Chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp: Người dân ngày càng thuận lợi trong thực hiện các quyền dân sinh

Thời gian qua, với nỗ lực của toàn ngành Tư pháp trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số không chỉ giúp Bộ, ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao mà còn tạo thuận lợi cho người dân khi được thụ hưởng nhiều tiện ích từ các dịch vụ công trực tuyến.

Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được vinh danh Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản.

Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được vinh danh Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản.

Tiện ích từ việc liên thông các thủ tục hành chính

Năm vừa qua, công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được triển khai thực hiện nền nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân. Việc triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” được tập trung triển khai thực hiện, nổi bật là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử tiếp tục được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ được toàn ngành Tư pháp triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, điển hình là việc số hóa sổ hộ tịch. Một số địa phương về đích sớm trong việc số hóa sổ hộ tịch, như: Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hải Dương, Hậu Giang...

Hoạt động liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính (TTHC): Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí được kết nối thông suốt, ổn định, với số lượng hồ sơ tăng cao. Qua đó góp phần giúp cho người dân ngày càng thuận lợi trong việc thực hiện các quyền dân sinh.

Đến nay đã có tổng số gần 1,3 triệu hồ sơ yêu cầu thực hiện liên thông TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, gần 300 ngàn hồ sơ yêu cầu thực hiện liên thông TTHC liên quan đến đăng ký khai tử; hoàn thành liên thông nhóm TTHC cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Đăng ký kết hôn

Công tác chứng thực được Bộ, ngành Tư pháp thực hiện nghiêm, hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân... theo đúng quy định của pháp luật, qua đó góp phần đảm bảo giá trị pháp lý của giấy tờ, tài liệu. Năm 2024, trên toàn quốc đã chứng thực hơn 76 triệu bản sao (tương đương cùng kỳ năm 2023); thực hiện được gần 9,5 triệu việc chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023).

Đối với công tác nuôi con nuôi, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, Luật Nuôi con nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Công tác quản lý nhà nước về con nuôi, công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế; thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế. Năm 2024, các địa phương đã giải quyết hơn 3.200 trường hợp nuôi con nuôi trong nước; các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 225 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Nhiều “điểm sáng” trong chuyển đổi số

Trong công tác lý lịch tư pháp (LLTP), Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Chính phủ, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách TTHC về cấp Phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến cấp Phiếu LLTP.

Nổi bật trong lĩnh vực này là việc hoàn thành kết nối chính thức và triển khai thí điểm cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc, được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đánh giá là hoạt động chuyển đổi số nổi bật trong năm 2024. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các yêu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân, doanh nghiệp và khắc phục được rất nhiều hạn chế trước đây về công tác này. Năm 2024, Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã cấp tổng số gần 1,3 triệu phiếu LLTP (tăng gần 11% so với cùng kỳ 2023).

Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện thao tác cấp Phiếu LLTP trên VNeID trong những ngày đầu triển khai thí điểm.

Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện thao tác cấp Phiếu LLTP trên VNeID trong những ngày đầu triển khai thí điểm.

Thể chế pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp tục được hoàn thiện, góp phần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định mới của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, pháp luật khác liên quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm được chú trọng, tăng cường. Đặc biệt là năm 2024, Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024 ở hạng mục chuyển đổi số xuất sắc.

Năm 2024, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tiếp nhận và giải quyết gần 850 ngàn phiếu yêu cầu về đăng ký, cung cấp thông tin, trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt trên 87%.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong những lĩnh vực nêu trên như: Việc thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC ở giai đoạn đầu triển khai vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật; hạ tầng, phương tiện kỹ thuật phục vụ công chức Tư pháp - hộ tịch chưa được đồng bộ ở một số địa phương; yêu cầu số hóa dữ liệu hộ tịch rất lớn nhưng chưa được đầu tư nguồn lực tương xứng.

Việc xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thật sự được quan tâm, chú trọng. Một số địa phương chưa chủ động khai thác, sử dụng thông tin có trong Cơ sở dữ liệu LLTP. Công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm tại một số địa phương chưa được quan tâm chỉ đạo…

Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính

Năm 2025 với những thời cơ và thách thức đan xen, Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhóm giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả các công việc được giao. Cụ thể, toàn Ngành tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch” theo lộ trình đã được phê duyệt; thực hiện có hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động của Bộ Tư pháp triển khai Đề án 06; đề xuất, mở rộng phạm vi triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm liên thông dữ liệu cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, thông tin tử vong để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên môi trường điện tử”.

Nghiên cứu, đề xuất các định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC trong lĩnh vực hộ tịch trên môi trường điện tử phù hợp với chủ trương chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2025 - 2030.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Tiểu Đề án 2 giai đoạn 2024-2025; Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài, đang cư trú tại Việt Nam, người di cư được đăng ký khai sinh và cấp giấy tờ về quốc tịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết TTHC về quốc tịch...

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả việc thực hiện chứng thực theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2024 của Chính phủ; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Công ước La Hay năm 1993, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi. Trong đó tập trung tổng kết 15 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi, lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nuôi con nuôi; xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư về biểu mẫu nuôi con nuôi. Đẩy mạnh công tác truyền thông, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

Tiếp tục thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc và báo cáo Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp sau khi kết thúc thí điểm. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP; đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến cấp Phiếu LLTP.

Tập trung nghiên cứu, rà soát hệ thống quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm theo hướng vừa đảm bảo được yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông tối đa nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh cải cách TTHC, chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm theo hướng nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản an toàn, thuận tiện, minh bạch hơn nữa trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

K.Quy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-tu-phap-nguoi-dan-ngay-cang-thuan-loi-trong-thuc-hien-cac-quyen-dan-sinh-post536464.html
Zalo