Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm gần đây, phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, các huyện miền núi tỉnh Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo, việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong hiện có hơn 2.550 hộ gia đình với 10.700 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào Chăm. Để thành công trong sản xuất, địa phương đã vận động nhân dân chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật- công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả để người dân học tập phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Mô hình trồng táo trong nhà màng là một điển hình.
Ông Kinh Văn Tập, thôn Lạc Trị là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng thanh long sang trồng cây táo xanh. Ông Tập gắn bó với cây táo được 4 năm nay. Theo ông Tập, trồng táo xanh không khó mà chi phí đầu tư ít hơn các loại cây trồng khác. Táo sau thời gian trồng khoảng 7 tháng là bắt đầu cho trái và trung bình mỗi năm cho 3 lứa trái. Cây táo có tuổi thọ cao, có cây lên đến vài chục năm nên thời gian khai thác kéo dài. Hơn hết cây táo rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Được biết, táo xanh ở Phú Lạc hiện được thị trường ưa thích bởi ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, trái to, giòn, ngọt đậm đặc trưng của xứ nhiều nắng. Với năng suất đạt từ 5 - 7 tấn/sào/năm cùng giá thu mua tại vườn dao động khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg, cây táo đang mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo UBND xã Phú Lạc, cây táo xanh đang dần chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng, mở ra một triển vọng mới cho nông dân trong vùng. Đến nay, năng suất và diện tích táo liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2020, diện tích trồng táo có 14 ha thì đến năm 2024 đã có 93 hộ chuyển đổi sang cây táo với diện tích 32 ha. Song song với phát triển diện tích, bà con nông dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng táo cho năng suất cao hơn, bằng cách trồng táo trong nhà màng kết hợp với hệ thống tưới phun, tiết kiệm nước. Cách làm này nhằm phòng trừ côn trùng gây hại đặc biệt là ruồi vàng đục trái và giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện nay, một số tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp trồng táo ở Phú Lạc được thành lập với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sạch hướng đến trái tươi và các sản phẩm chế biến từ táo được công nhận sản phẩm OCOP, khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng nhiều hơn, nâng cao giá trị kinh tế cho đồng bào nơi đây. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, giúp bà nông dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.