Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu
Thời gian qua, An Giang đã ban hành Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tập trung vào 3 trụ cột chính về: Phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nhằm tạo đà để bứt phá, phát triển.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, chương trình chuyển đổi số là một trong 6 chương trình trọng điểm, với 15 chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung 3 trụ cột chính về: Phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh hoạt động hiệu quả, hiệu lực, minh bạch hơn; kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững; xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giúp các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa, hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 An Giang thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước; phát triển kinh tế số đạt 10% GRDP; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh, như: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch (DL)… Đến năm 2030, An Giang thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước, phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình 553/CTr-UBND, ngày 9/9/2021 về việc chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, gồm: Giáo dục, y tế, nông nghiệp và DL. Trong đó, lĩnh vực DL ưu tiên triển khai DL thông minh; xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu giới thiệu các khu, điểm DL, các điểm tham quan, di tích lịch sử; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào quảng bá hình ảnh, điểm đến DL của tỉnh, ứng dụng hiệu quả vào công tác quản lý.
Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ra mắt Cổng thông tin thông minh http://checkinangiang.vn và ứng dụng di động “Checkin An Giang” để hỗ trợ phát triển hoạt động DL trên địa bàn tỉnh. Việc cho ra mắt cổng thông tin DL và ứng dụng thông minh trên thiết bị di động, nhằm từng bước phát triển ngành DL của tỉnh theo mô hình DL thông minh, thân thiện, hiện đại, đáng tin cậy, hướng đến mục tiêu phục vụ du khách, người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển DL của tỉnh trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đề ra. Cổng thông tin và ứng dụng DL thông minh An Giang tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu về DL, như: Các điểm vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật; công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng ẩm thực, trung tâm mua sắm, trung tâm thể thao; chỉ dẫn về giao thông liên quan đến lịch trình; điểm thuê phương tiện giao thông; chỉ dẫn toàn bộ về thủ tục hành chính; hướng dẫn du khách liên hệ về y tế, an ninh; tiếp nhận những phản hồi của du khách về các hoạt động DL ở An Giang.
Đặc biệt, cổng thông tin và ứng dụng DL thông minh còn tích hợp các nội dung đa phương tiện, như: Hình ảnh, video, camera 360 độ, tích hợp bản đồ, chuyển đổi ngôn ngữ, phản ánh thông tin, lịch trình cá nhân… Với những tính năng này, du khách có thể dễ dàng tìm kiếm, quan sát những điểm DL ở An Giang một cách sống động qua màn ảnh nhỏ. Đây là bước tiến trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái DL thông minh trong công cuộc chuyển đổi số ngành DL, kết nối các chủ thể hoạt động trong ngành DL của tỉnh với nhau. Qua đó, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách khi đến với An Giang. Bạn Lê Trần Hoàn Mỹ (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thời gian em học ở TP. Hồ Chí Minh, có nhiều bạn bè hỏi về hoạt động DL ở An Giang và muốn được đến trải nghiệm, vui chơi. Từ khi biết đến Cổng thông tin thông minh “http://checkinangiang.vn”, em đã giới thiệu cho mọi người để các bạn tiện tham khảo, nhất là có thể dễ dàng tìm được địa điểm lưu trú ưng ý và điểm ăn uống phù hợp”.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của dữ liệu số trong chuyển đổi số, cũng như các giải pháp, cách thức xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu số. Là lực lượng trẻ có khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng, thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã phát huy tinh thần xung kích trong triển khai các hoạt động về chuyển đổi số, tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ số vào đời sống.
Các đội tình nguyện hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến được thành lập tại các địa phương; những thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tích cực thực hiện nhiệm vụ là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, hướng dẫn người dân khai thác hiệu quả dịch vụ số. Song song đó, hội LHPN các cấp trong tỉnh cũng đã chủ động, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền trong hội viên, phụ nữ, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng đổi mới về nội dung và phương thức truyền tải hoạt động hội phù hợp thời đại công nghệ số, xây dựng các mô hình vận động hội viên, phụ nữ tham gia. Nhờ đó, hội viên, phụ nữ dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp sức vào quá trình chuyển đổi số thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh…