Chuyển đổi số ngành vật liệu xây dựng: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?
Mặc dù chuyển đổi số mang lại lợi ích lớn cho ngành vật liệu xây dựng (VLXD), song các DN không mấy mặn mà do gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số toàn diện.
Còn nhiều khó khăn
Trong những năm qua, ngành sản xuất VLXD đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở. Hiện nay, các giải pháp, xu hướng công nghệ mới từ ngành VLXD rất nhiều và đa dạng, từ đổi mới vật liệu truyền thống, cải thiện các tính năng sẵn có đến việc tạo ra những tổ hợp vật liệu mới có thêm nhiều tính năng. Rất nhiều loại VLXD tiên tiến đã được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành VLXD còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức ngay từ chính nội tại các DN.
Đơn cử, với ngành đồ gỗ nội thất, theo "Báo cáo thực trạng chuyển đổi số ngành gỗ 2022" do Hiệp hội Internet Việt Nam, Novaon Tech thực hiện cùng sự tham gia của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh công bố mới đây cho thấy, có đến 20% DN ngành gỗ vẫn chưa thực hiện chuyển đổi số bất cứ hạng mục nào, hơn 56% DN chuyển đổi được một phần và chỉ 4,2% DN đã chuyển đổi số toàn bộ quy trình. Lý do chính mà các đơn vị này đang phải đối mặt là chi phí ban đầu bỏ ra lớn, năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các DN cũng thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn và giải pháp tốt.
Theo KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn xây dựng COVIC, với các máy móc phục vụ chế biến gỗ như cưa bàn trượt, khoan ngang, dán cạnh hoặc nhóm máy sản xuất vật liệu, cấu kiện xây dựng... có kích thước lớn, khối lượng thép nặng, phí vận chuyển cao nên giá thành không dưới vài tỷ đồng, thậm chí có loại máy lên đến vài chục tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi số, các DN ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn như lãnh đạo chưa có mong muốn thực hiện chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh chưa đặt chuyển đổi số là ưu tiên.
Phó Giám đốc Công ty TNHH TKA Việt Nam – Nội thất Tháng 5 Trần Thanh nhìn nhận, không chỉ các DN đang "lạc lõng" trong việc tự bản thân chuyển đổi số, mà còn vướng mắc trong việc tiếp cận, lựa chọn máy móc từ các tổ chức khoa học - công nghệ khi số lượng hạn chế, thiết bị không được đa dạng, phong phú cho tới thủ tục chuyển giao chậm. "Dịch vụ sau bán hàng hoặc khi chuyển giao xong chưa được thực hiện tốt nên nhiều DN không mặn mà với chuyển giao công nghệ từ Nhà nước" - ông Trần Thanh chia sẻ.
Cởi trói thủ tục cho doanh nghiệp
Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ giúp các nhà máy nâng cao năng lực sản xuất một cách rõ rệt. Đây được xem là lợi ích hàng đầu và rõ nét nhất của bất kỳ một nhà máy nào khi ứng dụng tự động hóa. Cùng đó có thể giúp DN đạt được tính bền vững như giảm hàng tồn kho, giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm bớt các yêu cầu vận chuyển.
Để thay đổi cả chuỗi sản xuất, bên cạnh tài chính cần có sự chuẩn bị nhân lực, tầm nhìn và chất lượng quản trị. Nhưng bên cạnh đó, giá thành nguyên liệu đầu vào, linh kiện, phụ kiện máy móc... cần phải được đảm bảo. Trong khi đó, hiện nay ngành cơ khí nội địa chưa sản xuất được nên các DN vẫn phải nhập khẩu máy móc từ nước ngoài. Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang có bước tiến rất nhanh, nếu không chủ động bắt kịp công nghệ mới, tiên tiến của các nước thì Việt Nam sẽ rất khó khăn.
"Việt Nam có một thị trường sức mua rất lớn mà nhiều quốc gia mơ ước. Thị trường là vốn, tài nguyên của quốc gia, cần được giữ gìn, bảo vệ, nhân lên không để nước khác chiếm ưu thế mà chúng ta lại thua thiệt, đi làm thuê trên đất nước mình" - ông Đào Phan Long bày tỏ.
Ở góc độ DN, theo Phó Giám đốc Công ty TNHH TKA Việt Nam – Nội thất Tháng 5 Trần Thanh, phát triển công nghiệp VLXD cung cấp nguyên liệu cho ngành xây dựng, tạo ra cơ sở hạ tầng làm tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội và kéo theo các ngành sản xuất có liên quan như công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến, năng lượng… Do vậy, để hiện đại hóa sản xuất, Nhà nước cần đơn giản hóa các thủ tục giúp DN tiếp cận các thành quả nghiên cứu khoa học - công nghệ.
“Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi ưu tiên sử dụng máy móc xây dựng trong nước đạt chất lượng, giảm nhập khẩu, giảm thuế VAT, tạo cơ hội cho hàng nội phát triển” - Phó Giám đốc Công ty TNHH TKA Việt Nam – Nội thất Tháng 5 bày tỏ.