Chuyển đổi năng lượng xanh - Bài 1: Nhiệt điện than tăng cường kinh tế tuần hoàn

Trong khi chờ lộ trình chuyển đổi nhiên liệu trong các nhà máy nhiệt điện than được ban hành, doanh nghiệp đã tăng cường đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.

30% lượng carbon phát thải từ nhiệt điện than

Cả nước hiện có 31 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, chiếm hơn 31% công suất và gần 50% tổng sản lượng điện sản xuất của toàn quốc.

Hiện sản xuất điện là nguồn phát thải carbon lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải do còn nhiều nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, với cơ chế phát thải trong quá trình sản xuất, nhiệt điện than đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại với tổ máy số 1 đã vận hành gần 40 năm đang nằm trong danh sách đề nghị "dừng hoạt động" khi đủ 40 năm theo Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Thu Hường

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại với tổ máy số 1 đã vận hành gần 40 năm đang nằm trong danh sách đề nghị "dừng hoạt động" khi đủ 40 năm theo Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Thu Hường

Trước hết, nguồn cung năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, trữ lượng than khai thác trong nước từ lâu đã không đủ để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu. Hiện Việt Nam chủ yếu phải dựa vào nhập khẩu than (than bitum) với trữ lượng lớn để đáp ứng cho việc vận hành hệ thống nhà máy nhiệt điện cả nước.

Về phát thải, do nhu cầu điện năng phục vụ đời sống và sản xuất ngày càng cao, các nhà máy nhiệt điện hoạt động với công suất lớn nên số lượng tro, xỉ phát thải từ quá trình sản xuất điện có xu hướng ngày càng tăng qua các năm.

Báo cáo của Bộ Xây dựng tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày 13/7/2024 cho thấy, năm 2019, tổng lượng tro, xỉ phát thải sau quá trình đốt than tại các nhà máy nhiệt điện là 13,6 triệu tấn; năm 2020 là 14,8 triệu tấn; năm 2021 là 16,35 triệu tấn; năm 2022 là 15,78 triệu tấn và năm 2023 là hơn 18,07 triệu tấn.

Được xem là nguồn phát thải lớn, Quy hoạch Điện VIII đã đề ra định hướng chỉ thực hiện tiếp các dự án nhiệt điện than đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Cùng với đó, sẽ thực hiện chuyển đổi từ nhiên liệu than sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

Từ thực tế đó cho thấy, chuyển dịch năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tuy nhiên, với tỷ trọng cao trong tổng điện năng sản xuất của cả nước, việc thay thế hoàn toàn nhiệt điện than không phải là bài toán dễ dàng, vì vậy, song song với cách giải pháp chuyển dịch năng lượng, nhiệt điện than cũng đang chủ động thay đổi để thích ứng với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Hiện, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, “xanh hóa” các nhà máy điện than hiện hữu, sau năm 2030 không đầu tư mới các nhà máy nhiệt điện than và từ năm 2050 không còn sử dụng than để phát điện.

Nhiệt điện than tăng cường kinh tế tuần hoàn

Trong khi chờ có một lộ trình và những quy định đảm bảo cho chuyển đổi xanh tại các nhà máy nhiệt điện than được thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo cả yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội, thì để giảm phát thải, đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện, từ năm 2017, Việt Nam đã thực hiện giải pháp kinh tế tuần hoàn, sử dụng tro xỉ phát thải sau quá trình đốt than thành vật liệu cho ngành xây dựng.

Giải pháp này được thể chế hóa thông qua Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Hệ thống silo rót xỉ trực tiếp vào xe bồn tại Nhiệt điện Duyên Hải. Ảnh: Thu Hường

Hệ thống silo rót xỉ trực tiếp vào xe bồn tại Nhiệt điện Duyên Hải. Ảnh: Thu Hường

Để Đề án thực sự được triển khai có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Đây là văn bản quan trọng, định hướng hầu hết hoạt động xử lý tro, xỉ nhiệt điện.

Với sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, hiện nay việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, về cơ bản các doanh nghiệp đã tiêu thụ hoàn toàn lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh hàng ngày và giải phóng một phần lượng tro, xỉ, thạch cao tại bãi chứa. Đáng chú ý, tình hình tiêu thụ tro, xỉ nhiệt điện trên phạm vi cả nước có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây và từng bước tiệm cận với mức phát thải.

Báo cáo của Bộ Xây dựng khẳng định, lượng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện được tiêu thụ năm 2019 là 50%; năm 2020 là 60%; năm 2021 là 87% và năm 2022 là 105,7%.

Riêng năm 2023, lượng tro, xỉ được tiêu thụ toàn quốc đạt hơn 18,01 triệu tấn, tương đương 99,6% tổng lượng phát thải trong năm. Đặc biệt, 12 nhà máy nhiệt điện của EVN tiêu thụ khoảng 8,9 triệu tấn, đạt 118,2% lượng phát thải trong năm. Lũy kế đến cuối năm 2023, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 83 triệu tấn, chiếm khoảng 66,2% tổng lượng phát thải từ trước tới nay, tăng hơn 10,4% so với thời điểm cuối 2022. Tổng khối lượng tro, xỉ lưu còn giữ tại bãi chứa của các nhà máy hiện nay là 46,4 triệu tấn.

Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã tổ chức hội nghị xúc tiến và gặp gỡ khách hàng tiêu thụ tro, xỉ để thu hút, tìm kiếm các đối tác có tiềm năng mới. Ảnh: Minh Cương

Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã tổ chức hội nghị xúc tiến và gặp gỡ khách hàng tiêu thụ tro, xỉ để thu hút, tìm kiếm các đối tác có tiềm năng mới. Ảnh: Minh Cương

Tro, xỉ sử dụng nhiều nhất trong các lĩnh vực làm vật liệu san lấp, phụ gia khoáng cho xi măng, sau đó là dùng làm phụ gia bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt).

Đồng thời, tro, xỉ được dùng để thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây (nung và không nung). Mới đây, một số địa phương đã đề xuất sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp các dự án giao thông và hạ tầng khu công nghiệp. Sáng kiến này không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt vật liệu san lấp hiện nay mà còn có thể góp phần giảm thiểu tác động môi trường từ việc tích tụ tro, xỉ tại các nhà máy.

Đối với khí thải phát sinh trong quá trình đốt than, Việt Nam đang thực hiện đẩy mạnh tìm kiếm giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này với sự hỗ trợ của các Chính phủ, tổ chức trong và ngoài nước.

Từ đầu năm 2023, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Năng lượng Việt Nam (IOE) đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá các kịch bản chuyển đổi năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam, tập trung vào ba nhà máy: Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong. Qua đó có được thông tin tổng quát và cập nhật mới nhất về quá trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế về công nghệ tốt nhất hiện có, về chi phí, lợi ích và tác động tiềm tàng của quá trình chuyển đổi.

Theo đó, tại cuộc họp kỹ thuật về Đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than ở Việt Nam đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 của Viện Năng lượng và UNDP diễn ra vào giữa tháng 4/2024, báo cáo của Viện Năng lượng chỉ rõ: Các kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050 được xem là một trong những giải pháp đóng vai trò hết sức quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Theo đó, các kịch bản chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam bao gồm: Chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng xanh (sinh khối, amoniac xanh, hydro xanh, khí thiên nhiên); chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang nhà máy lưu trữ, bù công suất, điện linh hoạt, điện hạt nhân; đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả.

Đánh giá của các tổ chức quốc tế khẳng định, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong hơn 2 thập kỷ qua, trong đó, than vẫn là nhiên liệu chính để sản xuất điện năng trong nước, chiếm một nửa nguồn cung cấp điện.

Sự phụ thuộc vào sản xuất điện từ than đặt ra những thách thức đáng kể cho quá trình khử cac-bon trong ngành năng lượng của Việt Nam. Khi Việt Nam nỗ lực đạt được mục tiêu toàn cầu do Thỏa thuận Paris đặt ra, điều bắt buộc là phải tìm ra các con đường dẫn tới mức phát thải ròng bằng “0”.

Còn tiếp...

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-nang-luong-xanh-bai-1-nhiet-dien-than-tang-cuong-kinh-te-tuan-hoan-372752.html
Zalo