Chuyển đổi số khác biệt, thay đổi cuộc sống người dân Quảng Nam

Chuyển đổi số đã mang lại nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của người dân và trong hoạt động của các cơ quan hành chính tại Quảng Nam...

Anh Trần Thái Vũ (trú thôn Đại An, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) thực hiện khai báo, xác thực hồ sơ ở nhà mà không phải lên UBND xã chờ đợi như trước đây.

Anh Trần Thái Vũ (trú thôn Đại An, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) thực hiện khai báo, xác thực hồ sơ ở nhà mà không phải lên UBND xã chờ đợi như trước đây.

Ngồi nhà làm thủ tục hành chính, chờ thông báo tới lấy hồ sơ

Với nghề chính là làm nông, hằng ngày phải vật lộn với mưu sinh, đồng áng nên trước đây mỗi khi phải để làm thủ tục hồ sơ, chứng thực giấy tờ... vợ chồng anh anh Trần Thái Vũ (SN 1984, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) "vật lộn" chuẩn bị các loại giấy tờ, bỏ công, bỏ việc lên UBND xã chờ đợi hàng giờ đồng hồ để làm các thủ tục. Chưa kể nhiều thủ tục hành chính không thể xử lý xong trong một lần mà phải mất nhiều lần đi lại khiến vợ chồng anh mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới công việc.

Tuy nhiên, kể từ khi được Tổ chuyển đổi số cộng đồng (CĐSCĐ) của xã hướng dẫn sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến, cài đặt định danh điện tử VneID..., cuộc sống và công việc của anh thuận lợi hơn rất nhiều so với trước.

"Từ khi khai báo định danh điện tử mức 2 trên VneID và ứng dụng chuyển đổi số, các thủ tục hành chính được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng. Giờ muốn xác thực hồ sơ, chứng thực giấy tờ, làm giấy xác nhận cho con đi học... tôi không cần phải bỏ việc lên UBND xã chờ đợi hàng giờ đồng hồ như trước đây mà chỉ cần ở nhà thao tác trên điện thoại. Xong xuôi cán bộ xã báo tin, mình chỉ cần chạy lên xã lấy kết quả", anh Vũ nói.

Còn anh Nguyễn Anh Tài, trú thôn Hà Dục Tây, xã Đại Lãnh cách UBND xã chừng 2km cho biết từ khi được UBND xã hỗ trợ chuyển đổi số, công việc rất suôn sẻ. Đặc biệt việc tích hợp cài đặt VneID, thẻ bảo hiểm, giải quyết hồ sơ công, thanh toán không dùng tiền mặt... giúp công việc thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân.

"Sau khi tích hợp ứng dụng, các khoản chi trả như tiền điện, tiền nước, tiền phí vệ sinh, mua phân bón... tất cả đều tự động qua tài khoản ngân hàng, mà không phải đi trực tiếp như trước. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng đã sử dụng mã QR để thanh toán khi đi mua sắm giúp người dân thanh toán an toàn và tiện lợi", anh Tài nói.

 Bà Lương Thị Danh, Phó Chủ tịch xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Bà Lương Thị Danh, Phó Chủ tịch xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Bà Lương Thị Danh, Phó Chủ tịch xã Đại Lãnh, cho biết Đại Lãnh là xã miền núi với hơn 8 nghìn nhân khẩu, 50% trong đó sống bằng nghề nông nên thực hiện công tác chuyển đổi số tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, mô hình "Tích hợp zalo từ xã đến thôn" đã giúp người dân và chính quyền gắn kết chặt chẽ. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền hiệu quả, đời sống người dân thuận tiện, an toàn hơn.

Theo bà Danh, tới nay 100% hộ dân trong xã đã có tài khoản Zalo để kết nối trong thôn xóm và tiếp nhận các thông tin từ chính quyền các cấp. Xã cũng thí điểm thành công chi trả chính sách không dùng tiền mặt cho người dân và thanh toán không dùng tiền mặt cho các tiểu thương; 89,7% người dân sử dụng tài khoản thẻ ngân hàng và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

"Trong thời gian tới, xã phấn đấu trên 95% người dân đến độ tuổi trưởng thành dùng điện thoại thông minh sử dụng app Smart Quang Nam (ứng dụng Công dân số của tỉnh Quảng Nam); 100% đối tượng được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp trên địa bàn xã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt...

Đặc biệt, xã sẽ vận động người dân đăng ký sử dụng chữ ký số để thuận lợi trong thực hiện các hồ sơ giao dịch dân sự. Phấn đấu trên 70% người dân sử có chữ ký số, 95% người dân đến độ tuổi trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 được tích hợp đầy đủ các giấy tờ tùy thân...", bà Danh cho hay.

Cách Đại Lãnh không xa, chuyển đổi số cũng tác động lớn tới đời sống của người dân xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc. Ngoài hỗ trợ người dân sử dụng VneID, sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, các Tổ chuyển đổi số cộng đồng của xã Đại Hưng còn hỗ trợ, hướng dẫn các hộ nông dân sử dụng mạng xã hội để quảng bá hàng hóa, livestream bán hàng, đưa nông sản lên zalo, facebook, sàn thương mại điện tử... Các hoạt động trên của Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã giúp bà con nông dân xã Đại Hưng tiêu thụ số lượng hàng nông sản rất lớn, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bí quyết chuyển đổi số giúp Quảng Nam vươn mình

Câu chuyện chuyển đổi số mang lại nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của người dân của huyện Đại Lộc là điểm sáng trong "bức tranh" chuyển đổi số hiệu quả của tỉnh Quảng Nam. Tính đến cuối tháng 10/2024, Quảng Nam đã vươn lên xếp vị thứ 13 cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, tăng 10 bậc so với trước.

 Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội nghị chuyển đổi số

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội nghị chuyển đổi số

"Hiện nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh Quảng Nam đạt trên 90%. Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ TT&TT, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2023 đạt 8,76% và trên 50% người dân có tài khoản thanh toán trực tuyến", ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Nói về bí quyết để Quảng Nam tạo ra những đột phá trong chuyển đổi số, ông Hồ Quang Bửu cho biết Quảng Nam đã chọn hướng đi "từ dưới lên" trong quá trình chuyển đổi số. Cách tiếp cận từ cơ sở, cấp huyện, xã là hướng đi riêng và phù hợp với đặc thù của một tỉnh có diện tích rộng lớn và địa hình đa dạng, có cả vùng sâu và miền núi.

"Việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở cơ sở là cách tiếp cận gần dân nhất để mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người dân thông qua Tổ chuyển đổi số cộng đồng. Từ đó từng bước đối mới công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân và địa phương", ông Bửu nói và cho biết tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh Quảng Nam có 1.238 Tổ chuyển đổi số cộng đồng/1240 thôn (đạt tỷ lệ 99,8%), với gần 7.500 thành viên.

 Nhờ ứng dụng số, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Nam đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhờ ứng dụng số, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Nam đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người", Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã trở thành lực lượng tiên phong trong việc triển khai chuyển đổi số của tỉnh Quảng Nam. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận.

"Có thể nói Tổ chuyển đổi số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chuyen-doi-so-khac-biet-thay-doi-cuoc-song-nguoi-dan-quang-nam-post181898.html
Zalo