Chuyển đổi số - 'chìa khóa' tạo sức hút cho ngành du lịch

Ngành du lịch phục hồi ngoạn mục trong năm 2024 và là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, góp phần quan trọng trong thành tựu của Ngành du lịch không thể không nhắc đến chuyển đổi số.

Khách du lịch trải nghiệm ứng dụng thực tế ảo tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Khách du lịch trải nghiệm ứng dụng thực tế ảo tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Du lịch có thể tăng trưởng 2 con số nhờ chuyển đổi số

Trong năm 2024, Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm 2023, tổng doanh thu 850.000 tỷ đồng, tăng 23,8%, khách nội địa đạt 110 triệu lượt.

Nhờ chuyển đổi số, ngành du lịch chuyển hướng từ (doanh nghiệp với doanh nghiệp) B2B sang (doanh nghiệp với người tiêu dùng - khách du lịch) B2C, giảm bớt lữ hành trung gian, văn phòng đại diện, do khách đặt tour ngay trên không gian số.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hồ An Phong nhận định: Với du lịch, chuyển đổi số là đi đầu, tất yếu và khách quan. Khi ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng thông minh… du lịch sẽ phát triển rất nhanh và bền vững.

Nhờ có những chủ trương, chỉ đạo quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số du lịch năm nay có nhiều khởi sắc. Các địa phương có nhiều mô hình hay và phong phú, cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch với hàm lượng công nghệ hiện đại.

Cũng trong năm 2024, Bộ VHTT&DL tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách.

Nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch; Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả điểm đến du lịch thông minh; ban hành Tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số du lịch.

Bộ cũng đang thực hiện ba dự án: số hóa di sản, du lịch thông minh và trung tâm điều hành của Bộ. Ngoài ra, tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, nền tảng mạng xã hội, ký kết hợp tác để kết nối du lịch thông minh trên toàn thế giới.

Chuyển đổi số thúc đẩy du lịch Thủ đô tăng trưởng

Nếu như TP Hồ Chí Minh ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên iOS, Android, triển khai ứng dụng 3D tái hiện không gian thành phố trên cao. Đà Nẵng tích cực sử dụng thực tế ảo, VR360, thuyết minh tự động hai ngôn ngữ… Thì Hà Nội cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tăng trưởng hơn nữa lượng khách du lịch đến Thủ đô.

Theo đó, tại các di tích nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, và Nhà tù Hỏa Lò… đã triển khai hệ thống vé điện tử; hệ thống hỗ trợ thuyết minh đoàn qua công nghệ giao tiếp không dây; ứng dụng các công nghệ số hóa như: công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR… Hay việc sử dụng mã QR để hướng dẫn thông tin chi tiết cho du khách cũng đã trở thành một phương pháp thông dụng.

Du khách sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Du khách sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Chị Vũ Phương Thu, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tại Nhà tù Hỏa Lò là trải nghiệm rất thú vị. Tôi có thể chủ động nghe kỹ những thông tin mình quan tâm kết hợp với việc tham quan tại đây".

Nhờ vào chuyển đổi số, quá trình mua vé và trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn đã trở nên thuận tiện hơn, giảm thời gian chờ đợi cho du khách. Hệ thống thuyết minh tự động và ứng dụng công nghệ thực tế ảo tại các điểm đến cũng đã giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách…

Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội còn xây dựng bản đồ số du lịch bằng nhiều thứ tiếng. Qua đó, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin và lên kế hoạch cho chuyến tham quan. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch cũng đã được hoàn thiện, bao gồm thông tin về khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lưu trú và các sản phẩm du lịch khác.

Nhờ những nỗ lực của ngành du lịch, trong đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã góp phần làm khởi sắc du lịch Thủ đô khi đã đón được lượng khách vượt chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, năm 2024 ngành du lịch Hà Nội đón 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó, đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023.

Đáng chú ý là việc Hà Nội đón những đoàn khách quốc tế lớn, trong đó, đoàn gần 5.000 khách Ấn Độ - một thị trường mới nhưng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.

Lượng khách chọn Hà Nội làm điểm đến tăng cao khiến tổng thu từ khách du lịch năm nay đạt 103,74 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 62%; tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành du lịch mà còn góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng trong mắt du khách quốc tế.

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-chia-khoa-tao-suc-hut-cho-nganh-du-lich.html
Zalo