'Chuyển đổi giao thông xanh, xu hướng không thể đảo ngược'

Tại tọa đàm 'Chuyển đổi giao thông xanh: Xu thế không thể đảo ngược' do Báo Lao Động tổ chức chiều 17/7, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược.

Nhằm loại bỏ dần ôtô, xe máy chạy xăng dầu gây ô nhiễm, từng bước chuyển đổi và phát triển giao thông xanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Gần đây, Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 được ban hành, yêu cầu các địa phương thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường.

Một trong những điểm đáng chú ý là Hà Nội được yêu cầu thực hiện lộ trình từ ngày 1/7/2026 không còn xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

TS. Khuất Việt Hùng tại buổi tọa đàm

TS. Khuất Việt Hùng tại buổi tọa đàm

Từ 1/1/2028, hạn chế ôtô cá nhân chạy xăng trong Vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, mở rộng áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chính sách đi vào cuộc sống, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức và thói quen của người dân.

Tại tọa đàm "Chuyển đổi giao thông xanh: Xu thế không thể đảo ngược" do Báo Lao Động tổ chức chiều 17/7, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng tại Tọa đàm, để thực hiện điều này, không chỉ có vai trò của chính quyền mà quan trọng là sự tham gia của người dân. Dù xe máy xăng hiện nay rất tiện lợi, dễ sử dụng, nhưng vì sức khỏe và môi trường, người dân cần sẵn sàng từ bỏ.

TS Hoàng Dương Tùng tại buổi tọa đàm

TS Hoàng Dương Tùng tại buổi tọa đàm

Ông Ngô Việt Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ôtô thể thao Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta đều cảm nhận rõ bầu không khí Hà Nội ngột ngạt ra sao trong những năm gần đây. Để thay đổi, chắc chắn cần từ bỏ sự tiện lợi vốn đã trở thành thói quen”.

“Hiện nay chỉ cần đi 300 - 500m cũng đi xe máy, trong khi hoàn toàn có thể đi bộ, dùng phương tiện công cộng hoặc chuyển sang phương tiện thân thiện môi trường”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng song song với phát triển phương tiện công cộng, Hà Nội cần tổ chức lại giao thông, bố trí trạm sạc và chỗ đỗ xe phù hợp. Hiện nhiều chung cư, tòa nhà văn phòng không cho phép để và sạc xe máy điện dưới tầng hầm do lo ngại an toàn. Xe máy điện phải để ngoài trời, gây bất tiện.

Ông Ngô Việt Dũng đồng thời nhận định, trong bối cảnh lượng xe máy điện tăng nhanh, Hà Nội cần sớm có giải pháp hạ tầng phù hợp.

TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, Hà Nội đã đưa ra các dự thảo hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy xăng. Theo đó, Thành phố dự kiến hỗ trợ tài chính trực tiếp để người dân yên tâm, cùng với các biện pháp cụ thể, thiết thực.

Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ, Hà Nội cũng đang tính đến việc tổ chức lại giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng.

TS. Khuất Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội bổ sung thêm: “Trước đây khi đi học, đi làm, đi chơi, đi ăn… đều quen dùng xe máy. Giờ chuyển đổi, cần phải suy nghĩ lại. Nhưng tất cả là vì lợi ích người dân, chúng ta nên làm”.

Ông Hùng dẫn chứng việc cấm nồng độ cồn trước đây từng gây phản ứng vì rượu bia là thói quen, nhưng qua thời gian, nhận thức người dân đã thay đổi. “Việc hạn chế xe máy xăng cũng vậy. Bây giờ có thể khó chịu, nhưng rồi sẽ thành quen”, ông nói.

TS. Khuất Việt Hùng cho biết hiện tuyến tàu điện Hà Nội vẫn còn dư địa tới 80%. Cùng với việc phát triển tàu điện, hạ tầng kết nối đã được cải thiện, giúp người dân dễ tiếp cận và gửi xe tại nhiều điểm. “Năng lực vận tải xe buýt của Hà Nội hiện không thua kém các đô thị lớn trên thế giới. Năm nay sẽ khởi công 2 tuyến đường sắt đô thị, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh rất nhanh”, ông nhấn mạnh.

Ông Hùng cũng đề xuất có thể quy hoạch khu vực Vành đai 1 thành vùng giới hạn tốc độ 30km/h, đồng thời phát triển hệ thống xe khách điện như loại đang chạy quanh Hồ Gươm, tạo vùng giao thông an toàn, thân thiện.

Ngô Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-giao-thong-xanh-xu-huong-khong-the-dao-nguoc-2423270.html
Zalo