Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay được đặt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

Khi chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường số cũng đặt ra những yêu cầu mới khi mà các thế lực thù địch, phản động coi đây như một công cụ để tập trung chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.

Nhận dạng các kiểu chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta của các thế lực phản động, có thể thấy nổi lên một số thủ đoạn:

Một là, chúng tập trung thiết kế, xây dựng các website, blog, facebook, fanpage giả mạo các cá nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín với thủ đoạn nham hiểm là xen lẫn giữa việc đưa lại các thông tin chính thống với việc “cài cắm” những thông tin xuyên tạc, gây nhiễu, gây hiểu lầm, thậm chí là đánh tráo khái niệm.

Hai là, chúng tập trung đưa thông tin ở Việt Nam có “nhóm này, phe kia”, “tranh chấp quyền lực” dẫn đến việc “đấu đá nội bộ” hòng tạo ra sự mất đoàn kết, phân tán tư tưởng.

Ba là, một số tổ chức phản động còn lợi dụng mạng xã hội, internet để hướng dẫn biểu tình, khủng bố, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền.

Bốn là, xây dựng các chương trình truyền thông kêu gọi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi tự do ngôn luận, tự do báo chí truyền thông tạo sự nhiễu loạn tư tưởng; từ đó dẫn đến mất ổn định chính trị - xã hội, suy giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, còn có sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức phản động lên các kịch bản theo kiểu “kẻ tung, người hứng” để làm méo mó hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Rõ ràng là các thế lực thù địch hết sức tận dụng khoa học công nghệ để chống phá với âm mưu thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Do đó, muốn ứng phó có hiệu quả, cần thống nhất trong nhận thức về sự cần thiết phải nâng cao vai trò của chuyển đổi số trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay để tạo quyết tâm chính trị cao đối với vấn đề này. Cần xác định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ then chốt trong kiến tạo nền móng chuyển đổi số.

Cần nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cần nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" xác định, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân.

Nghị quyết số 35-NQ/TW cũng xác định rõ, phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền chính trị; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn; tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội...

Thời gian qua thực tiễn cho thấy, một số nền tảng kết nối số phục vụ thông tin - tuyên truyền giữa cấp ủy, chính quyền và người dân chưa phát huy được vai trò và vận hành hiệu quả; chưa có sự phối hợp, liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan, ban ngành. Nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền, cổ động, giáo dục, định hướng dư luận xã hội ở một số nơi còn đơn điệu, phương thức thể hiện cũ kỹ, chưa bắt kịp xu hướng sản xuất nội dung số, truyền thông đa phương tiện - những lợi thế mà chuyển đổi số đem lại.

Có thể nói, chuyển đổi số giúp sự lãnh đạo của Ðảng và công tác điều hành của Chính phủ phát huy hiệu lực, hiệu quả tích cực, nâng cao tính minh bạch, tăng cường liên kết chặt chẽ hơn, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và kiến tạo sự phát triển lành mạnh cho xã hội. Chuyển đổi số giúp nâng cao khả năng tuyên truyền và phổ biến các quan điểm, tư tưởng của Đảng và thúc đẩy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ.

Chuyển đổi số đã được xác định là một trong những đột phá chiến lược mà Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Không những vậy, trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, chuyển đổi số thúc đẩy sự đổi mới trong các hoạt động được triển khai trên thực tiễn. Bởi với các công nghệ hiện đại cho phép có thể xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động, sản phẩm phong phú, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của cộng đồng, thích ứng với đòi hỏi mới của xã hội.

Trong thời đại bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời cho cán bộ, đảng viên những thông tin chính thống có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng phần mềm “Sổ tay Đảng viên điện tử” là bước đột phá, thay đổi phương thức quản lý đảng viên cũng như nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều tài khoản đã tham gia tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, như nhóm “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc” với 91.468 thành viên; trang “Chống luận điệu xuyên tạc” có 44.000 người thích, 48.000 người theo dõi; trang “Tiếng nói thế hệ trẻ” có 14.392 người thích, 15.224 người theo dõi; trang “Thông tin chống phản động” có 149.000 người thích, 190.000 người theo dõi; trang “Chống phản động” có 189.349 người thích, 229.136 người theo dõi..

Để tăng cường và phát huy vai trò của chuyển đổi số trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thực tiễn cho thấy cần hết sức quan tâm tạo ra các nội dung truyền thông số chất lượng, sản phẩm thông tin - tuyên truyền mới mẻ, sáng tạo, đa dạng hóa hình thức biểu đạt mới phù hợp với nhiều đối tượng công chúng hiện đại như video, podcast, infographics….

Từ đó các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống một cách tự nhiên, trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ áp dụng, thiết thực với người dân, doanh nghiệp, qua đó tăng hiệu quả thuyết phục và sự tự giác chấp hành của quần chúng. Tạo hiệu ứng tự giác, chủ động đẩy lùi các luận điệu thù địch, phản động, chống phá sự nghiệp phát triển đất nước cũng như sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Đồng thời, cần đẩy mạnh các hình thức kết nối và xử lý thông tin giữa cấp ủy, chính quyền và người dân thông qua các ứng dụng công nghệ. Phát huy tối đa lợi thế công nghệ thông tin và mạng lưới báo chí chính thống, chủ động đưa tin, phản ánh nhanh chóng, kịp thời, trung thực và sinh động những vấn đề người dân quan tâm; kiên quyết đấu tranh phản bác và đập tan các luận điệu, thông tin sai lệch, xấu, độc, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tận dụng sức mạnh từ chuyển đổi số, đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần thực hiện tốt công tác bám sát lợi thế, tiềm năng, cơ hội của địa phương, của ngành trong chuyển đổi số.

Tăng cường giáo dục, tuyên truyền sâu rộng về Luật An ninh mạng, người dân có ý thức đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi sử dụng không gian mạng tuyên truyền chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-voi-cong-tac-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-357597.html
Zalo