghe theo. Sau đó, nước lũ và gió mạnh đã đe dọa ngôi nhà của bà bên ngoài Vienna.

“Chúng ta đều biết rằng với biến đổi khí hậu, mưa đang trở nên dữ dội và thường xuyên hơn, nhưng không ai thực sự tin điều đó khi nó đến”, tiến sĩ Urge-Vorsatz nói.

“Chúng ta luôn nghĩ rằng nó đang xảy ra với người khác và nó không thể xảy ra với mình”, bà chia sẻ.

Gió đã quật ngã nhiều cây lớn trong khu phố của tiến sĩ Urge-Vorsatz. Các trường học đóng cửa, đường sá và hệ thống giao thông bị ngập, trong khi hàng chục nghìn ngôi nhà bị mất điện.

Nước vẫn đang dâng cao. Các nhà dự báo thời tiết cho biết lũ lụt có thể ảnh hưởng đến miền đông Đức vào hôm 18/9.

Minh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-trung-au-post1498738.html
Zalo