Chuyển đổi xanh trong giao thông đô thị: Tầm nhìn chiến lược quốc gia, vì mục tiêu phát triển bền vững
Trong hành trình hướng tới một Việt Nam xanh, thông minh và phát triển bền vững, giao thông chính là điểm khởi đầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cải cách tổng thể về môi trường, kinh tế và xã hội. Không chỉ đơn thuần là việc cấm xe xăng trong khu vực vành đai 1 Hà Nội, chuyển đổi xanh trong giao thông còn là mục tiêu của một quốc gia đang lựa chọn con đường văn minh, bền vững, thay vì tiếp tục đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.
Giao thông xanh: Cấu trúc lại đô thị theo hướng nhân văn
Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và tiếng ồn đã trở thành những “bệnh mãn tính” của quá trình phát triển. Việc cấm xe xăng tại khu vực nội đô, nếu được thực hiện một cách bài bản không chỉ nhằm giảm ô nhiễm, mà sâu xa hơn là để tái thiết lại mối quan hệ giữa con người, đô thị và hạ tầng. Đó là lời khẳng định rằng không gian sống trong lành là một quyền cơ bản, không thể bị "cản trở" bởi những phương tiện tiêu hao nhiên liệu hóa thạch lỗi thời.
Trao đổi với PetroTimes, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng thuộc Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, quá trình chuyển đổi này phải được thực hiện trên cơ sở ba trụ cột nền tảng.
Thứ nhất là phát triển giao thông công cộng điện hóa gồm metro, xe buýt điện, BRT… với mạng lưới phủ rộng, chi phí hợp lý và chất lượng dịch vụ cao. Chỉ khi người dân có lựa chọn thuận tiện, họ mới sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân.

Từ Đại học Công nghiệp Hà Nội đến Công viên Thủ Lệ chỉ mất khoảng 15 phút bằng tàu điện trên cao, trong khi di chuyển bằng xe cá nhân vào giờ cao điểm có thể tốn hàng giờ. (Ảnh: Đình Khương).
Thứ hai là hỗ trợ chi phí chuyển đổi sang xe điện cá nhân. Cần áp dụng các gói vay ưu đãi dài hạn, tương tự chính sách nhà ở xã hội, dành cho người dân có thu nhập trung bình và thấp. Điều này không chỉ là hỗ trợ tài chính, mà còn là hành động nhân văn, bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận xu hướng xanh.
Thứ ba là phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đa tầng và ngầm hóa. Những đô thị hiện đại cần được “giải phóng” khỏi sự lộn xộn mặt đất bằng hệ thống kết nối ba chiều, kết hợp hài hòa giữa khu vực cũ và mới, giữa đi bộ, xe cá nhân và giao thông công cộng.
Theo ông Huy, sự thành công của chiến lược chuyển đổi xanh không thể chỉ dựa vào Nhà nước hay một vài doanh nghiệp tiên phong. Nó đòi hỏi một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi mà Nhà nước tạo khung pháp lý và môi trường đầu tư hấp dẫn, còn doanh nghiệp là lực lượng triển khai và đổi mới.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp như VinFast, TMT Motors, PVOIL, Solarev… đã và đang xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất xe điện, pin, trạm sạc đến vận hành và bảo trì. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh hơn nữa, cần có những chính sách hỗ trợ rõ ràng và dài hạn, bao gồm ưu đãi về thuế, đất đai cho các dự án trạm sạc; trợ giá xe điện; miễn giảm lệ phí đăng ký và các khoản phí sử dụng hạ tầng trong giai đoạn đầu chuyển đổi.
Đặc biệt, ông Huy nhấn mạnh đến vai trò của cơ chế chia sẻ rủi ro đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Những mô hình như hợp đồng mua dịch vụ sạc điện, bảo đảm doanh thu tối thiểu trong 5-10 năm đầu sẽ tạo đà tâm lý và tài chính để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này.
Xanh hóa không chỉ là giao thông, mà là cuộc cách mạng lối sống
Chuyển đổi xanh không dừng lại ở phương tiện. Đó là một cuộc cải cách toàn diện, bao trùm cả văn hóa tiêu dùng và tư duy phát triển. Theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy, nếu không giải quyết đồng bộ các nguồn ô nhiễm khác, thì giao thông xanh cũng chỉ giải quyết được một phần của vấn đề.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng thuộc Đại học Nguyễn Trãi (Ảnh: Đình Khương).
Ví dụ, trong lĩnh vực xây dựng, ông Huy đề xuất nâng chuẩn về môi trường cho các công trình đô thị. Từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành, các công trình cao tầng phải đảm bảo sử dụng vật liệu ít phát thải, công nghệ giảm bụi mịn, kiểm soát tiếng ồn và không phá vỡ khí hậu vi mô khu vực. “Không thể gọi là phát triển xanh nếu các tòa nhà cao tầng tiếp tục gây nóng đô thị, chắn gió và tạo hiệu ứng đảo nhiệt”, ông nhấn mạnh.
Quan trọng hơn, cần thúc đẩy giáo dục và truyền thông về lối sống xanh. Mỗi người dân cần hiểu rằng mình là một mắt xích trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Trường học, mạng xã hội, các tổ chức tôn giáo, truyền thông và doanh nghiệp đều phải tham gia lan tỏa thông điệp này. Khi nhận thức thay đổi, hành vi tiêu dùng và sinh hoạt mới có thể dịch chuyển theo hướng thân thiện với môi trường.
Chuyên gia Nguyễn Quang Huy khẳng định, chuyển đổi xanh không chỉ là chính sách môi trường, mà còn là chiến lược xây dựng bản sắc quốc gia trong thế kỷ 21. Một quốc gia văn minh phải coi giao thông không chỉ là công cụ di chuyển, mà là biểu tượng của văn hóa. Đô thị không chỉ là nơi cư trú, mà là không gian sống hài hòa giữa con người, thiên nhiên và công nghệ.
Bản sắc ấy phải được thể hiện qua từng quyết định quy hoạch, từng chính sách đầu tư, từng hành vi tiêu dùng… từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến người dân. Khi các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM trở thành hình mẫu về giao thông xanh, tiêu dùng xanh và quy hoạch xanh, thì Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế khu vực về phát triển bền vững không phải bằng tuyên ngôn, mà bằng hành động nhân văn và thực chất.
Việc cấm xe xăng hay phát triển trạm sạc điện là biểu hiện cụ thể của một triết lý sâu xa hơn là phát triển không nên là cuộc chạy đua với thiên nhiên, mà phải là sự đồng hành với môi trường và con người.
Chuyên gia Nguyễn Quang Huy nhận định: “Chỉ khi mỗi chính sách được đặt trong khuôn khổ nhân văn lấy con người làm trung tâm, lấy môi trường làm định hướng thì chúng ta mới có thể xây dựng một Việt Nam xanh, hiện đại, hài hòa và trường tồn”.