Chuyển đổi số thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững
Nhiều mô hình chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp đã mang đến sự thay đổi lớn về năng suất lao động, thói quen của doanh nghiệp, người lao động. Điều đó cho thấy vai trò và tác động của chuyển đổi số đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt kiểm tra hoạt động của công ty trên hệ thống phần mềm
Tạo đà tăng trưởng mới
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp (DN), giúp DN nâng cao khả năng tự động hóa, năng suất lao động. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group, TP.Dĩ An), cho biết TBS đầu tư và phát triển 6 lĩnh vực chính, gồm da giày, túi xách, đầu tư và quản lý bất động sản, hạ tầng công nghiệp, cảng và logistics, thương mại và dịch vụ. TBS luôn nỗ lực trong quá trình sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là chú trọng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh… đưa các ngành công nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh lớn mạnh về quy mô, có đủ năng lực hợp tác với đối tác lớn trên thế giới, TBS Group đã sớm đầu tư hoàn hiện hạ tầng kỹ thuật số và đưa vào vận hành hệ thống SAP. Đây là phần mềm quản trị hoạt động DN giúp theo dõi chặt chẽ quy trình bán hàng, thống kê dữ liệu để phân tích doanh thu và tính lợi nhuận. Phần mềm còn tích hợp thu thập xử lý dữ liệu thông tin của khách hàng, cũng như thực hiện nhiều chức năng như quản lý mua hàng, tối ưu hóa mối quan hệ giữa DN và nhà cung cấp để quản lý hiệu quả các đơn đặt hàng và lưu thông hàng hóa, quản lý kho, quản lý tài chính, quản lý nguồn nhân lực… Việc sớm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống SAP đã mang lại hiệu quả cao cho công ty trong việc điều hành sản xuất, nắm bắt thị trường, định hướng đầu tư và giảm đáng kể chi phí quản lý. Hệ thống này còn giúp công tác điều hành của lãnh đạo công ty diễn ra xuyên suốt và ngay tức thì, không kể thời gian và không gian, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho DN.
Chia sẻ với phóng viên về hiệu quả của việc CĐS trong DN, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt (TP.Tân Uyên), nói: “Công ty chúng tôi CĐS bởi cần có công cụ để quản trị nhà máy. CĐS đã mang lại giá trị hữu hình và vô hình. Thứ nhất, chúng tôi giảm được chi phí sản xuất, giảm công nhân lao động. Ví dụ như trước đây, cũng với công suất đó chúng tôi phải cần đến 1.500 công nhân thì hiện nay chỉ cần 800 công nhân. Chúng tôi tiết kiệm được nguồn nguyên liệu, điện và các chi phí khác khi áp dụng CĐS. Khi ứng dụng CĐS, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong DN được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong DN được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn. Tham gia quá trình CĐS, người điều hành chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động của DN. Mọi hoạt động của DN như nhân viên ghi nhận doanh số, biến động nhân sự, tệp khách hàng tìm hiểu sản phẩm… sẽ được thể hiện trên các phần mềm quản trị DN, giúp quản lý DN hiệu quả và minh bạch hơn”.
Phối hợp gỡ khó, cùng phát triển
Ông Lã Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn WOWS (TP. Tân Uyên), khẳng định CĐS là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Mục đích mà các DN CĐS thường hướng tới là tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng... Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ DN CĐS. Tuy nhiên, còn những DN, nhất là DN vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn khi áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khó khăn trước hết là thiếu kiến thức và nguồn lực. Thực tế, nhiều DN vừa và nhỏ không có nguồn thông tin đầy đủ về CĐS, dẫn đến băn khoăn về cách bắt đầu, lựa chọn công nghệ phù hợp và triển khai hiệu quả. Thứ đến là sự nóng vội muốn đi nhanh và đi tắt dẫn đến không hiệu quả. Chính vì thế, cần lựa chọn đơn vị đồng hành hiểu rõ hoạt động của DN, phối hợp tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, cùng phát triển.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương, cho biết hiệp hội đã làm việc các đơn vị tư vấn để nâng cao hiểu biết về công nghệ số cho ngành logistics. Hiệp hội đang triển khai các định hướng hỗ trợ và kết nối để giúp DN tiếp cận CĐS. Hiệp hội tiếp tục hợp tác với các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực cho logistics, công nghệ số, giúp DN vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực logistics...
Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt: “Về giá trị vô hình, chúng tôi đã định vị được vị trí của doanh nghiệp, vị trí của từng người lao động trong từng công việc khi áp dụng các quy trình chuyển đổi số. Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, chúng tôi được các đối tác đánh giá cao hơn, có đơn hàng nhiều hơn...”.