Chuyển đổi từ cơ sở
Hiện nay, hình ảnh người dân cầm điện thoại thông minh “quẹt quẹt” để tra cứu thông tin, giao dịch mua bán đã trở nên quen thuộc. Từ những bác nông dân, đến người buôn bán nhỏ, chỉ cần có chiếc điện thoại được kết nối internet là có thể quản lý trang trại của mình từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, chào bán sản phẩm ra thị trường. Với nhiều người, đây thực sự là một “cuộc cách mạng công nghệ”. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của công nghệ số vào đời sống hàng ngày, nhiều cách làm hay đã được triển khai thời gian qua và nhận được sự hưởng ứng tích cực, đặc biệt là phong trào “Bình dân học vụ số”.
Theo kế hoạch quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Bình Dương, mục tiêu đặt ra trong năm 2025 là: 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số; 1,1 triệu dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID….
Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2026 là 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số; 1,6 triệu dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID… Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt giải pháp đã được đặt ra, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển các mô hình giáo dục mới dựa trên công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.
Tạo dựng môi trường để học sinh, sinh viên tiếp cận, hình thành kỹ năng số và hưởng lợi từ thành quả chuyển đổi số của ngành. Phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong hoạt động tình nguyện tham gia phổ cập kỹ năng số cho người dân, trước hết là người thân trong gia đình, những người có hoàn cảnh khó khăn. Cũng theo kế hoạch, cần chú trọng tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số để công nhân và người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nắm vững xu hướng chuyển đổi số của đơn vị, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.
Trong khi đó ở cơ sở, các tổ dân phố phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn Thanh niên, doanh nghiệp công nghệ số, hội phụ nữ và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cử hội viên có hiểu biết công nghệ hướng dẫn người dân, nhất là người cao tuổi, lao động phổ thông sử dụng các nền tảng, dịch vụ số. Tổ chức các lớp học “Bình dân học vụ số” cho người cao tuổi về sử dụng internet, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số, nhất là an toàn số và chăm sóc sức khỏe trực tuyến…
Theo đánh giá, thời gian qua, các cơ sở Đoàn của tỉnh đã thực hiện rất tốt công tác này, nhằm hướng đến mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong “cuộc cách mạng công nghệ số” hiện nay.