Chuyển đổi số thay đổi diện mạo ngành Ngân hàng

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số đang không còn là một lựa chọn mà trở thành con đường tất yếu. Tại Việt Nam, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được xem là một trong 'bộ tứ trụ cột' giúp Việt Nam cất cánh trong thời gian tới.

Trong tiến trình đó, ngành Ngân hàng được kỳ vọng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từ đó lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác. Bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số, nhờ đó mà toàn Ngành đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, sau khi triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030, hiện nay, tỷ lệ giao dịch qua kênh số của nhiều TCTD đã vượt mốc 90% - một con số không chỉ ấn tượng, mà còn phản ánh rõ nét hiệu quả của việc hoạch định và triển khai chính sách chuyển đổi số trong Ngành. Đến nay, có gần 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP.

Các TCTD trong thời gian qua cũng đã xác định chuyển đổi số là con đường bắt buộc, mang tính chất sống còn và là yếu tố cạnh tranh giành ưu thế trong cuộc đua thu hút người dùng. Theo ước tính, 94% ngân hàng tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu xây dựng chiến lược chuyển đổi số, đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho chiến lược số.

Mới đây, LPBank cho biết đã triển khai thành công hệ thống Core Banking T24 - một trong những hệ thống lõi hiện đại nhất hiện nay. Hệ thống này không chỉ giúp ngân hàng nâng cấp năng lực vận hành, mà còn là nền tảng phát triển các dịch vụ tài chính số linh hoạt, nhanh chóng, an toàn và cá nhân hóa.

Trường hợp khác là SHB. Ngân hàng này cũng cho biết đang chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Việc triển khai nền tảng Core Banking trên đám mây sẽ là bệ phóng quan trọng, giúp SHB bứt phá trong giai đoạn 2025-2028, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại hàng đầu khu vực ASEAN vào năm 2035.

Trong bối cảnh ngành Ngân hàng phải đối mặt với các rủi ro ngày càng phức tạp, SHB vẫn giữ vững các chỉ số an toàn tài chính, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,4%, chứng minh hiệu quả quản trị trên nền tảng số hóa.

Cùng chia sẻ về sự thành công trong việc áp dụng chuyển đổi số, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, trong 5 năm qua, mỗi năm MB đã thu hút thêm 5-7 triệu khách hàng mới. Doanh thu từ chuyển đổi số của MB đã tăng gấp 3 lần so với trước. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy ngân hàng số không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng, mà còn tối ưu hóa hoạt động và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Các ngân hàng tiên phong như Techcombank, TPBank, ACB… cũng đang có sự phát triển vượt trội nhờ đầu tư bài bản vào hạ tầng công nghệ. Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các quy trình như phê duyệt tín dụng, định danh điện tử eKYC và tự động hóa quy trình đã rút ngắn thời gian xử lý khoản vay từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ.

Các ngân hàng cũng đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái số cho doanh nghiệp, có thể thanh toán, nộp thuế… qua ngân hàng số hoặc API kết nối với phần mềm kế toán, cho phép doanh nghiệp giám sát và điều phối dòng tiền trong toàn hệ thống. Qua đó, giúp tăng hiệu quả kinh doanh và tiết kiệm chi phí vận hành.

Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Mục tiêu của cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.

Theo các chuyên gia, đây là một bước tiến mới trong việc tạo lập không gian sáng tạo cho các dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, an toàn và tiện lợi hơn cho người dân. Trong thời gian tới đây, với hành lang pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, chuyển đổi số ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-so-thay-doi-dien-mao-nganh-ngan-hang-166657.html
Zalo