Chuyện du học trường kỹ thuật hàng đầu Ấn Độ của thầy giáo quân đội
Cơ duyên đến Ấn Độ qua khóa đào tạo ngắn hạn, Hoàng Mạnh quyết định nộp đơn học bổng toàn phần bậc tiến sĩ để học hỏi thêm những công nghệ tân tiến từ nước bạn. Hiện Hoàng Mạnh là nghiên cứu sinh tại IIT Roorkee - một trong những trường kỹ thuật hàng đầu Ấn Độ.
Thượng Úy, Thạc sĩ Tiêu Hoàng Mạnh sinh năm 1996, quê Hải Dương, là giáo viên Địa hình Quân sự tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Địa hình quân sự thuộc Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 1 vừa qua, Hoàng Mạnh đã bắt đầu chương trình tiến sĩ ngành Viễn thám và Hệ thông tin địa lý tại Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee (IIT Roorkee). Người hướng dẫn anh là Tiến sĩ Kritika Kothari, Trợ lý Giáo sư (Assistant Professor) tại khoa Phát triển và Quản lý tài nguyên nước.

Hoàng Mạnh tại Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ 26/1/2025 ở IIT Roorkee.
IIT Roorkee nằm tại thành phố Roorkee, bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ. Đây là một trong 23 Học viện Công nghệ Ấn Độ (Indian Institute of Technology - IIT) danh tiếng ở đất nước tỷ dân. Theo bảng xếp hạng của Bộ Giáo dục Ấn Độ năm 2024, IIT Roorkee nằm trong top 10 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất toàn quốc.
Được biết, Mạnh là một trong 11 học giả Việt Nam nhận học bổng toàn phần bậc tiến sĩ của Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ ICCR niên khóa 2024 - 2025.
Đây là học bổng tốt nhất dành cho sinh viên quốc tế muốn theo học tại các trường đại học ở Ấn Độ với sự tài trợ của chính phủ. Người học được miễn học phí, phí thị thực, trợ cấp nhà ở, sinh hoạt hàng tháng và vé máy bay khứ hồi.

Mạnh (thứ 2 từ trái qua) và giảng viên hướng dẫn, nữ Tiến sĩ Kritika Kothari (giữa), và các bạn cùng lab tại IIT Roorkee.
Mạnh tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Anh công tác trong quân đội rồi được cử đi học khóa ngắn hạn, theo chương trình hợp tác giữa Cục Viễn thám quốc gia Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Châu Á và Thái Bình Dương (CSSTEAP) tại Viện Viễn thám Ấn Độ (IIRS).

Thượng úy, Thạc sĩ Tiêu Hoàng Mạnh và các học viên tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ địa hình quân sự thuộc Cục Bản đồ.
Trao đổi với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Hoàng Mạnh chia sẻ, trong quá trình học tập tại IIRS, anh nhận thấy công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý tại Ấn Độ rất phát triển.
Cụ thể, Ấn Độ đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực này nhờ hệ thống vệ tinh tiên tiến như IRS và Cartosat, cùng khả năng ứng dụng rộng rãi trong quản lý tài nguyên, nông nghiệp, quy hoạch đô thị và ứng phó thiên tai.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và các Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), quốc gia này đã xây dựng được một hệ thống công nghệ không gian tự chủ, chi phí hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường khu vực và thế giới.

Mạnh (hàng ngồi, thứ 2 từ phải qua) và các bạn học tại IIRS tham quan mô hình tàu vũ trụ chở người đầu tiên của Ấn Độ Gaganyaan tại Trung tâm ứng dụng không gian (SAC) trực thuộc ISRO.
“So với Ấn Độ, Việt Nam còn hạn chế về hạ tầng, dữ liệu vệ tinh và khả năng ứng dụng thực tiễn. Hiện tại, nước ta mới ở giai đoạn đầu phát triển với vệ tinh VNREDSat-1 và vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn dữ liệu quốc tế.
Để thu hẹp khoảng cách, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ, đầu tư vào hạ tầng vệ tinh, phát triển công nghệ nội địa và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trong lĩnh vực RS&GIS”, Thượng úy 29 tuổi nói về lý do chọn làm nghiên cứu sinh tại Ấn Độ.

Mạnh đi dự hội nghị quốc tế và đi thực tế cùng bạn học tại IIRS.
Sau khi tìm hiểu, Mạnh đã kết nối với một nữ nghiên cứu sinh Việt Nam tại IIT Roorkee. Anh đã nhờ chị gửi giúp đề cương nghiên cứu tới các giáo sư trong trường. Anh cũng chủ động liên hệ với các giáo sư có hướng nghiên cứu phù hợp trước khi nộp đơn học bổng.
Học bổng ICCR thường mở vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm nên Mạnh đã chuẩn bị hồ sơ nộp học bổng ngay khi có thông báo từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội. Đối với bậc tiến sĩ, các ứng viên có thêm vòng phỏng vấn với trường đại học Ấn Độ theo hình thức online. Lịch phỏng vấn thường rơi vào giữa tháng 6 và các ứng viên có một tuần để chuẩn bị.
Dựa trên kinh nghiệm của Mạnh, ứng viên nên chuẩn bị khoảng 10 trang slide súc tích để giới thiệu bản thân và đề tài nghiên cứu. Nếu trường có mẫu slide chuẩn, hãy tải về từ trang web để đảm bảo nội dung trình bày phù hợp và chuyên nghiệp, và đây cũng có thể là một lợi thế.
Trong vòng phỏng vấn, câu hỏi thường tập trung vào nội dung nghiên cứu của ứng viên. Nhớ lại buổi phỏng vấn của mình, Mạnh cho biết hội đồng đã đặt nhiều câu hỏi với phạm vi khá rộng, đồng thời đặc biệt quan tâm đến các lý thuyết nền tảng của đề tài.
Mạnh chia sẻ rằng một mẹo giúp tăng cơ hội trúng tuyển mà nhiều ứng viên áp dụng hiệu quả là tìm hiểu kỹ về trường và ngành học trước khi nộp đơn. Bởi nếu nhận được sự đồng ý hướng dẫn từ giáo sư trước khi bước vào vòng phỏng vấn, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn rất nhiều.
Theo đó, ứng viên nên truy cập trang web của trường, khoa, tìm kiếm thông tin về các giáo sư và lĩnh vực nghiên cứu của họ để đánh giá mức độ phù hợp với định hướng cá nhân. Nếu cảm thấy tiềm năng, bạn nên chủ động gửi email trao đổi với giáo sư trước.

Mạnh cùng Giám đốc IIRS tại lễ hội ném bột màu Holi (ảnh trái) và giáo sư hướng dẫn tại IIRS trong ngày tốt nghiệp (ảnh phải).
Nhận xét về cuộc sống du học Ấn Độ, Mạnh cho biết: “Nhắc đến Ấn Độ, nhiều bạn tỏ ra lo lắng về vấn đề thực phẩm. Tuy nhiên, ở nơi mình đang sống, chuyện ăn uống không phải vấn đề đáng lo ngại”.
Thành phố Roorkee nằm cùng vĩ tuyến với miền Bắc Việt Nam nên khá tương đồng về khí hậu, thực vật, phong cảnh, chỉ có mùa đông lạnh hơn đôi chút. Anh có thể dễ dàng tìm thấy các loại thực phẩm quen thuộc tại chợ địa phương để tự chế biến.
Với học bổng ICCR, mỗi tháng Mạnh nhận được 27500 rupees Ấn Độ (INR), khoảng 8 triệu đồng, tiền trợ cấp nhà ở và sinh hoạt. Ngoài ra, mỗi năm anh nhận thêm 12500 INR trợ cấp dự phòng. Khi làm luận án tiến sĩ, anh sẽ được hỗ trợ phí in luận án là 10 nghìn INR. Giá cả sinh hoạt ở đây thấp hơn ở Việt Nam khoảng 10%.
Là nghiên cứu sinh nước ngoài, Mạnh được trường hỗ trợ thuê nhà với giá 2000 INR/tháng chưa gồm tiền điện, nước. Căn hộ anh thuê nằm trong khu học xá của trường, có phòng khách, phòng ngủ, nhà tắm và bếp. Trong khuôn viên trường có đa dạng sân tập nhiều môn thể thao như bơi lội, bóng đá, yoga, cầu lông, quần vợt, tất cả đều đạt tiêu chuẩn thi đấu.

Mạnh (thứ 2 từ phải qua) và các bạn học tại IIT Roorkee trong một chuyến đi thực địa.
Một ngày du học của Mạnh thường bắt đầu theo lịch của phòng thí nghiệm (lab), buổi sáng từ 9h đến 13h, nghỉ trưa rồi làm việc buổi chiều từ 14h30 đến 18h. Cuối tuần, anh tham gia các câu lạc bộ, hoạt động gắn kết sinh viên quốc tế hoặc dự các buổi hội thảo, trao đổi chuyên môn (workshop).
Các nghiên cứu sinh được ICCR cấp học bổng tối đa 5 năm, nên Mạnh đặt mục tiêu sẽ hoàn thành trong 4 năm. Theo quy định, mỗi năm, anh có 15 ngày phép, 15 ngày vì lý do sức khỏe, 8 ngày vì các lý do khác và được thêm 30 ngày nếu được giáo sư hướng dẫn và khoa đồng ý.
Mạnh dự định sẽ đi du lịch các địa danh nổi tiếng Ấn Độ vào ngày nghỉ giữa các học kỳ, còn ngày nghỉ phép sẽ về Việt Nam đón Tết. Anh cũng được các bạn học rủ đi chơi, đi bộ đường dài (trekking) hay trải nghiệm nhiều lễ hội Ấn Độ đặc sắc với các hoạt động như đốt pháo, nhảy múa, ném bột màu.

Mạnh hoàn thành chuyến trekking chinh phục đỉnh Nag Tibba cao 9915 feet (tương đương 3022m) tại bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ.
Bên cạnh đó, trong thời gian du học, Mạnh luôn đặt việc học lên hàng đầu. Hiện anh tập trung nghiên cứu ứng dụng của học sâu (deep learning) trong giải đoán đối tượng từ ảnh viễn thám.
Thượng úy, Thạc sĩ Tiêu Hoàng Mạnh hy vọng, những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy khi du học sẽ giúp anh hiểu thêm về lĩnh vực viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và máy bay không người lái. Từ đó, anh có thể góp sức mình trong việc phân tích dữ liệu không gian, giúp đảm bảo an ninh quốc phòng của tổ quốc.
Ảnh: NVCC