Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn
Ngày 12.11, tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo thường niên về Phát triển bền vững với chủ đề 'Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn'.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh chia sẻ, trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như là một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu, với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Những sự chuyển đổi này không chỉ là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, mà còn là chiến lược quan trọng cho sự phát triển bền vững nền kinh tế.
Sự giao thoa giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo nên sức mạnh tổng hợp hỗ trợ lợi ích của cả hai. Chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hiện đại hóa nền kinh tế, mà còn cung cấp các công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong khi các hoạt động xanh có thể thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp số bền vững.
“Thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua chuyển đổi số thực sự đang mang đến cho Việt Nam cơ hội đặc biệt để đạt được sự phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Nhưng để có được kết quả như vậy, chúng ta cũng cần có một cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức cao về trách nhiệm, đồng thời tiên phong và tích cực hành động đổi mới sáng tạo, dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn về tài lực, nhân lực”, Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tại New Zealand, Tổng Lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam Scott James nhấn mạnh, môi trường không chỉ là một phần của New Zealand, mà còn là yếu tố cốt lõi cho nền kinh tế, văn hóa và lối sống của người dân. Sự bền vững là việc phải bảo vệ môi trường tự nhiên cho các thế hệ tương lai, đồng thời không đổi đánh đổi sự phát triển kinh tế, công nghiệp bằng sự môi trường của hành tinh.
Bằng cách đầu tư vào công nghệ và nghiên cứu, chúng tôi đang phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, giảm phát thải, cân bằng giữa năng suất và bảo vệ môi trường, bảo đảm cam kết của chúng tôi với năng lượng tái tạo và các lĩnh vực khác nữa. Ở các vực khác của chúng tôi như, thực phẩm, sợi, dệt… cũng được đầu tư công nghệ để truy xuất nguồn gốc, giảm tác động đến môi trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như thúc đẩy phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội… Đặc biệt, cần có chính sách với tầm nhìn sâu rộng, chú trọng bảo vệ môi trường, giảm tác động xã hội. Việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và thịnh vượng xã hội sẽ tạo ra động lực phát triển bền vững.
Nhận định về xu hướng chuyển đổi xanh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - TS. Lê Việt Anh cho rằng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Vấn đề chuyển đổi xanh đã được tích cực lồng ghép và thúc đẩy triển khai thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của quốc gia, ngành/lĩnh vực và địa phương. Theo đó, chuyển đổi xanh bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định…