Chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở tất cả các cấp, các ngành

Chiều 6-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp trực tuyến tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đến dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, mà các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đạt được nhiều thành quả trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt, thực hiện thủ tục hành chính và kinh doanh, sản xuất.

Trong đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023; Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp (chiếm 70,8% tổng số thủ tục hành chính). Từ tháng 7-2024, có khoảng 425.000 lượt/ngày dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong kinh tế số, thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm trước. Việt Nam hiện nằm trong Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất thế giới. Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng hơn 50% mỗi năm, giúp Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về xu hướng này.

Về xã hội số, lần đầu tiên tỷ lệ truy cập vào các nền tảng số “Make in Vietnam” vượt 20% so với các nền tảng nước ngoài, đạt 25,25%, tăng 5,62% so với năm 2023, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có lượng người dùng nền tảng số nội địa ở mức cao.

Đồng thời, năm 2024, có 12,5 triệu chứng thư chữ ký số đã được cấp cho công dân trưởng thành, tăng 58,61% so với năm 2023, nâng tỷ lệ người trưởng thành có chữ ký số lên 25%; 90% người dân tham gia bảo hiểm đã có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh, sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công lập và cơ sở giáo dục đại học đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo báo cáo đánh giá công bố tháng 9-2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc, tăng 15 bậc so với kỳ đánh giá năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức rất cao.

Bên cạnh đó, Đề án 06 tính đến nay đã có 690 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác giao thực hiện, trong đó đã hoàn thành 348 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 39 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 119 nhiệm vụ và đang triển khai 184 nhiệm vụ.

Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, Căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Cụ thể, 100% thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công được công bố, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 70% các thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng dịch công quốc gia. Trong đó, có 50 thủ tục hành chính thiết yếu, nhất là 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình đã được hoàn thành và cung cấp cho người dân.

Ngoài ra, đối với các cơ quan Nhà nước, Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Việc chuyển đổi công tác từ thủ công sang hiện đại sẽ góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, tiết kiệm biên chế.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo Đề án 06 với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Quan điểm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải bám sát Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ. Chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện cuộc “cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Đồng thời, chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở tất cả các cấp, các ngành, phù hợp xu thế thế giới và đáp ứng yêu cầu của nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202502/chuyen-doi-so-phai-toan-dan-toan-dien-toan-trinh-o-tat-ca-cac-cap-cac-nganh-1033677/
Zalo