Chuyển đổi số, cơ hội giảm úng ngập tại đô thị

Hà Nội đặt mục tiêu trở thành thành phố thông minh với môi trường sống chất lượng, tiện ích, an toàn thân thiện. Hệ thống thoát nước thông minh là một cấu phần trong đó; có thể giúp cho công tác quy hoạch, thiết kế và quản lý, vận hành hệ thống thoát nước hiệu quả, kiểm soát và cảnh báo úng ngập.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thoát nước thì trước hết cần xây dựng cơ sở dữ liệu về của hệ thống thoát nước nói riêng, hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung và sự thay đổi trong tư duy của người quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.

Việc xây dựng các app để cập nhật những thông tin về dự báo, cảnh báo về nguy cơ úng ngập trong điều kiện thời tiết cực đoan là điều cần thiết

Việc xây dựng các app để cập nhật những thông tin về dự báo, cảnh báo về nguy cơ úng ngập trong điều kiện thời tiết cực đoan là điều cần thiết

Hà Nội đặt mục tiêu trở thành thành phố thông minh với môi trường sống chất lượng, tiện ích, an toàn thân thiện cho mọi người. Hệ thống thoát nước thông minh là một cấu phần trong đó. Hệ thống thoát nước chỉ “thông minh” là hệ thống thoát nước sử dụng công nghệ cho phép kiểm soát được úng ngập, ô nhiễm đảm bảo việc thoát nước được hiệu quả, bền vững, thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Ở đó, các cơ quan quản lý, vận hành hệ thống thoát nước có thể đưa ra được những dự báo, cảnh báo kịp thời trước những điều kiện thời tiết bất thường và có giải pháp ứng phó kịp thời

Để thực hiện chuyển đổi số được hiệu quả, trước hết phải có hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác của hệ thống thoát nước.

Muốn làm được điều này, cần số hóa bản đồ về sử dụng đất, cập nhật năng lực hệ thống cống thoát nước, kênh mương, các trạm bơm, các lưu vực thoát nước, các điểm xả thải công nghiệp, vị trí các ao, hồ, thảm thực vật, công trình ngầm, số lượng dân cư.

Các dữ liệu này, cần được thường xuyên cập nhật nếu có các dự án cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước hay khi có thêm các dự án chung cư, tòa nhà cao tầng ở các khu vực này.

Hệ thống dữ liệu này, cũng sẽ được cập nhật thông tin theo thời gian thực từ các thiết bị đo mưa, đo mực nước ở trên thượng nguồn, mực nước ở đầu tiếp nhận, có kết nối với thông tin về thời tiết khí tượng thủy văn…

Từ những thông tin đầu vào, qua việc sử dụng AI, các nhà quản lý sẽ đưa ra những giải pháp quản lý, kiểm soát tình trạng úng ngập chính xác, hiệu quả; đưa ra những cảnh báo sớm khi có thời tiết cực đoan.

Chính quyền địa phương, dựa trên Kịch bản Biến đổi khí hậu năm 2020 của Bộ Tài nguyên và môi trường để xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng của địa phương theo từng khu vực và xây dựng bản đồ nguy cơ ngập úng trong 5-10 năm, để đưa ra những kịch bản ứng phó phù hợp.

Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ đầy đủ và chính xác hơn nếu trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu, các đơn vị cùng sử dụng chung một ngôn ngữ, để có thể kết nối chia sẻ với nhau.

Trong hạ tầng đô thị, các vấn đề về cấp nước, thoát nước, giao thông, môi trường, rác thải có mối quan hệ mật thiết với nhau

Trong hạ tầng đô thị, các vấn đề về cấp nước, thoát nước, giao thông, môi trường, rác thải có mối quan hệ mật thiết với nhau

Việc xây dựng các app để cập nhật những thông tin về dự báo, cảnh báo về nguy cơ úng ngập trong điều kiện thời tiết cực đoan là điều cần thiết hoặc thông qua tin nhắn, giúp người dân điều chỉnh kế hoạch đi lại, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thoát nước là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên để thực hiện được hiệu quả, chính quyền các địa phương, trong đó có Hà Nội xác định rõ mục tiêu cần phải kiểm soát úng ngập, ô nhiễm đem lại cho đời sống của người dân tại các đô thị được tốt hơn, từ đó có sự ưu tiên về nguồn lực cho chuyển đổi số của thoát nước.

Việc thành lập một Trung tâm dữ liệu về hạ tầng đô thị của thành phố là một giải pháp căn cơ cho quá trình phát triển đô thị thông minh.

Các Sở ban ngành cũng sớm đẩy nhanh việc số hóa dữ liệu, đồng thời chuyển đổi số trong quản lý, vận hành và kết nối liên thông giữa các ngành liên quan. Trong đó khâu quy hoạch và phát triển đô thị cần phải gắn kết với phát triển hạ tầng thoát nước.

Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh đầu tư về công nghệ hiện đại, cũng cần nâng cao trình độ nhân lực trong quản lý, vận hành hệ thống thoát nước theo công nghệ mới để từ đó đưa ra những giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời.

Theo các chuyên gia, trong hạ tầng đô thị, các vấn đề về cấp nước, thoát nước, giao thông, môi trường, rác thải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Phát triển đô thị thông minh nói chung và hệ thống thoát nước thông minh không nên làm từ từng sở, ban ngành, từng doanh nghiệp mà tổ chức liên ngành.

Thành lập Tổ hạ tầng thông minh khi xây dựng thành phố thông minh là điều cần làm. Từ dữ liệu chung của thành phố về điện, nước, chiếu sáng, Tổ hạ tầng thông minh liên ngành sẽ cùng đưa ra những những giải pháp của dịch vụ hạ tầng.

Chỉ khi có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành quy hoạch đô thị, cấp thoát nước, giao thông, có những dự báo kịp thời mới có thể giúp thành phố chủ động ứng phó, người dân được cảnh báo kịp thời, hạn chế những thiệt hại do úng ngập gây ra.

Hải Hà/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-co-hoi-giam-ung-ngap-tai-do-thi-post1114275.vov
Zalo