Chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp

Để phát triển bền vững thì quá trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp là hướng đi tất yếu. Bên cạnh đó, nhằm giảm phát thải khí nhà kính để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) thì việc chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường được xem là hướng đi kịp thời.

Đề xuất cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch. Ảnh: Nam Anh

Đề xuất cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch. Ảnh: Nam Anh

Khí tự nhiên hóa lỏng chỉ tạo ra 1/2 lượng CO2 và 1/10 chất gây ô nhiễm

Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu xây dựng các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) hiện đại, xanh đồng bộ, bằng những giải pháp phát triển công nghiệp thân thiện môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải, cũng như thu hút đầu tư chất lượng cao… Và việc chuyển đổi từ các nhiên liệu truyền thống phát thải cao sang sử dụng năng lượng tái tạo, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một giải pháp nhiên liệu chuyển tiếp hiệu quả cho các ngành công nghiệp.

Giới chuyên gia năng lượng nhận định, khí tự nhiên là một giải pháp quan trọng để thay thế và giảm phát thải carbon. So với than đá, khí đốt chỉ tạo ra 1/2 lượng CO2 và 1/10 chất gây ô nhiễm không khí khác. Nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã tăng sử dụng khí đốt để sản xuất điện, nhằm giảm phát thải và đạt được mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, việc sử dụng khí tự nhiên cũng đã được áp dụng. Ở trên bảng thống kê về phát thải thì LNG là nhiên liệu sạch, an toàn hơn so với các nguyên liệu khác.

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Ban quản lý KKT Hải Phòng cho biết, chuyển đổi xanh là việc chuyển từ công nghệ bình thường, phát thải nhiều CO2 sang một năng lượng mới, phát ít CO2 hơn và tìm kiếm năng lượng sạch hơn. Chuyển đổi năng lượng là yêu cầu tất yếu và cấp thiết, không chỉ xuất phát từ cam kết của Việt Nam tại COP26, mà còn là nhu cầu thực tiễn của từng DN, từng KCN.

Chia sẻ ở góc độ DN, ông Dong Bin - Tổng Giám đốc Công ty TNHH FLAT Việt Nam cho biết: Do đặc thù là DN sản xuất tấm kính, nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và bắt kịp dòng chảy của bài toán chuyển đổi nhiên liệu ở Việt Nam, phía công ty đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu LNG. Theo ông Dong Bin, khi sử dụng nguồn nhiên liệu này, yếu tố bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2 được giải quyết một cách triệt để hơn. Nếu quy đổi sang m3, phía công ty sẽ dùng khoảng hơn 100 triệu m3/năm khí LNG.

Thách thức về nguồn lực tài chính, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ các nhiên liệu truyền thống phát thải cao sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng, năng lượng tái tạo, các DN phải đối diện với thách thức về nguồn lực tài chính, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ. Về thực trạng này, ông Dong Bin chia sẻ, một thách thức hiện nay là nguồn cung LNG hiện tại ở miền Bắc vẫn đang khan hiếm.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Phạm Hồng Minh - Giám đốc Công ty PV GAS D, khó khăn hiện nay đối với việc chuyển đổi năng lượng xanh tại những địa phương có hạ tầng KCN, KKT được xây dựng và hình thành từ thời điểm chưa có quy hoạch cho hệ thống khí. Do vậy mà việc bổ sung diện tích đất phù hợp cho quy hoạch chuyển đổi sang mô hình KCN, KKT xanh sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng còn gặp khó khăn.

Ông Minh cho biết thêm, các tập đoàn nước ngoài đầu tư những KCN ở một số địa phương thì đã biết đến khí thiên nhiên này, nên việc chuyển đổi sang sử dụng, đối với họ không có gì là khó khăn. Tuy nhiên, với các DN Việt Nam thì đang gặp vấn đề về chi phí. Cùng với đó, phần lớn các DN sản xuất đang sử dụng than lại rất e ngại chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng.

Chia sẻ dưới góc độ quản lý, ông Lê Trung Kiên cho hay, các DN cần chủ động hơn trong việc chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các loại năng lượng sạch và bền vững hơn như khí LNG…

Nam Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-doi-xanh-o-cac-khu-cong-nghiep-10306252.html
Zalo