Chuyển đổi số, bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về chuyển đổi số (CĐS) đã tạo 'cú hích' lớn trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. CĐS không còn là câu chuyện riêng của ngành chuyên môn, những người trẻ, tri thức tiên phong mà tác động trực tiếp, toàn diện lên mọi mặt của đời sống xã hội, mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả, góp phần đưa Hà Giang bắt kịp với xu thế hội nhập và phát triển.
Xác định rõ vai trò của CĐS đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo; thành lập Ban chỉ đạo CĐS từ tỉnh đến cơ sở; ký kết thỏa thuận hợp tác CĐS với các tập đoàn công nghệ và viễn thông lớn. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực, nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn về CĐS cho cán bộ các cấp được triển khai; nhiều lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đăng tải, quảng bá sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT); truyền thông trên nền tảng số được đổi mới, tạo lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội với nhiều kết quả nổi bật.
Đối với chính quyền số, tỉnh duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước với quy mô 236 điểm; triển khai hệ thống giám sát băng thông, kết nối, tổ chức các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp; đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật cho các cấp, ngành, đơn vị phục vụ CĐS; đầu tư Trục chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh; thực hiện số hóa hồ sơ hộ tịch tại các địa phương; hoàn thành rà soát, cập nhật thông tin, cung cấp dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người tham gia BHXH, BHYT; đơn giản hóa, rút ngắn 30% thời gian giải quyết đối với 273 thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên 1.830 thủ tục; duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống thư điện tử công vụ; 100% lãnh đạo có thẩm quyền ký các cấp trong hệ thống chính trị được trang bị chữ ký số chuyên dùng.
Về kinh tế số, có 117.881 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn TMĐT; 100% sản phẩm OCOP được đăng tải trên sàn TMĐT; trong năm có trên 3.000 giao dịch trên sàn TMĐT, giá trị giao dịch trên 3 tỷ đồng. Tỉnh triển khai mô hình chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; có 85% trường học công khai số tài khoản để thu, nộp tiền trực tuyến; thí điểm không dùng tiền mặt với trên 50.710 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; trên 80% lượt người khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tra cứu BHYT qua thẻ CCCD thành công. 100% doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử; có trên 1.610 doanh nghiệp, HTX đăng ký nộp thuế điện tử; 63,5% dân số trên 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng.
Đối với xã hội số, tỉnh đầu tư hạ tầng mạng viễn thông và công nghệ thông tin phủ rộng, toàn tỉnh có 2.833 trạm thu phát sóng (BTS); tỷ lệ thôn được phủ sóng di động đạt trên 98%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt trên 80%; có 421 cơ sở giáo dục, trạm y tế, điểm cung cấp dịch vụ internet băng rộng cho cộng đồng dân cư đủ điều kiện nhận hỗ trợ sử dụng dịch vụ internet băng rộng cố định; chú trọng phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tỉnh Hà Giang. Truyền thông số phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Hà Giang với bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó thu hút đầu tư và khách du lịch.
Không gian số kéo gần khoảng cách về địa lý, chỉ cần ngồi ở nhà, có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet là mọi thứ đều có thể được mang tới tận nơi, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại và nhiều tiện ích khác. Việc kê khai các thủ tục hành chính cũng rất tiện lợi, khi nhập đủ dữ liệu, người dân hoàn toàn có thể gửi hồ sơ đi và kiểm soát được hồ sơ của mình đang được cơ quan, đơn vị nào xử lý. Hay khi các phần mềm hỗ trợ đặt vé, đặt phòng khách sạn, phương tiện di chuyển nở rộ, khách du lịch có thể khám phá, tìm hiểu điểm đến ngay tại nhà và thực hiện các thao tác đặt phòng, vé máy bay, vé tham quan cho cả hành trình.
Mục đích chính của CĐS là giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Từ CĐS sẽ tạo ra bước đột phá, giá trị to lớn, thúc đẩy phát triển KT- XH, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Hà Giang, kết quả nổi bật của CĐS minh chứng những cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân trong nỗ lực, chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0.