Chuyển đổi số ngân hàng: Từ tư duy công nghệ đến bài toán nhân lực

Công nghệ và nghiệp vụ tài chính - ngân hàng sẽ đi cùng nhau trên hành trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Song, ngành Ngân hàng đang đứng trước thách thức của 'cơn khát' nguồn nhân lực chất lượng cao hội tụ hai yếu tố trên, đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong tương lai gần.

Đãi ngộ cao, ngân hàng vẫn khó tuyển

Theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ngành Ngân hàng đang dịch chuyển rõ rệt, từ mô hình dựa trên quy mô vật lý sang tối ưu hiệu suất số. Nếu trước đây, tổng tài sản, số lượng chi nhánh, lượng khách hàng là thước đo hiệu quả, thì nay, trong thời đại số, lợi nhuận trên mỗi nhân viên mới phản ánh đúng hiệu quả chuyển đổi. Ví dụ, ngân hàng số WeBank (Trung Quốc), chỉ từ 1.000 - 2.000 nhân sự nhưng đạt 1,27 triệu USD lợi nhuận/nhân viên/năm. Trong khi đó, ICBC - ngân hàng lớn nhất Trung Quốc với hơn 400.000 nhân viên - chỉ đạt 115.000 USD/người/năm. Sự khác biệt này nằm ở mô hình vận hành dựa trên công nghệ, đặc biệt là AI và Blockchain.

“Điều này cho thấy, chuyển đổi số không thể chỉ dừng ở đầu tư công nghệ hay mở app trên điện thoại, mà phải dẫn đến thay đổi cốt lõi trong mô hình vận hành và năng suất lao động. Lợi nhuận trên mỗi nhân viên chính là “chỉ số sinh tồn” mà các ngân hàng cần theo đuổi nếu muốn cạnh tranh trên một thị trường tài chính đang toàn cầu hóa, số hóa và tối ưu từng giây vận hành”, ông Phan Đức Trung khẳng định.

Tuy nhiên, nguồn cung về nhân sự công nghệ thông tin chưa đáp ứng đủ khi nhu cầu nhân lực công nghệ của ngành Ngân hàng đang tăng lên rất mạnh. Nếu như năm 2018, ngành Ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ thì đến năm 2026 dự báo con số này sẽ là 750.000. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trẻ vốn vô cùng thích thú, sẵn sàng sử dụng sản phẩm công nghệ mới. Theo thống kê của NHNN, hiện nay có khoảng 200 triệu tài khoản tiền gửi, với 87% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng, trên 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số. Mỗi ngày có 50-100 triệu giao dịch tài chính được thực hiện trên môi trường số.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chia sẻ, chúng ta đang chứng kiến một bức tranh thay đổi hoàn toàn của ngành Ngân hàng, từ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đến cách thức quản trị, giám sát, nhân lực. Nhiều ngân hàng hiện nay đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng, như vậy sẽ hình thành một hệ thống quản lý rủi ro rất khác. Quản lý rủi ro, ứng xử trước rủi ro và tăng rủi ro trên không gian mạng… nên cách ứng xử của TCTD sẽ khác, bao trùm lên đó là an ninh, an toàn công nghệ thông tin. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi ngành Ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, đặc biệt phải có đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ và công nghệ. Ngân hàng nào không làm được điều đó thì không tham gia được cuộc chơi. Tuy nhiên, chưa bao giờ ngành Ngân hàng khát nhân lực về công nghệ thông tin như hiện nay.

Để giải quyết bài toán nhân sự, bà Ngô Lan, Giám đốc Navigos Search phía Bắc cho rằng, một số ngân hàng cổ phần lớn sẵn sàng chi trả mức đãi ngộ hấp dẫn để chiêu mộ các chuyên gia từ các công ty công nghệ hàng đầu, kể cả Việt kiều, người nước ngoài. Họ còn thuê ngoài, hợp tác với các công ty công nghệ để sử dụng các chuyên gia theo hợp đồng ngắn hạn để giải quyết bài toán cấp bách; xây dựng các trung tâm đào tạo chuyên sâu về AI và dữ liệu cho nhân sự nội bộ…

Ngân hàng trước “cơn khát” chưa từng có về nhân lực công nghệ

Ngân hàng trước “cơn khát” chưa từng có về nhân lực công nghệ

Tinh thông công nghệ và giỏi nghiệp vụ ngân hàng

Bức tranh nhân lực ngân hàng thay đổi, cơ sở đào tạo cũng phải chuyển mình. Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng khẳng định, việc nâng cao năng lực số cho nhân lực ngành Ngân hàng là điều tất yếu trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Những cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân như Học viện Ngân hàng cũng bắt buộc phải thay đổi. Theo đó, từ năm 2021, sinh viên phải chuẩn đầu ra về năng lực số. Mọi sinh viên, cử nhân ra trường phải có khung năng lực số. Nhà trường không chỉ đào tạo, cung cấp nhân lực cho ngành Ngân hàng từ thế hệ sinh viên hiện tại, mà còn bồi dưỡng, đào tạo lại cho các cán bộ đang công tác tại ngân hàng; có chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ cho nhân viên ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm công tác, góp phần vào quá trình chuyển đổi số của ngân hàng. Ngoài ra, Học viện cũng hướng tới là một trường đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, chứ không chỉ đào tạo trong lĩnh vực ngân hàng.

Dưới góc độ ngân hàng, ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) thừa nhận, sinh viên ra trường tại các ngành kinh tế rất nhiều, nhưng không tuyển dụng được vì còn hạn chế về chiều sâu công nghệ. Việc tuyển dụng không tốt cũng là một nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng thiếu nhân lực. Để tuyển một nhân sự công nghệ rất khó, dù lượng kỹ sư ra trường nhiều nhưng thách thức lớn hơn là giữ chân con người, đặc biệt là những lãnh đạo cao cấp. Người tài không dễ dùng. Để sử dụng được những người này phải có cơ chế dân chủ, để họ được bày tỏ ý kiến, sáng tạo; đãi ngộ không phải là vấn đề quan trọng nhất.

Do đó, TS. Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, có nhiều giải pháp tăng cung nhân lực nhưng một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng. Họ cần kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số - ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu - nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình”.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, AI và blockchain không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà chính là nền móng để tái cấu trúc toàn bộ bộ máy ngân hàng. Do đó, cần đưa các môn học về blockchain và AI trở thành tín chỉ bắt buộc tại các trường đại học khối tài chính, công nghệ. Các cơ sở đào tạo thường xuyên nên mạnh dạn đưa vào những khái niệm như là công nghệ tài chính (fintech), blockchain trong quá trình đào tạo. Xây dựng mô hình đào tạo ba bên: ngân hàng - doanh nghiệp công nghệ - cơ sở giáo dục để tái đào tạo nguồn nhân lực truyền thống thành kỹ sư dữ liệu, chuyên viên AI, quản lý vận hành hệ thống blockchain.

Cùng chung nhận định này, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Đại Nam kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm hơn cho việc đào tạo nhân lực ngành Fintech; bỏ bớt các thủ tục hành chính rườm rà, như quy định về số lượng tiến sĩ khi mở ngành mới. Ngành Ngân hàng có nhiều cử nhân, chuyên gia tài chính nhưng lại không có kiến thức công nghệ và ngược lại. Nếu đào tạo song bằng chỉ sau 9 tháng, chúng ta sẽ giải quyết được số lượng, chất lượng nhân lực mà không gây ra chi phí tuyển dụng mới, xáo trộn, cắt giảm nhân sự.

Võ Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-so-ngan-hang-tu-tu-duy-cong-nghe-den-bai-toan-nhan-luc-167642.html
Zalo