Chuyển đổi tư duy để HTX, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững
Trong bối cảnh các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và nông dân còn nhiều khó khăn, để 'chắp cánh' cho ngành nông nghiệp phát triển và có những 'nông dân triệu phú, tỷ phú' cần phải thay đổi tư duy và có giải pháp, cách tiếp cận mới trong sản xuất nông nghiệp.
“Thú thật là tôi đã từng phải 'nhập lậu' 200 cây táo giống về Việt Nam”, đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc CTCP Bagico (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản) khi nói về những khó khăn của doanh nghiệp tại tọa đàm "Cơ hội, tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam và khả năng hợp tác Việt Nam - Đài Loan" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức.
Cần cơ chế thông thoáng trong phát triển giống, kỹ thuật nông nghiệp
Bằng những chia sẻ thực tế của bản thân doanh nghiệp mình, nữ doanh nhân từng gây chú ý với truyền thông khi ví nông sản Việt như “cô gái quê” danh giá nhưng thụ động, chỉ biết ngồi một chỗ chờ người ta đến hỏi mua đã khiến những người tham dự chú ý và đồng cảm với những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình tìm tòi hướng đi mới.
Bà cho biết, năm 2016, trong chuyến đi Israel bà đã gặp một giáo sư người Hà Lan và được “khai sáng” rằng toàn bộ vùng núi phía Bắc của Việt Nam có những giống táo rất phù hợp để đưa về trồng. Bà rất “hăm hở” với kế hoạch này nhưng khi làm thực tế mới hiểu được quy trình, thủ tục về đưa giống mới, trồng khảo nghiệm rất là phức tạp nên bà đã phải 'nhập lậu' một số cây táo giống qua đường Trung Quốc về Việt Nam. Kết quả sau 2 năm cây ra trái rất đẹp, rất phù hợp.
Câu chuyện của bà Thực là một trong những ví dụ cho thấy, những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp của bà nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân nói chung gặp phải liên quan đến khả năng phát triển giống, nguyên liệu, kỹ thuật…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 29 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sự phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.
Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu.
Đa số doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, kiểm nghiệm, máy móc thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn chuyên gia có kỹ thuật cao để hỗ trợ, tư vấn phát triển các ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm…
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng, phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
“Như Đài Loan, mỗi người nông dân là một triệu phú. Người ta giàu thực sự mà lại giữ một diện tích đất không lớn. Từ một vài ha người ta có thể trở thành triệu phú. Ở bên Đài Loan người nông dân là người giàu, lương nông dân bằng 10 lần lương giáo sư”, Bộ trưởng ví dụ.
Hướng tới xây dựng trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã
Nhận thấy thực trạng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nông nghiệp và người nông dân đa số rất khó khăn, ít được tiếp cận và hỗ trợ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn tiếp cận dưới góc độ nông nghiệp hiệu quả cao thay vì công nghệ cao, vốn chỉ tập trung tăng năng suất, sản lượng nhưng không tính đến hiệu quả "bán ở đâu, bán bao nhiêu".
“Làm sao người nông dân của chúng ta được hạnh phúc? Làm sao người nông dân của ta có thu nhập tốt nhất, đóng góp được cho nền kinh tế? Đấy chính là trăn trở, ý tưởng để chúng tôi đề xuất thành lập một trung tâm có đủ lực cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đang xây dựng trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, giống cây trồng vật nuôi mới,… để có thể lan tỏa những kỹ thuật cao nhất.
“Chúng tôi đã hình thành được dự án, xin đất ở Hòa Bình. Chúng tôi cũng đã bàn với các trường đại học, các viện, các doanh nghiệp tư vấn, cho chuyên gia đi khắp các nước học tập. Cuối cùng, chúng tôi thấy mô hình ở Đài Loan là mô hình tốt nhất hiện nay và phù hợp nhất để Việt Nam học tập kinh nghiệm”, ông nói.
Theo đó, trung tâm này chỉ là hạt nhân ban đầu, mục tiêu cao hơn là mở rộng ra các khu vực. Mỗi vùng sẽ có một trung tâm về giống đặc thù của từng vùng, với quy trình chi tiết, đầy đủ để có thể thực hiện. Cách làm của trung tâm có 2 hướng. Đầu tiên là tập trung nâng cao giá trị của các sản phẩm hiện có từ quản lý chất lượng đến truyền thông, thử nghiệm,... Thứ hai là chuyển giao một số giống cây trồng mới, giá trị cao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
“Chúng tôi khuyến khích tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã, những người muốn khởi nghiệp, muốn làm về nông nghiệp hãy đến với chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm cái trung tâm là cái bệ đỡ hỗ trợ cho các bạn, giúp các bạn có thể thành công, cao hơn nữa là lan tỏa đến người nông dân trên cả nước có thể hưởng lợi từ những điều chúng ta đang làm, mang đến nụ cười cho người nông dân”, ông Dũng nói.
Chuyên gia nông nghiệp, GS.TS Thái Đông Soán (phải), Đại học Quốc gia Trung Hưng, Đài Loan.
Trao đổi tại tọa đàm, GS.TS Thái Đông Soán, Đại học Quốc gia Trung Hưng, Đài Loan đã nhấn mạnh đến những đặc thù, đặc điểm của nền nông nghiệp Việt Nam với nhiều ưu đãi, lợi thế; đồng thời chia sẻ về kinh nghiệm thay đổi cách thức làm nông nghiệp, các bước đi hướng tới nền nông nghiệp bền vững của Đài Loan (Trung Quốc) trong 30 năm qua. Với dự án chuẩn bị phát triển ở Hòa Bình, phía Đài Loan sẵn sàng hỗ trợ với kinh nghiệm hơn 60 năm của Liên đoàn hợp tác xã Đài Loan, sẵn sàng đồng hành, hợp tác với các liên đoàn hợp tác xã, hiệp hội của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia, đại diện ngành, địa phương và doanh nghiệp đã bày tỏ ủng hộ dự án và quyết tâm nhân rộng được nhiều mô hình điển hình trong phát triển nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận các kiến thức, quy trình kỹ thuật mới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, triển khai dự án “Đầu tư xây dựng khu cơ sở kỹ thuật và ươm tạo hỗ trợ doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Bắc” trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm (CAFI).
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Dự án dự kiến đầu tư xây dựng khu cơ sở ươm tạo, hỗ trợ kỹ thuật để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện theo chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu gen, giống, nghiên cứu phát triển, kiểm nghiệm, thử nghiệm, tư vấn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, đến khâu kết nối thị trường đầu ra… cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong lĩnh vực nông sản thực phẩm trước mắt tại khu vực phía Bắc.