Cấm xe máy chạy xăng trong vành đai 1 Hà Nội: Nên cho công chúng góc nhìn toàn diện hơn về chuyển đổi xanh

Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc kênh VOV giao thông, Đài tiếng nói Việt Nam, từ câu chuyện cấm xe máy chạy xăng trong vành đai 1, việc đầu tiên Hà Nội cần làm là đưa phương tiện giao thông cá nhân ra khỏi vùng lõi đô thị. Đó là tiền đề để tạo cơ hội cho sự phát triển của phương tiện công cộng, nhất là phương tiện công cộng xanh.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến. (Ảnh NVCC)

Nhà báo Phạm Trung Tuyến. (Ảnh NVCC)

Theo ông, “chuyển đổi xanh” cần được hiểu và truyền thông ra sao để trở thành một thay đổi tư duy toàn diện, không chỉ là về phương tiện?

Tôi cho rằng, chuyển đổi xanh là chuyển đổi lối sống, để ít làm tổn thương môi trường hơn. Cụ thể, trong câu chuyện về giao thông đô thị, chúng ta cần truyền thông để người dân thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng và lạm dụng phương tiện cá nhân, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường nhiều hơn.

Theo tôi, báo chí nên mang đến cho công chúng một góc nhìn toàn diện hơn về chuyển đổi xanh, để công chúng thấy được câu chuyện hạn chế, tiến tới cấm sử dụng xe máy, ô tô trong vùng lõi đô thị không phải là để thay xe xăng thành xe điện, mà để tạo ra cơ hội cho sự phát triển của phương tiện công cộng, phương tiện xanh.

Hà Nội đang có nhiều lợi thế như nguồn lực ngân sách, sự hậu thuẫn từ trung ương. Nhưng làm sao để những chính sách chuyển đổi xanh không chỉ dừng lại ở văn bản, mà thực sự đi vào đời sống, thành câu chuyện của từng người dân?

Tôi nghĩ, muốn chính sách trở thành câu chuyện của từng người dân thì trước tiên các chính sách đó phải được hình thành với mục đích giải quyết những vấn đề của người dân.

Ở câu chuyện chúng ta đang nói, vấn đề của người dân không chỉ đơn thuần là môi trường, mà còn là giải pháp di chuyển, vấn đề chi phí phương tiện…

Vậy nên, khi thực hiện chỉ thị 20 của Chính phủ, tôi nghĩ chính quyền thành phố Hà Nội cần tường minh lộ trình và giải pháp thực hiện của thành phố trên cơ sở thấu hiểu các vấn đề của người dân. Một lộ trình thực thi mạch lạc, thể hiện sự thấu hiểu của chính quyền thành phố với các vấn đề của người dân thì không khó để đạt được sự đồng thuận.

Ông hãy chia sẻ những kinh nghiệm từ quốc tế mà Hà Nội có thể học hỏi? Điều gì cần được “Việt hóa” để phù hợp với đặc thù văn hóa, xã hội của Thủ đô?

Nếu nói về kinh nghiệm quốc tế thì có không ít người biết và có thể chỉ ra, bởi vì nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã từng đối mặt với những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Tuy nhiên, không có một kinh nghiệm nào là hoàn hảo khi áp dụng vào các cộng đồng khác.

Câu chuyện giao thông và môi trường của Hà Nội rất phức tạp, luôn tạo ra sự xung đột giữa các mục tiêu. Cá nhân tôi cho rằng, việc đầu tiên Hà Nội cần làm là đưa phương tiện giao thông cá nhân ra khỏi vùng lõi đô thị. Đó là tiền đề để tạo cơ hội cho sự phát triển của phương tiện công cộng, nhất là phương tiện công cộng xanh. Cấm đoán là một cách cực đoan mà tôi nghĩ không nên áp dụng.

Thay vào đó, Hà Nội nên đầu tư xây dựng các tổ hợp dịch vụ ngoại vi, vừa là nơi mà người dân Hà Nội gửi phương tiện cá nhân, vừa tiếp cận phương tiện công cộng và các dịch vụ dân sinh thiết yếu. Đồng thời, cấm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường ở trong thành phố.

Hai giải pháp đồng hành, một trao thêm lựa chọn, một ức chế lựa chọn, sẽ khiến người dân dễ dàng chấp nhận việc mang xe ra ngoại vi.

Hà Nội nên sớm xây dựng một lộ trình hướng đến các mục tiêu mong muốn một cách mạch lạc. (Ảnh: Nguyễn Nga)

Hà Nội nên sớm xây dựng một lộ trình hướng đến các mục tiêu mong muốn một cách mạch lạc. (Ảnh: Nguyễn Nga)

Ông thấy đâu là “nút thắt” lớn nhất trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng về chuyển đổi xanh? Truyền thông và giáo dục có thể đóng vai trò như thế nào?

Truyền thông và giáo dục luôn có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là chất lượng và phương pháp truyền thông. Tôi cho rằng, các sản phẩm truyền thông hiện tại có chất lượng không cao.

Dưới góc nhìn của ông, Hà Nội cần những giải pháp đột phá nào để thực sự trở thành thành phố tiên phong trong chuyển đổi xanh, cả về hình thức và về chiều sâu tư duy?

Hà Nội nên sớm xây dựng lộ trình hướng đến các mục tiêu mong muốn một cách mạch lạc và lộ trình đó cần được thông tin đến công chúng đầy đủ bằng những sản phẩm truyền thông tốt. Theo tôi, đó sẽ là lộ trình đưa phương tiện cá nhân ra khỏi vùng lõi đô thị, lấp đầy nhu cầu đi lại của cư dân đô thị bằng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường, trả lòng đường và vỉa hè về đúng công năng, khuyến khích người dân đi bộ, và đi xe đạp nhiều hơn.

Thành phố có thể tổ chức “Ngày xe điện Hà Nội”, cho người dân thử xe miễn phí, cá nhân hóa xe bằng sticker (nhãn dán), màu sắc để thu hút giới trẻ. Tuyển “đại sứ xanh” từ shipper, sinh viên để họ chia sẻ trải nghiệm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như anh shipper quay video giao hàng bằng xe điện, vừa nhanh vừa tiết kiệm.

Dùng công nghệ thực tế ảo (VR) tại trung tâm thương mại, cho người dân thấy Hà Nội 2030 với không khí trong lành, đường phố hiện đại. Video ngắn trên TikTok, YouTube, với những người nổi tiếng kể chuyện sống xanh một cách gần gũi, sẽ dễ lan tỏa.

Ngoài ra, thành phố có thể tổ chức diễn đàn trực tuyến để dân góp ý, giúp người dân cảm thấy chính sách này là của họ và vì họ. Một chiến dịch như “Hà Nội xanh, tôi chọn điện” có thể đánh thức niềm tự hào địa phương, khiến dân chúng muốn đồng hành...

Tôi muốn nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không chỉ là thay xe, mà là thay đổi tư duy. Hà Nội có tiềm năng lớn, với ngân sách mạnh và sự ủng hộ từ trung ương. Nhưng cần đưa chỉ thị 20 trở thành câu chuyện của mỗi người dân.

Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký chỉ thị 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ giao thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Đây là lộ trình quyết liệt để đưa Thủ đô thành đô thị xanh, sạch, bớt khói bụi và ùn tắc. Nhưng để chính sách này đi vào đời sống, chắc chắn Hà Nội có rất nhiều việc cần làm, đặc biệt là làm sao để đưa lộ trình này thành câu chuyện của chính người dân, để họ thấy mình là nhân vật chính trong hành trình chuyển đổi xanh.

Bảo Thoa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cam-xe-may-chay-xang-trong-vanh-dai-1-ha-noi-nen-cho-cong-chung-goc-nhin-toan-dien-hon-ve-chuyen-doi-xanh-321771.html
Zalo