Chuyển đổi số, kinh tế số là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2025

Tăng trưởng kinh tế dựa trên các yếu tố truyền thống đã dần tới hạn, bởi vậy, phải tìm các động lực mới, đó là chuyển đổi số và kinh tế số. Tăng 7% là bằng các động lực cũ, tăng trên 7% phải dựa trên các động lực mới, nhất là KHCN, ĐMST, CĐS và KTS.

Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, ngày 6/2/2025

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Ảnh: Nhật Bắc.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Ảnh: Nhật Bắc.

Cách đây 5 năm, ứng dụng công nghệ thông tin là phổ biến, chuyển đổi số (CĐS) là rất mới. Chuyển đổi số là mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới. Cái mới thì tinh thần dám khai phá là quan trọng nhất. Ai dám khai phá người đó sẽ dẫn đầu. Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2020 là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong. 5 năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá. Và chính tinh thần dám khai phá ấy đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào loại nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.

Cái mới thì tinh thần dám khai phá là quan trọng nhất. Ai dám khai phá người đó sẽ dẫn đầu. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào nhóm top 100 toàn cầu. Nhưng hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số và chuyển đổi số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm top 50 toàn cầu, cao gấp đôi xếp hạng kinh tế.

Về viễn thông, chúng ta đang xếp hạng thứ 72, nhưng tăng bậc khá nhanh. Cách đây 6 năm, năm 2018, Việt Nam xếp hạng 108. 6 năm qua tăng 36 bậc, mỗi năm tăng trung bình 6 bậc. Với tốc độ tăng bậc này, đến năm 2030, viễn thông Việt Nam chắc chắn sẽ vào nhóm top 50 toàn cầu, nếu tích cực hơn nữa thì sẽ vào nhóm top 40.

Về hạ tầng dữ liệu, Việt Nam đang là top 60 toàn cầu. Nếu thu hút được các Big Tech đầu tư vào trung tâm dữ liệu và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào trung tâm dữ liệu thì đến năm 2030, Việt Nam có thể vào nhóm top 30 toàn cầu.

Về an ninh, an toàn mạng, Việt Nam đang có thứ hạng cao, xếp thứ 17 toàn cầu. Mục tiêu của chúng ta là vào nhóm top 10 toàn cầu.

Về công nghiệp công nghệ số (CNS), chúng ta đang có tổng doanh thu trên 150 tỷ $, tăng trưởng trung bình hằng năm 15%. Xét về tổng thể, ngành công nghiệp CNS Việt Nam đã vào top 20. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì thứ hạng cao, phấn đấu vào nhóm top 15 toàn cầu và tăng tỷ trọng giá trị Việt Nam trong công nghiệp CNS đang là 32% lên 50% vào năm 2030.

Về kinh tế số (KTS), Việt Nam xếp thứ 41 về tỷ trọng KTS/GDP và cũng đang tăng thứ hạng khá nhanh. Năm 2024, KTS của Việt Nam tăng trên 20% và đạt tỷ trọng trong GDP là trên 18%, năm 2025 sẽ đạt và vượt mục tiêu 20%. Chúng ta đặt mục tiêu KTS chiếm 30-35% GDP vào năm 2030, khi đó, Việt Nam sẽ lọt vào nhóm top 30 toàn cầu.

Về chính phủ điện tử (CPĐT)/chính phủ số (CPS), năm 2024, Việt Nam chúng ta xếp thứ 71, tăng 15 hạng sau 2 năm. Chúng ta đang có sự thay đổi nhanh về thứ hạng. Chính phủ đặt mục tiêu 80% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình trong năm 2025. Chỉ cần đến năm 2028 là Việt Nam có thể vào nhóm top 50 toàn cầu về CPĐT/CPS. Và chúng ta đặt mục tiêu năm 2030 sẽ vào nhóm top 40 toàn cầu về CPĐT/CPS.

Vào năm 2030, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số và CĐS của Việt Nam phải lọt vào nhóm top 50 toàn cầu, một số lĩnh vực vào top 10-20-30. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Như vậy, vào năm 2030, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số và CĐS của Việt Nam phải lọt vào nhóm top 50 toàn cầu, một số lĩnh vực vào top 10-20-30. Đây là mục tiêu rất cao, nhằm đi trước, đi nhanh, lọt vào nhóm các nước phát triển, để tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển đất nước, cho CĐS, cho phát triển KTS.

Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Nghị quyết 57, đúng vào dịp 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 22/12/2024. Đây là một nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết Khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Từ chỗ thiếu KHCN, ĐMST và CĐS, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về KHCN, ĐMST và CĐS, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp.

Nghị quyết Khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết Khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo. Tinh thần chung của cả Nghị quyết Khoán 10 và Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá người làm dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.

Nghị quyết 57 xác định, bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, KHCN là nền tảng, nó tạo ra tri thức mới và công nghệ mới. ĐMST là động lực, nó chuyển hóa các tri thức mới, công nghệ mới thành ý tưởng mới, giải pháp mới. ĐMST để biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, tạo ra các giá trị thực tiễn để phát triển KT-XH.

Chuyển đổi số tạo ra không gian số - đất dụng võ mới, môi trường lý tưởng cho KHCN và ĐMST, thuận lợi đến mức các cá nhân cũng có thể ứng dụng KHCN để tham gia ĐMST. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS là chuyển mọi hoạt động lên môi trường số, là số hóa thế giới thực tạo thành một không gian mới - không gian số, cung cấp nền tảng kỹ thuật số, công cụ số, dữ liệu số và khả năng kết nối số để tăng tốc và mở rộng quy mô ứng dụng KHCN và ĐMST. CĐS tạo ra không gian số - đất dụng võ mới, môi trường lý tưởng cho KHCN và ĐMST, thuận lợi đến mức các cá nhân cũng có thể ứng dụng KHCN để tham gia ĐMST. Như chúng ta thấy, công nghệ hiện nay chủ yếu là công nghệ số, hoặc dựa trên công nghệ số, ĐMST hiện nay thì cũng chủ yếu là ĐMST số. CĐS tạo ra môi trường và công cụ để hiện thực hóa nhanh chóng các ý tưởng, giải pháp ĐMST.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt chủ đề CĐS cho năm 2025: CĐS toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng CĐS, KTS có thể đóng góp tới 3% vào tăng trưởng GDP hằng năm của các nước đang phát triển. Tăng trưởng kinh tế dựa trên các yếu tố truyền thống đã dần tới hạn, bởi vậy, phải tìm các động lực mới, đó là CĐS và KTS. Đẩy nhanh CĐS lúc này có ý nghĩa quyết định cho tăng trưởng cao về kinh tế, đặc biệt là đối với phần tăng thêm trên 7%. Tăng 7% là bằng các động lực cũ, tăng trên 7% phải dựa trên các động lực mới, nhất là KHCN, ĐMST, CĐS và KTS.

Chúng ta sẽ triển khai định hướng này trong kế hoạch hành động năm 2025 của Ủy ban Quốc gia về CĐS, với cách làm mới. Thứ nhất, đặt mục tiêu cao để tìm giải pháp, cách làm đột phá, để tìm ra người tài, để tạo ra sự phát triển bứt phá. Thứ hai, các nhiệm vụ phải được lượng hóa thành mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Ba là giao nhiệm vụ cho người đứng đầu phụ trách trực tiếp. Thứ tư, nhiệm vụ sẽ đi kèm phân bổ nguồn lực phù hợp để triển khai. Thứ năm, xây dựng công cụ đo lường trực tuyến kết quả thực hiện theo quí, năm, định kỳ đánh giá và công bố công khai. Thứ sáu, kết quả thực hiện là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là với người đứng đầu.

Về một số nhiệm vụ quan trọng ngay trong đầu năm 2025:

1- Các bộ ngành và địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 57;

2- Thuê trung tâm điện toán đám mây dùng riêng cho chính phủ để hỗ trợ nhanh các dự án CĐS khi Trung tâm dữ liệu quốc gia chưa xong, xây dựng trung tâm tính toán AI hiệu năng cao dùng chung để hỗ trợ phát triển công nghệ và các ứng dụng AI;

3- Tất cả các bộ ngành, địa phương hoàn thành trung tâm điều hành thông minh để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu, và kết nối với Trung tâm điều hành của Chính phủ;

4- Các bộ ngành và địa phương xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành đã công bố, đặc biệt là CSDL đất đai;

5- Các nhà mạng phủ sóng 5G toàn quốc, nâng gấp ba tốc độ di động.

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-kinh-te-so-la-dong-luc-moi-cho-tang-truong-kinh-te-nam-2025-2369242.html
Zalo