Chuyển đổi năng lượng vì một Việt Nam xanh và bền vững
Chuyển đổi năng lượng bền vững đang trở thành một yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia, nhằm giảm thiểu phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và thực hiện các cam kết dài hạn. Việt Nam coi chuyển đổi năng lượng không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để định hình một tương lai xanh, công bằng và bền vững cho mọi người dân.

Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, suy giảm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, chuyển đổi năng lượng không còn là một sự lựa chọn mang tính chủ động mà đã trở thành một yêu cầu cấp bách và không thể trì hoãn. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển năng động, đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ khi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Cam kết này đã và đang được cụ thể hóa bằng hàng loạt chính sách, chiến lược và hành động thiết thực. Bộ Công Thương cùng các cơ quan hữu quan đang đóng vai trò trung tâm trong việc định hình lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia – một hành trình đòi hỏi sự đổi mới tư duy, cải cách thể chế và huy động nguồn lực toàn diện.
BA ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC TRONG CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG
Chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chia sẻ ba định hướng quan trọng và những bài học thực tiễn từ hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam.
Thứ nhất, đổi mới sáng tạo – được xem là chìa khóa để vượt qua các thách thức và nâng cao hiệu quả chuyển đổi năng lượng. Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu – phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), lưới điện thông minh, hệ thống tích trữ năng lượng (BESS), và năng lượng hydrogen.
Tuy nhiên, để đổi mới thực sự phát huy hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ, bao gồm ưu đãi tài chính và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cùng với việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Trong quá trình này, con người vẫn là yếu tố trung tâm và quyết định.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác công – tư và hợp tác quốc tế. Chuyển đổi năng lượng không thể thành công nếu chỉ dựa vào một phía. Mô hình hợp tác công– tư là giải pháp hiệu quả để chia sẻ rủi ro, huy động nguồn lực tài chính tư nhân và tăng cường quy mô các dự án năng lượng bền vững. Đồng thời, việc tham gia các sáng kiến quốc tế như P4G giúp Việt Nam tiếp cận tài chính xanh, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.
Thứ ba, lấy con người làm trung tâm. Chuyển đổi năng lượng không chỉ là thay đổi về công nghệ mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng sống, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận năng lượng, với các chính sách hỗ trợ như tài chính vi mô để hộ dân tham gia vào năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng một hệ sinh thái phát triển toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau.
Trước thách thức cạn kiệt năng lượng hóa thạch và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, Ninh Thuận đang khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam. Với điều kiện tự nhiên nắng và gió dồi dào, địa phương này đã biến bất lợi thành lợi thế chiến lược, hướng tới xây dựng Trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh đã tiến hành quy hoạch, đề xuất đưa vào Quy hoạch điện 8 điều chỉnh gần 49.000 MW công suất tiềm năng từ nhiều loại hình như điện gió trên bờ, điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí LNG, thủy điện tích năng và điện mặt trời mái nhà.
THỰC TẾ TRIỂN KHAI TỪ ĐỊA PHƯƠNG
Theo định hướng của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tổng công suất tích lũy khoảng 6.500 MW, phấn đấu hình thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 2030, tổng công suất tích lũy dự kiến đạt khoảng 11.800 MW, hướng tới đưa Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng bền vững của đất nước.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 57 dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành thương mại với tổng công suất gần 3.750 MW. Mỗi năm, các dự án này đóng góp khoảng 8,7 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia, chiếm gần 7% tổng sản lượng điện phát từ năng lượng tái tạo cả nước – một minh chứng rõ rệt cho hiệu quả chuyển đổi năng lượng tại địa phương.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về giá điện cho các loại hình như điện gió, thủy điện tích năng; sớm thực hiện Quy hoạch điện 8 điều chỉnh và có kế hoạch triển khai cụ thể để các tỉnh có căn cứ. Địa phương này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp tài chính đổi mới như hoàn thiện cơ chế phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động phát thải, nhằm giúp các nguồn năng lượng sạch như LNG, hydro, điện khí... có khả năng cạnh tranh với nhiệt điện than.
Từ góc độ doanh nghiệp, chuyển dịch năng lượng không chỉ đơn thuần là thay đổi công nghệ mà là cả quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững. Quá trình này yêu cầu các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, năng lực đổi mới công nghệ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, bao gồm chính phủ, các tổ chức quốc tế, đối tác và cộng đồng. Để đạt được các mục tiêu này, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời đảm bảo yếu tố môi trường và phát triển kinh tế.
HÀNH ĐỘNG MẠNH MẼ TỪ DOANH NGHIỆP VÀ ĐỐI TÁC
Với vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong ngành năng lượng quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã chủ động triển khai các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ông Lê Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam
"Petrovietnam đã xây dựng và triển khai lộ trình chuyển dịch năng lượng, tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào chiến lược phát triển tổng thể của Tập đoàn. Đây là bước đi quan trọng trong việc giúp Việt Nam chuyển mình phát triển thành một nền kinh tế carbon thấp, góp phần vào việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Cùng với những nỗ lực trong áp dụng công nghệ và phát triển năng lượng sạch, Tập đoàn cũng tập trung vào tái cấu trúc chiến lược đầu tư, gia tăng tỷ trọng vào các lĩnh vực mới như điện khí LNG, năng lượng tái tạo, dịch vụ công nghệ cao và giải pháp năng lượng sạch. Điều này giúp Tập đoàn duy trì vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng LNG quốc gia và từng bước nội địa hóa chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi, thông qua năng lực chế tạo và thi công thiết bị ngoài khơi của các đơn vị thành viên".
Ông Lê Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam, cho biết một trong những giải pháp chủ đạo mà Petrovietnam triển khai là đổi mới công nghệ trong phát triển và sử dụng năng lượng. Tập đoàn đã áp dụng hệ thống quản trị dữ liệu tập trung và hệ thống giám sát sản xuất theo thời gian thực, giúp tối ưu hóa các quy trình vận hành và nâng cao hiệu quả sản xuất. Hơn nữa, việc ứng dụng AI trong bảo trì dự báo cũng đã giúp tăng cường khả năng vận hành linh hoạt và hiệu quả, đồng thời giảm thiểu chi phí và rủi ro...
Đặc biệt, Tập đoàn đã nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng sạch, như điện gió ngoài khơi, hydro xanh, amoniac xanh và công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), làm nền tảng cho chiến lược giảm phát thải trong dài hạn. Những dự án này không chỉ đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà còn tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, vai trò của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất quan trọng. Những doanh nghiệp này không chỉ mang đến vốn đầu tư mà còn chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và cam kết bền vững trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Ông Edwin Tan, Phó Tổng giám đốc, Frasers Property Vietnam & Giám đốc điều hành khối Bất động sản Công nghiệp Thị trường Đông Nam Á
"Frasers Property đang thúc đẩy các giải pháp sáng tạo cho quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, hỗ trợ mục tiêu không phát thải ròng đầy tham vọng của Việt Nam nhằm tạo ra tác động tích cực lâu dài. Trung tâm dịch vụ công nghiệp (ISC) của chúng tôi là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi xây dựng ISC trong mọi dự án phát triển công nghiệp của mình, là nơi cung cấp nhiều tiện ích đa dạng để làm phong phú thêm cuộc sống tại các khu công nghiệp.
Một trong những mục tiêu phát triển bền vững của chúng tôi là tài trợ phần lớn danh mục tài sản bền vững mới của mình bằng nguồn tài chính xanh và bền vững vào năm 2024. Cho đến nay, Tập đoàn đã bảo đảm được khoảng 15,1 tỷ đô la cho các khoản vay và trái phiếu xanh hoặc liên quan đến phát triển bền vững. Chúng tôi là một trong những đơn vị phát hành tài chính xanh và bền vững lớn nhất trong số các công ty SGX. Điều này khiến chúng tôi trở nên hấp dẫn hơn đối với số lượng ngày càng tăng các nhà đầu tư và đối tác xem xét các yếu tố ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Các ngân hàng cũng đã tăng tốc hỗ trợ mạnh mẽ cho các khoản vay xanh so với các khoản vay truyền thống như một phần trong cam kết của họ nhằm làm cho danh mục đầu tư của mình bền vững hơn".
Điển hình như Frasers Property Việt Nam - một trong những nhà đầu tư quốc tế đã có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp. Ông Edwin Tan, Phó Tổng giám đốc Frasers Property Việt Nam, cho biết từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, Frasers Property đã xác định rõ mục tiêu không chỉ phát triển kinh doanh, mà còn đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
“Frasers Property hướng đến lắp đặt 215 MW năng lượng tái tạo cho toàn bộ các dự án của mình vào năm 2030, với 15 MW lắp đặt tại Việt Nam. Công ty cũng cam kết đạt được chứng nhận xanh cho 100% diện tích sàn của các dự án phát triển mới và 85% diện tích các tài sản sở hữu, quản lý vào năm 2030”, ông Edwin Tan chia sẻ.
Không chỉ chú trọng phát triển các dự án xanh, Frasers Property còn tập trung tạo ra các giải pháp sáng tạo, nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng trong các khu công nghiệp. Trung tâm Dịch vụ công nghiệp (ISC) mà công ty phát triển là một ví dụ điển hình về việc tích hợp các giải pháp năng lượng thông minh và bền vững. ISC cung cấp các tiện ích như mái nhà lắp đặt pin mặt trời, đèn LED tiết kiệm điện, cùng với các trạm sạc xe điện và hệ thống quản lý năng lượng thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Từ những kết quả trên, Frasers Property Việt Nam không chỉ nhà đầu tư, mà còn là một đối tác chiến lược trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon và xây dựng một nền kinh tế xanh hơn.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2025 phát hành ngày 21/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1365
