Chuyển động quan trọng tại Dự án thành phần 4, Sân bay Long Thành

Đã có những bước tiến quan trọng tại Dự án thành phần 4 - hạng mục được coi là đường găng của việc đưa vào khai thác đồng bộ Dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn I vào ngày 31/12/2025.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang tích cực xây dựng để có thể hoàn thành giai đoạn I trước ngày 31/12/2025

Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang tích cực xây dựng để có thể hoàn thành giai đoạn I trước ngày 31/12/2025

Xướng tên nhà đầu tư

Sau hơn 1 năm chật vật triển khai, cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã công bố tên nhà đầu tư của 3 công trình dịch vụ hàng không đầu tiên thuộc Dự án thành phần 4, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Quyết định số 1496/QĐ - BGTVT ngày 6/12/2024, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 4 được trao cho Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) - đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng công trình dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, cùng hệ thống thiết bị đáp ứng khả năng bảo dưỡng tại một thời điểm cho 1 tàu bay code E và 2 tàu bay code C; xây dựng nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án khoảng 785 tỷ đồng; địa điểm thực hiện là Khu vực E-01 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với diện tích 45.454 m2. Tiến độ thực hiện Dự án là 17,9 tháng (kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực).

Đổi lại, trong 5 năm đầu (60 tháng) kể từ khi Dự án được đưa vào khai thác và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay, VAECO phải nộp ngân sách nhà nước là 0,05% của doanh thu (chưa bao gồm thuế VAT).

Từ năm thứ 6 trở đi, mức tối thiểu nộp ngân sách nhà nước sẽ là 2% doanh thu (chưa bao gồm thuế VAT) với tỷ lệ tăng thêm của mức tối thiểu nộp ngân sách nhà nước là 2,5% của mức tối thiểu nộp ngân sách nhà nước.

Ngay sau đó 1 ngày, tại Quyết định số 1499/QĐ - BGTVT, Bộ GTVT cũng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2, tại lô đất KV2, có diện tích 7.045 m2.

Nhà đầu tư trúng thầu dự án này là liên danh Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn và Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (SAGS-HGS ), tổng chi phí thực hiện khoảng 781 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án là 535 ngày, kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực.

Tại Dự án này, từ năm thứ 6 trở đi, liên danh SAGS-HGS phải nộp ngân sách nhà nước tối thiểu 2% doanh thu (chưa bao gồm VAT) cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; 3% doanh thu (chưa bao gồm VAT) cung cấp dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Tỷ lệ tăng thêm là 0% của mức tối thiểu nộp ngân sách nhà nước cho cả 2 dịch vụ.

Một công trình dịch vụ hàng không khác cũng vừa tìm được nhà đầu tư là Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam được chọn là nhà đầu tư cho dự án cung cấp suất ăn hàng không đầu tiên tại sân bay Long Thành. Dự án có giá trị đầu tư khoảng 655 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 17 tháng 20 ngày (kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực).

Cần phải nói thêm rằng, chuỗi 3 dự án vừa tìm được nhà đầu tư trong tuần qua chính là những công trình dịch vụ hàng không cần phải hoàn thành đồng bộ với tiến độ các hạng mục công trình quan trọng khác như: Đài kiểm soát không lưu thuộc Dự án thành phần 2; Nhà ga hành khách và Đường cất hạ cánh thuộc Dự án thành phần 3.

Để có thể hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I trước ngày 31/12/2025 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu rút ngắn tối đa tiến độ.

“Mục tiêu là đưa các công trình dịch vụ hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác an toàn, hiệu quả, đồng bộ với các công trình khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Lên lộ trình trở thành sân bay trung chuyển

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, ngoài 3 dự án dịch vụ hàng không nói trên, ngay trong tuần tới, đơn vị này sẽ hoàn tất việc lựa chọn nhà đầu tư cho các hạng mục gồm: Khu xử lý vệ sinh tàu bay, bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất số 1; Khu cung cấp suất ăn hàng không số 1… Mục tiêu là hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư cho các công trình dịch vụ hàng không cấp bách, ưu tiên đầu tư trong tháng 12/2024.

Tại Thông báo số 545/TB-VPCP, đối với Dự án thành phần 4, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh khẩn trương điều chỉnh kế hoạch thực hiện Dự án cho phù hợp quy định và yêu cầu thực tế, trong đó lưu ý phải làm rõ việc, rõ cơ quan, đơn vị và rõ người thực hiện, rõ sản phẩm, rõ thời hạn hoàn thành là ngày 31/12/2025.

Liên quan đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay (hangar), khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất, khu cung cấp suất ăn hàng không… Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT hoàn thành đồng bộ trước ngày 31/12/2025. Trường hợp cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Bộ GTVT đã chấp thuận danh mục các công trình thuộc Dự án thành phần 4 cần ưu tiên triển khai đầu tư trước để đảm bảo hoạt động khai thác của Cảng, gồm 8/17 hạng mục công trình: Khu xử lý vệ sinh tàu bay, bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất số 1 (hạng mục công trình số 4 và số 5); Khu xử lý vệ sinh tàu bay, bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất số 2 (hạng mục công trình số 9 và số 10); Khu cung cấp suất ăn hàng không số 1 (hạng mục công trình số 6); Khu cung cấp suất ăn hàng không số 2 (hạng mục công trình số 12); Trung tâm điều hành của các hãng hàng không (hạng mục công trình số 13); Khu bảo trì tàu bay (hangar) số 1, số 2, số 3, số 4 (hạng mục công trình số 14).

Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá nhu cầu và trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, Bộ GTVT đang triển khai ngay việc lựa chọn nhà đầu tư đối với 4 hạng mục công trình khác, bao gồm: nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; kho giao nhận hàng hóa số 1 và số 2; hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu từ cảng đầu nguồn tới ranh giới của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Việc đầu tư sớm hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu sẽ giúp hạn chế phải vận chuyển nhiên liệu bằng xe bồn từ cảng đầu nguồn tới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giúp giảm ách tắc giao thông và rủi ro khi vận chuyển vật liệu dễ cháy nổ”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Đối với Thành phố cảng hàng không (hạng mục công trình số 15), theo Bộ GTVT, đây là tổ hợp công trình có tính đặc thù cao, được thiết lập nhằm tận dụng quỹ đất của Cảng để xây dựng các công trình dịch vụ phi hàng không (văn phòng, khách sạn quá cảnh, trung tâm hội nghị, khu thương mại tự do, công viên, casino, sân golf…), qua đó giúp tăng nguồn thu, lợi nhuận để hỗ trợ các công trình, dịch vụ có lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận (như hạ tầng chung).

Do các quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận mô hình này khác nhau, thận trọng và có lộ trình, vì vậy, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn I mới chỉ xác định vị trí và tên khu đất. Mô hình đầu tư, khai thác, các quốc gia trên thế giới đều giao cho doanh nghiệp cảng hàng không (như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV hiện nay) đầu tư, khai thác Thành phố cảng hàng không.

Hiện nay, Bộ GTVT đề xuất Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để lựa chọn tư vấn quốc tế nghiên cứu tổng thể phát triển giai đoạn II, giai đoạn III của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời cụ thể hóa quy hoạch các khu vực Thành phố cảng hàng không, khu công nghiệp hàng không, khu logistics hàng không, hệ thống điện năng lượng mặt trời…

“Đơn vị tư vấn sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp để từng bước trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế của khu vực, phát huy vai trò của ACV trong việc đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Theo Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 của Thủ tướng, Dự án thành phần 4 bao gồm 17 hạng mục công trình, được phân chia thành 2 nhóm:

Nhóm các hạng mục công trình 4a (nằm trong tổng mức đầu Dự án) bao gồm các hạng mục: (1) Nhà ga hàng hóa số 21 ; (2) Nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (express cargo); (3) Kho giao nhận hàng hóa (forwarder) số 1; (4) Khu xử lý vệ sinh tàu bay số 1; (5) Khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất số 1; (6) Khu cung cấp suất ăn hàng không số 1; (7) Hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Nhóm các hạng mục công trình 4b (không nằm trong tổng mức đầu tư Dự án) bao gồm các hạng mục: (8) Hệ thống ống dẫn nhiên liệu cho tàu bay từ cảng đầu nguồn tới ranh giới Cảng; (9) Khu xử lý vệ sinh tàu bay số 2; (10) Khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất số 2; (11) Kho giao nhận hàng hóa (forwarder) số 2 đến số 8; (12) Khu cung cấp suất ăn hàng không số 2; (13) Trung tâm điều hành các hãng hàng không; (14) Khu bảo trì tàu bay (hangar); (15) Thành phố cảng hàng không (airport city); (16) Khu công nghiệp hàng không; (17) Khu logistics hàng không.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-dong-quan-trong-tai-du-an-thanh-phan-4-san-bay-long-thanh-d232134.html
Zalo