Chuyển đổi số đã 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người'
Sáng 19-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, thế giới đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng tốt. Năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số; năm 2021 đứng thứ 3 và 2 năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ nhất. Báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP…
Đối với Tuyên Quang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương. Trong 6 tháng đầu năm duy trì, phát triển 9 mô hình chợ 4.0; hỗ trợ cho hơn 20.000 thuê bao điện thoại của các hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng dịch vụ theo chương trình viễn thông công ích; hơn 11.000 tài khoản ngân hàng được mở cho người dân hưởng an sinh xã hội; gần 2.000 tài khoản được mở cho người dân hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 100% cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục ứng dụng thẻ CCCD thay thế BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT; 100% trường trung học và cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng học bạ điện tử đối với học sinh các lớp đầu cấp...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Dữ liệu của các cơ quan, đơn vị còn phân tán hoặc lưu trữ trên giấy, chưa được chỉnh lý, số hóa, kết nối về kho dữ liệu chung. Một số dữ liệu do tỉnh đầu tư thực hiện nhưng lại được lưu trữ tại các bộ, ngành nên tỉnh không được chủ động trong việc khai thác.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ các Cơ sở dữ liệu/Hệ thống thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn; kỹ thuật về kết nối, tích hợp các API mới chiếm nhiều thời gian để phân tích, lập trình do việc liên quan đến nhiều bên tham gia, công tác phối hợp không có quy chế, quy định.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích đánh giá tình hình chuyển đổi số thời gian qua, kết quả, thành tựu, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia. Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”, kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội.
Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải thống nhất tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để cùng nhau hành động, nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, khả thi, tổ chức thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới và giao tránh nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc nâng cao hiệu quả CĐS trong thời gian tới.
Đồng thời yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.